Phim gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử

Bộ phim của đạo diễn Volker Schlondorff đã vinh danh nền điện ảnh Đức tại những kỳ liên hoan phim uy tín bằng tiếng trống thiếc trong tác phẩm The Tin Drum - Cái trống thiếc.

Tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đức Gunter Grass, Cái trống thiếc/The Tin Drum là một trong những bộ phim hiếm hoi giành liền 2 giải thưởng danh giá về điện ảnh, Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes và tượng vàng Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.

Ngay trong năm ra mắt, Cái trống thiếc đã gây được tiếng vang trong làng điện ảnh thế giới, tuy nhiên đây cũng là một trong những bộ phim gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử.

Từ cuốn tiểu thuyết vang danh...

Chiếc trống thiếc đã khắc họa một nước Đức thời kỳ hậu Thế chiến thứ Hai đầy đen tối. Với chủ thể là một cậu bé lùn dị dạng Oskar Matzerath giữ nguyên chiều cao 94cm của tuổi lên 3 cùng những cuộc phiêu lưu ở “thế giới người lớn”, nhà văn đã mang đến cái nhìn thật khác lạ cho độc giả.

Phim gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử - 1

 Poster phim Cái trống thiếc, tên tiếng Đức: Die Blech Trommel. Ảnh: Filmgraded.

Trailer phim Cái trống thiếc.

Thật trớ trêu, lý do khiến một bé trai 3 tuổi hùng hồn “tuyên bố” sẽ không lớn thêm nữa là bởi nó "quá kinh tởm thế giới của người lớn". Càng bi kịch hơn, khi Oskar vẫn tiếp tục trưởng thành trong thân xác của một đứa bé và phải chứng kiến sự trỗi dậy cho đến ngày tàn của phát xít Đức.

Cái trống đồ chơi bằng thiếc là một hình ảnh không thể thiếu trong tác phẩm, góp phần thể hiện sự giận dữ của Oskar, làm nổi bật lên một thế giới kệnh cỡm vùi lấp dưới những đổ nát của lịch sử.

Phải mất đến 40 năm sau ngày xuất bản tại Đức năm 1959, Cái trống thiếc mới được giới văn chương chính thức công nhận với giải thưởng Nobel danh giá. Thế giới đã thực sự ngả mũ trước tài năng của Gunter Grass thay vì những lời chỉ trích ban đầu về một tác phẩm đồi trụy, báng bổ.

Thư ký Ủy ban Nobel, Horace Engdahl đã xúc động phát biểu trong lễ trao giải: “Việc trao giải Nobel Văn chương cho Gunter Grass tuy hơi muộn nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi 1999 là năm bắc cầu giữa hai thế kỷ.”

... Đến những tranh cãi nảy lửa trong giới điện ảnh

Nền điện ảnh của Đức hầu như không được biết đến trước những năm 1960 và chỉ bắt đầu nổi lên từ thập kỷ 70.

Chính đạo diễn Volker Schlondorff cùng tác phẩm chuyển thể kiệt xuất Cái trống thiếc của ông đã góp phần làm rạng danh và đưa điện ảnh của nước Đức lên tầm cao mới.

Volker Schlondorff vốn là đạo diễn giàu kinh nghiệm với những bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Ông từng được nhà văn Grass tin tưởng giáo phó bộ tiểu thuyết đầu tay nổi tiếng của mình để đưa đến cho khán giả.

Vẫn xoay quanh quyết định “không lớn lên nữa” của cậu bé Oskar, Cái trống thiếc phiên bản điện ảnh mang sứ mệnh chuyển tải một thế giới đen tối toàn những “người lớn” quá nhiều tham vọng và dục vọng.

Phim gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử - 2

Nhà văn Gunter Grass (trái)  thường xuyên có mặt tại phim trường để dõi theo diễn xuất của cậu bé David Bennent (giữa) và đạo diễn David Bennent. Ảnh: Moviemail.

Quá trình tuyển chọn diễn viên thực sự là một thử thách đối với đạo diễn Schlondorff, nhất là vai diễn độc đáo của cậu bé Oskar chiếm phần lớn thời lượng và là linh hồn của bộ phim.

Nhà làm phim đã nghĩ đến phương án chọn diễn viên người lùn cho vai chính, tuy nhiên ông sớm hiểu rằng Oskar hoàn hảo nhất định phải do một cậu bé thực sự đảm nhiệm.

Sau khi thất bại tại tất cả các buổi thử tuyển ở nhiều nước châu Âu, đạo diễn Schlondorff mới sực nhớ đến con trai của một diễn viên từng tham gia phim của ông. Cậu bé 12 tuổi David Bennent ấy dường như được “đo ni đóng giày” cho vai diễn Oskar.

Do một hội chứng rối loạn về sinh lý, khuôn mặt và tầm vóc của Bennent trẻ hơn rất nhiều so với lứa tuổi 12, đồng thời cũng hết sức phù hợp với hình mẫu Oskar ngỗ ngược.

Và diễn xuất của Bennent thật sự xuất sắc. Với một vai diễn nhí được cho là lạ lùng và “khó nhằn” nhất trong lịch sử, cậu bé đã đặc tả một cách phi thường những tâm lý phức tạp, trải qua từng biến cố cuộc đời của nhân vật, suy rộng ra là cả những sự kiện lịch sử của thời đại.

Đạo diễn Schlondorff từng thừa nhận: “Với David, để hóa thân vào Oskar không hề khó, bởi đơn giản cậu được sinh ra cho vai diễn này. The Tin Drum đã không thể thành công nếu không nhờ có cậu bé”.

Tất nhiên, cái tài của Schlondorff không chỉ dừng lại ở việc may mắn sở hữu một cậu bé Oskar vốn đã hoàn hảo, mà còn ở nghệ thuật dựng phim và kết nối những diễn biến trong bộ phim.

Trong Cái trống thiếc, ông thường cho khán giả nhìn bằng chính nhãn quan của Oskar với rất nhiều đoạn được quay ngang tầm đầu gối – từ đó cái thế giới “người lớn” càng trở nên xô bồ và kỳ quái.

Phim gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử - 3

Sự thật phơi bày về thế giới “người lớn” trong mắt Oskar. Ảnh: Dimotix.

Người xem cũng cảm nhận rõ mối liên hệ giữa chiếc trống đồ chơi của Oskar và những cuộc diễu hành phô trương của quân Phát xít, qua đó phơi bày tội ác của chiến tranh và những thủ đoạn chính trị vốn không hề mang lại cơm áo và hòa bình như chúng hứa hẹn.

Tuy vậy, Cái trống thiếc không tránh khỏi những chỉ trích mạnh mẽ từ phía giới phê bình phim, giống những gì bộ tiểu thuyết từng phải trải qua. Đặc biệt là những cảnh mô tả hành vi tình dục xuất hiện trong phim một cách trần trụi, đặc biệt lại do một diễn viên nhí thể hiện.

Tại nhiều nơi trên thế giới bao gồm Canada, bang Oklahoma (Mỹ), các ủy ban kiểm duyệt phim luôn truy xét gắt gao, thậm chí cấm công chiếu và tịch thu toàn bộ băng đĩa vì cho rằng bộ phim có tính khiêu dâm trẻ em. Đến năm 2001, Cái trống thiếc mới được hợp pháp hóa và công nhận tại bang Oklahoma.

Vinh quang cho nền điện ảnh Đức

Cái trống thiếc là một trong những thành công vang dội nhất của lịch sử nền điện ảnh nước Đức, cả về mặt thương mại và nghệ thuật. Bộ phim mang lại doanh thu cao nhất trong những năm 70, đồng thời "ẵm" luôn hai giải thưởng cao quý và uy tín nhất toàn cầu: Cành cọ vàng và tượng vàng Oscar.

Ở Liên hoan phim Cannes 1979, cùng với kiệt tác điện ảnh Apocalypse Now, bộ phim Cái trống thiếc đã xứng đáng nhận giải thưởng cao nhất. Sau đó vài tháng cũng được công nhận ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar.

Điều đáng tiếc lớn nhất là diễn xuất của David Bennent không giành được giải thưởng nào cho những thể hiện phi thường của cậu bé trong phim.

Có người cho rằng, Cái trống thiếc nổi tiếng một phần lớn nhờ những tai tiếng và yếu tố tình dục. Không ai chắc chắn được điều đó, tuy nhiên tính nghệ thuật và tính thời sự mà bộ phim mang lại thật sự đáng được ghi nhận.

Đạo diễn Bá Vũ từng chia sẻ: “Tất cả những hình ảnh và kịch tính mà Cái trống thiếc bị dự luận phản ứng, hoàn toàn là kết quả từ ảo giác của người xem, được tạo ra bằng tài nghệ dàn dựng của đạo diễn và kỹ xảo nghệ thuậ làm phim.

Những cảnh nhạy cảm đó thật sự quan trọng, đó là lý do Scholondorff không nhượng bộ bất cứ quốc gia nào muốn kiểm duyệt đòi cắt bỏ. Ông thà chấp nhận mất thời gian giải trình hoặc bị cấm chiếu, chứ dứt khoát không chịu cắt, dù chỉ 1 giây”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiếu Đức ([Tên nguồn])
Phim hay ít người biết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN