Phim của Công Lý, Quốc Khánh bị tố "đạo ý tưởng"
Người viết kịch bản Nguyễn Văn Vỹ (Thiên Vỹ) phản ánh với Tiền Phong, phim Bão qua làng đang phát VTV1 hàng tuần “đạo ý tưởng” kịch bản Xóm trưởng của anh.
Anh Vỹ kể, ngày 10/6/2008, anh gửi kịch bản Xóm trưởng, dài 25 tập đến Phòng Nội dung 1, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC). Biên tập Phạm Ngọc Tiến đọc, nhận xét chưa làm được, kịch bản phải sửa.
“Không thấy VFC liên lạc lại. Bẵng đi thời gian, sau khi làm Rừng chắn cát năm 2011, tôi bắt tay sửa kịch bản. Đến đầu tháng 8, phim Bão qua làng (30 tập) phát VTV1 tôi mới nhận ra kịch bản của mình đã bị đạo ý tưởng”, anh Vỹ nói.
“Bão qua làng” phát VTV1 đang có dư luận trùng ý tưởng với kịch bản “Xóm trưởng” của tác giả Nguyễn Văn Vỹ.
Theo anh, điều gì chứng tỏ kịch bản sau này đạo ý tưởng Xóm trưởng?
“Tôi không được đọc trực tiếp kịch bản Bão qua làng, chỉ theo dõi qua các tập phim, đến đâu mới biết người ta dùng ý tưởng của mình đến đó. Theo tôi, cốt truyện cơ bản, bối cảnh diễn ra ở một vùng nông thôn trong đó câu chuyện bắt đầu từ việc bầu lại xóm trưởng. Các đối tượng tranh giành nhau chức trưởng thôn - đều nằm trong kịch bản của tôi.
Thậm chí một tình tiết cụ thể cũng giống nhau. Cảnh ông chạy chức trưởng thôn bắt gà đút lót quan xã ở tập 1 Xóm trưởng được phô tô lại trong tập 2 Bão qua làng.
Chưa kể một số chi tiết khác: bán hàng khuyến mại, mua 1 tặng 1, đi vận động bỏ phiếu cho mình, sự tham nhũng của cán bộ xã dần hé lộ. Mô típ người vận động thì không trúng, người chả làm gì thì trúng cử, giống hệt kịch bản của tôi”, anh Vỹ nhận định.
Trong Xóm trưởng, cũng có một hộ thực hiện mô hình VAC, đồng thời được dân bầu là xóm trưởng. Bão qua làng thì khai thác tuyến nhân vật vợ chồng Lận-Đận làm VAC ở đầu làng, rồi bị quan xã ức hiếp, cướp đất-dễ gây liên tưởng vụ Tiên Lãng.
“Kịch bản của tôi phát triển nhanh hơn, người ta viết lại chắc chắn phải lược đi một số tuyến, kéo dài vấn đề bầu xóm trưởng đến hết tập 11 chưa xong”, tác giả Xóm trưởng nói.
“Ý tưởng câu chuyện có trong kịch bản của tôi, người ta chỉ viết lại, thêm bớt chi tiết, tình huống. Người ngoại đạo có thể không rõ, nhưng đây là một trong những cách làm việc của biên tập-biên kịch: Một số kịch bản của tôi trước đây, biên tập và biên kịch thống nhất phá vỡ kịch bản ban đầu, có thể thêm cảnh, thêm tuyến khi viết lại”, anh Vỹ nói thêm.
Bộ phim Bão qua làng quy tụ nhiều gương mặt nghệ sỹ được biết đến
Thiên Vỹ từng có hai kịch bản làm với VFC là Phóng viên thử việc, Rừng chắn cát. Kịch bản Xóm trưởng gửi đến VFC năm 2008, đến năm 2011 VFC đặt hàng Nguyễn Xuân Trường viết Bão qua làng.
“Tôi cho rằng chính VFC phải cho người không dính líu, thẩm định độc lập cả hai kịch bản, đưa ra những chi tiết trùng hợp, để khẳng định chuyện đạo kịch bản. Nhưng anh Đỗ Thanh Hải bảo, việc này cần có thời gian”, anh Vỹ nói.
VFC nói gì?
Phóng viên liên hệ với biên kịch Xuân Trường, người đứng tên tác giả kịch bản Bão qua làng, anh từ chối, đẩy phát ngôn lại cho đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC. Trước đó, Xuân Trường viết thư cho tác giảXóm trưởng, khẳng định khi viết Bão qua làng, anh chưa về VFC mà làm theo đặt hàng của biên tập Đặng Diệu Hương.
“Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hiện tôi vẫn sống ở nông thôn, nên chuyện làng quê liên tục hiện hữu trước mắt. Mà tôi chắc rằng, chuyện ở làng tôi hay ở làng Vỹ, cũng như ở bất kỳ làng nào của vùng đồng bằng Bắc bộ cũng na ná. Bởi vậy, nếu Vỹ nói “em khẳng định kịch bản đã lấy nội dung chính từ kịch bản của em” e là võ đoán.
Nếu Vỹ từng viết nhiều kịch bản chắc cũng biết, mỗi bộ kịch bản chúng ta xây dựng không thể hoàn toàn mới, hoàn toàn lạ”, thư Xuân Trường viết.
Theo lí giải của biên kịch này, cuộc sống muôn màu thật, nhưng những chuyện xảy đến trước mắt chỉ có vậy: Làm về bác sỹ sẽ phải nhắc tới nạn phong bì; làm về ngành giáo dục không thể không nhắc tới dạy thêm học thêm; đề cập ngành xây dựng tác giả nào cũng phải nói về mánh khóe rút ruột công trình của nhà thầu; và làm về nông thôn không thể không nhắc tới trưởng thôn, những anh “Chí” nát rượu.
Bão qua làng đang gây chú ý trên sóng VTV
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận trả lời báo Tiền Phong, song chuyển lại cho biên tập chính phim Bão qua làng, hiện làm việc tại Phòng Nội dung 1 của VFC-Đặng Diệu Hương-phát ngôn. “Phim mới phát sóng tập 1, Vỹ đã khăng khăng là đạo kịch bản của Vỹ. Dù anh Hải và Trường đều nói Vỹ hãy bình tĩnh, xem tiếp phim rồi đưa ra ý kiến.
Chưa biết diễn biến tiếp theo của phim ra sao, các nhân vật, tình huống phát triển thế nào mà đã khẳng định là của mình liệu có nóng vội quá không?”, chị Hương nói.
Biên tập Diệu Hương cho biết, năm 2008 Vỹ gửi kịch bản cho nhà văn Thùy Linh, rồi nhà văn Phạm Ngọc Tiến thẩm định. Trong khi thực tế, ê kíp làm Bão qua làng hoàn toàn là người mới, không biết đến kịch bản Xóm trưởng, kể cả giám đốc Đỗ Thanh Hải.
“Vậy thì Vỹ cần liên lạc với hai nhà văn Vỹ từng gửi kịch bản, hỏi rõ sự tình thay vì vội vàng nói mình bị đạo ý tưởng. Nếu Vỹ có suy nghĩ rằng chính người của VFC gợi ý cho biên kịch (xuất phát từ kịch bản của Vỹ) thì thật sự gây tổn thương cho nhà văn Thùy Linh và Phạm Ngọc Tiến”, chị Hương nói.
Tác giả Xóm trưởng cho rằng, tập kịch bản Xóm trưởng vẫn nằm ở Phòng Nội dung 1, người của VFC hoàn toàn có thể tiếp cận. “VFC phải có trách nhiệm trong việc này”, anh Vỹ nói.
Đại diện VFC khẳng định, làm đúng quy trình khai thác kịch bản, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
“VFC khi ký hợp đồng mua kịch bản của Xuân Trường cũng như các biên kịch khác đều có phân định trách nhiệm rất rõ: Tác giả phải chịu trách nhiệm về bản quyền và nếu có tranh chấp, đó là việc của tác giả”, Đỗ Thanh Hải trao đổi qua thư với tác giả Thiên Vỹ.
“Nếu sau này, Vỹ tiếp tục muốn khẳng định ý tưởng kịch bản là của Vỹ và có những dẫn chứng cụ thể, sau khi đã xem toàn bộ phim Bão qua làng, VFC sẽ có ý kiến, tránh gây hiểu lầm là VFC dùng sự việc này để lăng xê bộ phim đang phát sóng”, đại diện VFC nói.
Phải biết tự bảo vệ
Khi gửi kịch bản Xóm trưởng, tác giả không đăng ký bản quyền vì cứ nghĩ gửi ra VFC là một dạng đăng ký. “Trước đây, một số kịch bản khi gửi ra hãng phim tư nhân không kiểm soát được, người ta cũng lấy một số ý tưởng nhỏ trong kịch bản của mình để làm phim. Các kịch bản sau này, tôi đều tự đăng ký bản quyền”, biên kịch Thiên Vỹ nói.
Kịch bản Xóm trưởng không đạt, anh tự biết hạn chế của mình? “Xóm trưởng viết sau Phóng viên thử việc. Hồi ấy tôi chưa có kinh nghiệm nhiều, thoại viết cũng chưa tốt. Nếu lúc đó có người tâm huyết làm việc cùng mình, tôi tự tin viết lại. Vấn đề nhức nhối ở địa phương tôi mới thành câu chuyện, chứ không phải tưởng tượng ra, nó gắn liền với đời sống”, anh Vỹ chia sẻ.