NSƯT Tự Long: Phụ nữ Việt Nam là nhất!

Sự kiện: Bữa trưa vui vẻ

Luôn ca ngợi về phụ nữ Việt Nam là đảm đang, chịu thương chịu khó và luôn biết dành tình yêu thương cho gia đình, chồng con... là những chia sẻ của nghệ sĩ sân khấu Tự Long.

Cách đây ít ngày, NSƯT Tự Long đã tham gia chương trình truyền hình Bữa trưa vui vẻ với chủ đề "Cháy túi". Mặc dù đang bị ngộ độc thức ăn và khá mệt mỏi, Tự Long vẫn vui vẻ và nhiệt tình hợp tác với ê kíp. 

Tự Long chia sẻ, làm người đàn ông chân chính và ga-lăng thì không ai chưa từng trải qua trường hợp bị cháy túi. Đối với Tự Long, thời kỳ sinh viên là lúc hay rơi vào tình trạng cháy túi nhất, vì đó là khi anh bắt đầu yêu và có bạn gái. Tiền không có nhiều nhưng luôn tỏ ra ga-lăng với người yêu, anh luôn là người trả tiền mỗi khi đi ăn uống, đi picnic, hay những hoạt động cần nhiều đến tiền.

Tuy vậy, khi đã có gia đình, người phải trả tiền mỗi khi đi nhà hàng, đi nghỉ mát... luôn là bà xã của anh. Lý do được Tự Long giải thích, khi đã là của nhau rồi thì luôn tin tưởng, cũng như giao phó tài chính (tiền lương) của bản thân cho vợ. Chính vì thế, những khoản chi tiêu, thanh toán đều do vợ anh quyết.

NSƯT Tự Long: Phụ nữ Việt Nam là nhất! - 1

Dù sức khỏe không tốt, Tự Long vẫn rất chuyên nghiệp hoàn thành chương trình và giao lưu với phóng viên

Ở tình huống thứ 3 trong chương trình: người chồng không có tiền trả nợ, đành viết thư giao phó cho bà xã. Câu hỏi đặt ra là, liệu người vợ có chịu trả món nợ mà người chồng giao phó trong trường hợp này không? NSƯT Tự Long đã chọn phương án "Có", bởi anh tin phụ nữ Việt Nam dù thế nào đi nữa vẫn luôn nghĩ đến tình cảm gia đình, chồng con, biết sẻ chia và hy sinh cho tất cả.

Nghệ sĩ Tự Long luôn đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của người phụ nữ trong gia đình. Dù có khó khăn, vất vả thế nào, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn lăn xả và biết tìm cách khắc phục để vượt qua.

Trong trường hợp người chồng "bó tay" và tìm cách trốn tránh, Tự Long suy luận và khẳng định, cô vợ dù không có khả năng thì cũng sẽ tìm mọi cách để vay mượn và trả nợ cho người mình yêu. Rút cục, vì đánh giá quá cao tinh thần "hy sinh" của phụ nữ Việt mà nghệ sĩ Tự Long đã chịu "bàn thua trông thấy" khi đáp án tình huống bất ngờ là cô gái bỏ mặc người tình.

Ngày nào cũng đặc biệt với vợ

Trong ngày 8/3 hoặc những ngày dành cho phụ nữ, anh thường hay có món quà tặng hay hoạt động gì dành cho vợ?

Thực sự với tôi thì không có riêng ngày nào là đặc biệt dành cho phụ nữ, mà tất cả đều đặc biệt. Không phải chỉ có những ngày như 8/3, 20/10 hay Valentine mới tặng quà, quan tâm hay làm gì đó đặc biệt dành cho vợ, cho mẹ.

Thực sự với tôi thì không có riêng ngày nào là đặc biệt dành cho phụ nữ, mà tất cả đều đặc biệt. Không phải chỉ có những ngày như 8/3, 20/10 hay Valentine mới tặng quà, quan tâm hay làm gì đó đặc biệt. Với tôi, tình cảm mình dành cho vợ mới là điều quan trọng nhất. Mình có thể mua bất kỳ lúc nào chứ không phải đợi đến ngày đấy. 

Ngày thường, tôi vẫn thi thoảng hay mua hoa hay quà về tặng cho vợ, chứ không nặng nề cứ nghĩ nhất định vào ngày 8/3 hay 20/10, phải lọ mọ đi tận đẩu tận đâu mua bằng được những thứ đắt đỏ, quý hiếm tặng. Làm vậy chỉ để đánh bóng vì ai biết đó là quý thật hay không, biết đâu vợ mình lại không thích thì sao.

Những lần đi công tác, đặc biệt đi nước ngoài, tôi vẫn hay mua quà về cho vợ. Bạn bè đồng nghiệp đi cùng thấy gói nhiều quà cáp thì hỏi sao mua nhiều thế, mình thì tranh thủ lần đầu được đi nên mua về tặng vợ và người thân. Nếu có dịp thì tặng quà cho nhau, hay là phải đợi đến dịp đặc biệt mới thể hiện ra. Tôi thì không thích làm như vậy vì thấy thừa thãi. 

Nói chung chỉ có thời sinh viên thì còn lãng mạn và hay quà cáp, hoa lá cành vào những ngày như vậy. Giờ có gia đình rồi thì tình cảm với nhau và dành cho nhau vẫn là trên hết.

Vậy hoạt động hay món quà nào của anh từng khiến cho vợ anh bất ngờ và thấy thú vị nhất?

Đấy là ngày xưa thôi. Tôi từng mua cho cô ấy mảnh vải để cắt chiếc áo dài. Giờ thì chắc không còn cảm giác bất ngờ hay mong chờ như thời khó khăn đấy nữa.

Hết tiền đi làm xe ôm

NSƯT Tự Long: Phụ nữ Việt Nam là nhất! - 2

Tự Long chia sẻ những kỷ niệm khó quên thời sinh viên

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh khi "cháy túi"?

Thực ra thời sinh viên thì hầu như lúc nào cũng rơi vào tình trạng bị "cháy túi". Sinh viên thì nghèo mà tiền lại không có, trong khi nhu cầu chi tiêu không phải là ít, đặc biệt khi tán gái và yêu đương. Nhưng kỷ niệm khó quên nhất với tôi đó năm tôi mới ra trường, khoảng năm 1998, vẫn còn túng thiếu nhiều. Gom góp mãi mới mua được chiếc xe máy Royal. Không phải có xe máy khi ấy đã được coi là giàu có gì, lúc nào cũng lo có tiền đổ xăng, hoặc trong túi luôn phải dự phòng sẵn 20.000 đồng để phòng những lúc thủng xăm, xịt lốp...

Kỷ niệm thứ hai là khi đi chơi cùng người yêu, không có tiền phải nhờ bạn bè anh em thân gom tiền lại. Ngày đang tán tốn kém lắm, cũng phải thể hiện ra với bạn gái trong khi tiền thì không có nhiều. Đấy là khi vay mượn được, còn khổ nhất là không vay được ai. Không phải người ta không muốn cho vay mà họ cũng bí và rơi vào hoàn cảnh tương tự như mình.

Khi rơi vào trường hợp đi vay không được, anh đã xoay xở và giải quyết thế nào?

Thực tế trong những lúc như thế chỉ còn cách là bỏ lỡ dự định của mình. Có nhiều người tìm nhiều cách, ví dụ người ta muốn mua sắm gì đó mà không được thì về vay mượn bố mẹ, hay thậm chí mượn sổ đỏ của gia đình... Nhưng mình thì không thế được, vì cái gì thuộc về bố mẹ là của bố mẹ, mình không được quyền động vào. Việc mình làm sai làm hỏng trong công việc làm ăn của mình mà lại đem những thứ quý giá của bố mẹ ra đánh cược thì không được. Không vay được anh em, bạn bè thì mình vay ngân hàng. Tất nhiên mình vẫn phải có cái gì đảm bảo cho cuộc sống thì người ta mới tin tưởng cho vay.

Có khi bí quá thì tôi đã có lần xách xe ra đầu phố làm anh xe ôm. Nghệ sĩ nhiều khi người ta không vượt qua được cái ngưỡng của bản thân, không vượt qua được chính mình. Ví dụ với họ cứ nhất định phải đóng những vai chính có tính cách như thế này, chứ nhất định không chịu làm một anh cầm cờ chạy qua chạy lại trên sân khấu. Cái đó là cái khó nhưng không phải không làm được nếu biết vượt quá sự tự ái và sĩ diện.

Bây giờ tôi thấy mọi người vay nhau dễ dàng quá, liều mạng. Mới thân quen hoặc chỉ quen biết không lâu cũng dám mở miệng ra vay mượn, vay thoải mái và bừa bãi. Thậm chí vay xong cũng không buồn chả, tự động tránh nhau như người dưng nước lã. Dù không trả nhưng cũng nên được lời nói để người ta thương hay thông cảm...

Riêng bản thân tôi, mình cũng phải có cái liêm sỉ. Phải nhìn, không phải ai mình cũng dám vay đâu. Tôi thấy đạo đức con người bây giờ đi xuống và vị đồng tiền quá. Biến trắng thành đen, biến không thành có và không còn tình người.

Những khi không vay mượn được, anh có cảm thấy bi quan hay chán đời?

Như nhiều người khác, họ sẽ chán nản rồi mượn rượu giải sầu. Với tôi thì, nếu mình không có tiền làm những việc lớn thì thôi mình hãy làm những việc nhỏ. Mình biết bằng lòng với số phận, bằng lòng với những gì mình có, không nên đặt mình vào những tình huống vượt ngưỡng của mình để rồi buồn bực, bi quan buồn chán.

Bởi vì như vậy cũng không giải quyết được gì cả. Những người buồn bực là những người ngộ nhận. Đôi khi người ta không vay được tiền, họ cứ ngộ nhận cứ người này phải là người cho anh vay tiền, vậy họ không cho vay thì làm gì được. Từ đấy sinh ra chán chường, buồn bực vì không vay được.

Nói "không" với gameshow kiểm tra kiến thức

NSƯT Tự Long: Phụ nữ Việt Nam là nhất! - 3

"Táo Giao thông" thoải mái chia sẻ quan điểm về các gameshow kiểm tra kiến thức

Anh có thường xuyên tham gia những chương trình gameshow đánh đố với những câu hỏi liên quan đến học vấn, kiến thức?

Tôi cũng chỉ tham gia những gameshow (trò chơi trên truyền hình: Chiếc nón kỳ diệu, Bữa trưa vui vẻ...) giải trí vui vẻ hay những talkshow (trò chuyện trên truyền hình: Sao Online, Người đương thời...). Khán giả thường hay có tâm lý, là văn nghệ sĩ thì phải biết trước, được "phím" đáp án rồi thì mới trả lời được.

Vì vậy, tôi không tham gia những chương trình kiểu đánh đố hay liên quan đến kiểm tra kiến thức, thứ hai là mang tính xã hội cao. Không phải mình kém, nhưng khán giả luôn có tâm lý chung, nếu thấy nghệ sĩ không trả lời được lại bảo: "Sao thằng kia ngu thế; Nếu mình trả lời được thì họ lại bảo: Chắc bọn này nó lại bảo nhau trước ấy mà..."

Với những câu hỏi khó mà không trả lời được, anh sẽ dùng cách giải thích để chữa cháy hay nói thẳng là không biết?

Tôi nghĩ là câu hỏi nào thì tôi cũng có đáp án riêng của tôi. Có thể sai hay đúng nhưng tôi vẫn trả lời bằng kiến thức của tôi chứ không thể nói cái này quá khó mà tôi không trả lời được.

Nhưng với những câu hỏi anh hoàn toàn không biết về lĩnh vực đó hoặc không có kiến thức về nó thì sao?

Tôi nghĩ là những chương trình mình tham gia ít ra cũng là những chương trình không quá xa lạ với mình, hoặc có nội dung tách biệt với cuộc sống hàng ngày, vì mình có quyền nhận lời tham gia hoặc không tham gia. Không ai ép được mình, đơn giản mình không thể tham gia một chương trình mà hoàn toàn không hề biết gì về nó hoặc xuất hiện những câu hỏi khiến mình trở thành thứ ngớ ngẩn. Đấy là cái tuyệt đối không bao giờ tôi tham gia.

Trong các lĩnh vực anh am hiểu nhất về mảng nào nhất, trừ về nghệ thuật sân khấu hay chèo vốn là chuyên môn của anh?

Đối với các nghệ sĩ, kiến thức về xã hội của họ có thể không sâu, nhưng tương đối rộng. Thứ nhất là họ được đi nhiều, được ngồi và tâm sự với nhiều tầng lớp người, từ chính khách, bộ đội cho đến em bé đánh giày...

Vai diễn vận vào người

Anh từng nói, với người nghệ sĩ nhiều khi vai diễn vận vào bản thân. Anh có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Có thể lấy ví dụ về NSƯT Trần Hạnh, cả đời chỉ đóng một vai, lúc nào cũng lam lũ, cực khổ. Hay như NS Quốc Khánh cũng gần tương tự như vậy. Với tôi thì đã từng đóng qua nhiều vai diễn, may mắn với tôi là đóng được  nhiều thể loại vai diễn.  Nhưng không có nghĩa là một nghệ sĩ đóng được nhiều vai thì tốt, còn đóng được một loại vai thì không ra gì. Các cụ có câu "Làm một thì tốt còn hơn dốt mười". Điều này cũng không phải những người đóng được nhiều vai thì không tốt, bởi nếu đóng được tốt cả 10 vai thì đáng hoan nghênh lắm chứ.

NSƯT Tự Long: Phụ nữ Việt Nam là nhất! - 4

Tạo hình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua sự thể hiện của nghệ sĩ Tự Long.

Có những nhân vật đã để lại cho mình nhiều cảm xúc và ấn tượng, đến nỗi một phần con người vai diễn cũng ảnh hưởng trực tiếp lên bản thân mình. Tôi nhớ mãi vai diễn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong vở sân khấu cùng tên. Chính nhân vật này đã khiến tôi thay đổi nhiều, dù về cơ bản không phải thay đổi hoàn toàn con người mình, nhưng phần nào đã có ảnh hưởng tích cực lên tôi.

Trước đây tôi hay để đầu trọc, từ sau vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tôi đã chú ý đến đầu tóc, ăn mặc cho đến đi đứng, nói năng... Ngoài ra, để tìm hiểu cho vai diễn, tôi đã được trò chuyện với nhiều bậc tướng tá, những chính khách, nhân vật có liên quan đến Nguyễn Chí Thanh. Trong đó có cả những đồng chí, người thân trong gia đình của cụ, đặc biệt là con trai cụ là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Nhờ vậy tôi đã có được nhiều trải nghiệm và thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện ngày hôm nay!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Hy - Ảnh: Hạo Nhiên ([Tên nguồn])
Bữa trưa vui vẻ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN