“Ni cô Huyền Trang” và kỷ niệm chưa từng tiết lộ
“Biệt động Sài Gòn” đã qua mấy chục năm có lẻ nhưng đến nay, đó vẫn là một dấu mốc vàng của điện ảnh Việt Nam trên cả 2 phương diện nghệ thuật và thương mại. Phóng viên NTNN đã trò chuyện với Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan- người vào vai ni cô Huyền Trang- về bộ phim này.
Xin chị có thể chia sẻ duyên nào đưa chị đến với bộ phim nổi tiếng này?
- Trước khi đóng bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, tôi đã đóng phim “Người về đồng cói”, sau đấy tôi chuyển về làm phát thanh viên của Truyền hình Công an nhân dân và tình cờ tôi đi công tác ở miền Nam.
Trong khi bộ phim quay được một năm, nhưng chưa tìm được người ưng ý cho vai ni cô Huyền Trang. Đúng lúc đấy thì tôi vô tình gặp họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái, người thiết kế của bộ phim này, và họa sĩ đã giới thiệu tôi cho đạo diễn Long Vân. Sau đó tôi đề nghị cho tôi xem kịch bản trước xem có phù hợp, có đất cho diễn viên diễn không. Và khi cầm kịch bản trên tay tôi đã đọc một lèo và thấy rằng đây là một kịch bản hay, rất có nhiều đất cho diễn viên thể hiện cá tính. Chính vì vậy mà tôi đã nhận lời.
Thời gian đóng phim phải mất gần 4 năm, vì tập đầu tiên vai của tôi ít xuất hiện nên tôi không phải tham gia nhiều, còn sau đấy từ tập 2 trở đi ni cô Huyền Trang xuất hiện nhiều nên tôi phải xa nhà nhiều hơn. Mỗi lần đi đóng phim thế, tôi phải mất ít nhất từ 4 tháng đến 6 tháng để bay vào Sài Gòn đóng phim.
Với một thời gian đóng phim dài như vậy, chắc chắn có quá nhiều kỷ niệm để chị có thể chia sẻ, đặc biệt là những kỷ niệm chưa bao giờ tiết lộ với báo chí?
- Đúng là có quá nhiều kỷ niệm trong quãng thời gian dài như vậy. Tuy nhiên giờ bảo ngồi nhớ lại thì cũng không thể nhớ chi tiết được. Có một cảnh quay mà tôi nhớ mãi đó là khi ni cô Huyền Trang được bố trí cho gặp người chồng của mình, nhưng tổ chức lại không hề cho biết là gặp ai, mà chỉ báo tối nay giờ này, hẹn đến địa điểm sau chùa.
Chính vì vậy, đoạn này đòi hỏi Huyền Trang phải thể hiện sự mâu thuẫn, giằng xé nội tâm rất nhiều. Sự hồi hộp vì không biết gặp ai, và khi gặp rồi lại là sự yêu thương đong đầy khi được ở bên người mình yêu, rồi sự chia lìa khi biết gặp đây rồi lại phải chia tay với chồng. Chỉ một cảnh quay mà có rất nhiều mâu thuẫn, đan xen lẫn nhau.
Nên tôi yêu cầu đạo diễn là khi diễn nội tâm như vậy, mọi người phải lui hết, chỉ còn những người có nhiệm vụ mới ở lại. Về sau này có nhiều khán giả nói với tôi, cái cảnh chia tay người chồng trong đêm tối đó của ni cô Huyền Trang đã làm họ phải rơi nước mắt. Và nói rằng diễn viên Thanh Loan lúc đóng đạt quá, hoàn toàn nhập vai, không còn là Thanh Loan ngoài đời nữa mà đó là cuộc đời thật của ni cô Huyền Trang rồi.
Với ni cô Huyền Trang, chị đã để lại ấn tượng sâu sắc từ những cảnh quay nguy hiểm đến những cảnh quay diễn nội tâm. Và để có được những thành công đó, chị đã phải làm thế nào?
- Điều đầu tiên tôi muốn nói là người diễn viên phải đọc kịch bản, thuộc lời từ đầu đến cuối, và tự tưởng tượng, vẽ ra lý lịch, cuộc đời của nhân vật. Có như vậy khi diễn mới nhập tâm. Thứ hai, tôi phải xem những cảnh quay khó ở những trường hợp tương tự, ví dụ với cảnh bị gí điện, điện giật người ta sẽ phải thể hiện thế nào, tôi phải tìm hiểu kỹ để diễn cho đúng. Rồi cảnh vào chùa đóng giả là ni cô để hoạt động tình báo, tôi cũng thâm nhập thực tế bằng cách sống trong chùa một tuần.
Chia sẻ với sự trụ trì để họ dạy cho một ni cô thì cách lấy thức ăn, đi, đứng, nói năng ra sao. Ngay cả việc đi khất thực của ni cô thì cần phải bước đi thế nào, mắt nhìn xuống chứ không được đảo qua lại, khuôn mặt như thế nào... tất cả những cái đó tôi đều học, tham khảo trước khi cần phải quay cảnh đó.
Có thể nói “Biệt động Sài Gòn” là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam khi nói về giải phóng Sài Gòn. Là người trong nghề, chị có thể chia sẻ lý do nào mà những phim về sau này như “Giải phóng Sài Gòn” hay là phim truyền hình “Những đứa con Biệt động Sài Gòn” lại không thành công và tạo được ấn tượng như “Biệt động Sài Gòn”?
- Tôi nghĩ ngày xưa phim điện ảnh được làm kỹ hơn, diễn viên cũng diễn “tới” hơn bây giờ. Ngày nay phim cả điện ảnh lẫn truyền hình, đề tài rất phong phú và đa dạng. Dàn diễn viên cũng trẻ, trai xinh, gái đẹp đấy, nhưng có thể họ diễn chưa tới, diễn sâu thì chưa đạt.
Trong khi đó cốt truyện, kịch bản của phim thì còn quá mỏng. Với bộ phim truyền hình “Những đứa con biệt động Sài Gòn” thì cốt truyện có vẻ na ná câu chuyện hiện đại bây giờ, con nhà giàu thì hư hỏng, con nhà nghèo thì có chí vươn lên. Hơn nữa bây giờ có quá nhiều hình thức giải trí khác, nên khán giả có nhiều cách lựa chọn.
Một lý do nữa mà tôi đã đề cập ở trên đó là diễn viên ngày xưa đều thuộc lời kịch bản. Trong khi các bạn diễn trẻ bây giờ đa số không thuộc, khi diễn đều có người nhắc lời bên cạnh, sẽ khó để nhập vai hay thăng hoa với cảnh quay đó.
Xin cảm ơn nghệ sĩ Thanh Loan!