Nghệ sĩ, khán giả tiếc thương NSND Trịnh Thịnh
Đồng nghiệp và khán giả đều bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho cây đại thụ của nền điện ảnh Việt Nam - NSND Trịnh Thịnh.
Sự ra đi vĩnh viễn của NSND Trịnh Thịnh vào hôm qua 12/4 đã để lại nhiều sự thương tiếc cho những người yêu mến điện ảnh Việt Nam.
Đồng loạt nhiều đồng nghiệp, người hâm mộ cố nghệ sĩ gửi lời chia buồn cùng gia đình cũng như chia sẻ về những kỷ niệm đẹp mà họ đã từng có với ông trên mạng xã hội.
Ca sĩ Phương Linh chia sẻ: "Vĩnh biệt ông - NSND Trịnh Thịnh! Chia buồn cùng gia đình ông! Nhớ mãi những bộ phim của ông. Vài ngày trước mấy mẹ con mình vừa ngồi nhắc lại câu thoại kinh điển trong bộ phim "Thằng bờm" rất hay được phát vào dịp Tết Nguyên đán có ông tham gia: "Ông đánh con tôi, tôi đánh con ông xem ông có xót không??? Á! Mày đánh con tao, tao đánh bố mày, xem mày có xót không...". Vậy mà giờ biết tin ông qua đời thấy buồn buồn và trong đầu đang có rất nhiều hình ảnh của ông... Mong ông yên nghỉ bình an".
Nghệ sĩ Hoài Linh gửi lời nhắn: "Vĩnh biệt nghệ sĩ Trịnh Thịnh. Xin chia buồn cùng gia đình bác. Nguyện cầu hương hồn bác tiêu diêu miền cực lạc".
Đạo diễn Trần Lực không giấu được sự bàng hoàng: "Lại một cây đại thụ nữa ra đi. Vĩnh biệt NSND Trịnh Thịnh..."
Nghệ sĩ Trần Lực thương tiếc sự ra đi của một cây đại thụ
Ngoài các bạn đồng nghiệp, không ít những người hâm mộ đồng loạt chia sẻ về tin tức này trên trang cá nhân và bày tỏ sự thương tiếc đối với người nghệ sĩ tài hoa.
Khán giả trên một diễn đàn điện ảnh chia sẻ: "Vẫn nhớ đến những vai diễn của ông trong hàng loạt phim truyền hình nuôi lớn tuổi thơ. Sau bác trưởng thôn Văn Hiệp vui tính, điện ảnh Việt Nam lại phải mất đi thêm một người nghệ sĩ lớn. Sinh - lão - bệnh - tử vốn là quy luật của cuộc sống mà ai cũng phải chấp nhận.
Ở tuổi 88, sau hàng trăm vai diễn lớn nhỏ, NSND Trịnh Thịnh cũng đã làm tròn trách nhiệm của một người nghệ sĩ, cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho nghệ thuật, thậm chí đến vai diễn cuối đời của ông cũng tràn ngập tiếng cười, nhưng sao vẫn thấy tiếc thương vô ngần. Điện ảnh Việt Nam cần lắm những cây đại thụ lớn sống mãi trong lòng khán giả thế này!".
Một khán giả khác lại bày tỏ sự thương tiếc về sự ra đi lần lượt của thế hệ diễn viên đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam. NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926, ông là người nghệ sĩ đã có cuộc đời gắn liền với những biến động trong lịch sử của Đất nước.
Dù không được đào tạo bài bản nhưng Trịnh Thịnh bằng vốn sống phong phú, năng khiếu và sự khổ luyện, ông đã trở nên diễn viên điện ảnh được nhiều thế hệ khán giả yêu mến: "Điện ảnh Việt thêm một lần mất mát. Trịnh Thịnh như là cầu nối giữa nền điện ảnh Việt Nam qua 2 thế kỷ. Sự ra đi của ông thật sự là một mất mát lớn với nền điện ảnh trong nước".
Có không ít người hâm mộ bày tỏ sự thương tiếc bên cạnh tình cảm nể phục dành cho người nghệ sĩ tài hoa. Ông là người có thể vừa lấy nước mắt vừa khiến khán giả bò lăn ra cười chỉ trong tích tắc. Tiếng cười của Trịnh Thịnh không hời hợt mà thâm sâu, khiến người xem phải suy ngẫm.
Suốt một đời, ông hóa thân vào những loại người khác nhau, sống với những phận đời bi - hài, cần mẫn cống hiến cho nghệ thuật.
NSND Trịnh Thịnh là một nghệ sĩ lớn của nền điện ảnh trong nước
NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926, vào lúc giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân. Ông lớn lên tại Hà Nội thành danh nhờ vào vai diễn trong phim Chung một dòng sông (năm 1959). Thời điểm đó, dù chỉ là một diễn viên lồng tiếng, tay ngang bước qua diễn xuất nhưng Trịnh Thịnh đã khiến không ít người bất ngờ và nhận được nhiều tình cảm từ khán giả.
Sau đó, Trịnh Thịnh có hàng loạt những vai diễn ấn tượng như ông nội thằng Bờm trong Thằng Bờm, ông Củng trong Anh Lực, người cha trong Lá ngọc cành vàng...
Năm 1997 Trịnh Thịnh được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân bởi những đóng góp của ông cho nền điện ảnh nước nhà. NSND Trịnh Thịnh qua đời vào ngày 12/4/2014, hưởng thọ 88 tuổi.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, làng nghệ thuật trong nước đón nhận liên tiếp những tin tức về sự ra đi của những cây đại thụ khiến không ít người hâm mộ bày tỏ sự thương tiếc.