Mike Nichols: Cha đẻ các phim hài về văn hóa đại chúng
Xuyên suốt cuộc đời hoạt động 6 thập kỷ, nghệ sỹ tài hoa Mike Nichols đã mang đến cho công chúng những bộ phim điện ảnh và truyền hình, những vở kịch phản ánh vận động nền văn hóa đại chúng Mỹ.
Nhà làm phim trứ danh Mike Nichols mất ngày 19/11 vừa qua ở tuổi 83, khiến thế giới giải trí mất đi vị đạo diễn được kính nể với những thành tựu nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực - từ điện ảnh, truyền hình đến sân khấu. Ông từng giành cả giải thưởng Oscar (điện ảnh), Grammy (truyền hình), Tony (kịch) trong suốt sự nghiệp trải dài qua sáu thập kỷ.
7 tuổi một mình trốn sang Mỹ
Sinh ra ở Berlin với tên thật là Mikhail Igor Peschokolwsky, cậu bé Nichols một mình trốn khỏi nước Đức tiền Phát xít năm 1938 để sang Mỹ và sống cùng người bố làm bác sỹ ở Manhattan, New York.
Mike Nichols thập niên 1960
Trong những năm tháng thơ ấu, Mike Nichols thường xuyên di chuyển giữa thành New York và Chicago. Thuở mới lớn, Mike từng làm việc ở đài phát thanh và là nhân viên sáng tạo của một ekip vẽ truyện tranh hài hước ăn khách. Cộng sự của Mike khi này có Elaine May – người sau này tiếp tục cộng tác cùng ông vẽ các bản phác thảo cho hầu hết các bộ phim của ông.
Năm 1962, Mike chuyển sang làm đạo diễn sân khấu. Tác phẩm kịch đầu tiên của ông là Barefoot in the Park tuy được dựng từ năm 1960 đến nay vẫn có ảnh hưởng lớn tới các bộ phim truyền hình sitcoms Mỹ.
Giữa thập niên 60, Mike đã là một tên tuổi đạo diễn kịch danh tiếng và được hãng Warner Brothers mời làm phim Who’s Afraid of Virginia Woolf? Bộ phim có huyền thoại điện ảnh Elizabeth Taylor thủ vai chính do ông đạo diễn ngay lập tức thành công lớn, gây ấn tượng mạnh với giới phê bình cũng như công chúng Mỹ thời đó. Thành công của phim đã tạo đà cho ông làm tiếp tác phẩm The Graduate.
The Graduate: Chân dung người đàn bà nguy hiểm
The Graduate đến nay vẫn là một phim không chỉ để đời của Mike Nichols mà còn là một trong những tác phẩm xuất sắc của điện ảnh, thuộc thể loại hài hước. Bộ phim kể về một chàng cử nhân mới tốt nghiệp bị quyến rũ bởi một người phụ nữ trung lưu đã kết hôn, nhưng không ngờ lại yêu chính con gái của bà.
Trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Charles Webb, Mike đã mô tả bằng hình ảnh chân dung nhân vật người đàn bà trung lưu có phần chán chường với cuộc sống hôn nhân hiện tại, đi quyến rũ một chàng trai ngây thơ để rồi đưa đến những hành động nguy hiểm.
Anne Bancroft vào vai 1 người đàn bà có sức quyến rũ nguy hiểm trong The Graduate
Phim đã mang về cho Mike Nichols giải thưởng Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất và cũng là bộ phim có doanh thu cao nhất năm. Hiện nay, phim đứng thứ 17 trong danh sách Những phim Mỹ hay nhất mọi thời đại của Viện phim Mỹ.
Câu thoại kinh điển của nhân vật chàng trai trẻ rụt rè hỏi người phụ nữ trung niên “Bà Robinson, có phải bà đang chài tôi không? Phải không?” được Véronique Hyland của tờ New York Mag đánh giá là một trong những câu thoại hóm hỉnh và thú vị nhất trong phim ảnh nhiều thập kỷ nay.
Tình dục ám ảnh trong các phim "cười ra nước mắt"
Một đề tài lớn trong các phim điện ảnh của ông là dục vọng. “Các phim của ông tiết lộ những dục vọng khiến chúng ta phải giật mình nhưng vẫn rất tinh tế”, Richard Corliss viết trên Times. “Trong Carnal Knowledge, Heartburn hay Closer, thứ được phơi bày nhiều nhất về đàn ông và phụ nữ lại là những cảm xúc đầy tính nhân văn.”
Nichols hiểu cách tạo dựng một nhân vật nữ quyến rũ trên màn ảnh. Elizabeth Taylor trong Who’s Afraid of Virginia Woolf? đến Meryl Streep trong Silkwood, Sigourney Weaver trong Working Girl và Emma Thompson trong Primary Colors đều đem lại những sắc thái quyến rũ mới mẻ.
Cảnh trong The Graduate
“Những chiếc tất da gợi cảm mà các nhân vật nữ dùng trong các phim của ông ám ảnh phụ nữ nhiều thế hệ,” Rowan Pelling bình luận. “Nichols hiểu ham muốn của người trưởng thành cũng hỗn độn, bản năng, lúng túng hệt tình yêu. Sự thiếu hoàn hảo, không trọn vẹn trong những hấp dẫn giới tính dường như với ông chính là vẻ đẹp của tình dục.”
Qua các phim của Mike Nichols, người ta thấy được những vận động văn hóa và chính trị của nước Mỹ đương thời. Dó là chuyện giải phóng tình dục và sự châm biếm lối sống đô thị trong The Graduate, phong trào công nhân sôi sục trong Silkwood, sự thực đau lòng về văn hóa đồng tính và nạn dịch HIV cũng như thái độ thờ ơ đáng giật mình thời kỳ Reagan trong Angels in America.
Những câu chuyện đó thường được truyền tải qua các cốt truyệncười ra nước mắt.