Mạo hiểm phim mới về “bầu” Kiên, Dương Chí Dũng
Ngay khi phần 2 của “Những đứa con biệt động Sài Gòn” vừa hoàn thành, đạo diễn Long Vân (chỉ đạo nghệ thuật) và đạo diễn Khương Đức Thuận đã lên kế hoạch xây dựng phần 3 với trọng tâm là khai thác các vụ “đại án” như vụ Dương Chí Dũng, “bầu” Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như…
Chọn mặt gửi vàng
Do các phần của bộ phim truyền hình dài tập “Những đứa con biệt động Sài Gòn” khá độc lập với nhau nên việc thay đổi người viết kịch bản được xem là phương án khả thi cho đoàn làm phim. Đạo diễn Khương Đức Thuận cho rằng, điều đó sẽ giúp cho bộ phim được “thay áo” và không bị “đóng khung” bởi cách nhìn của một tác giả.
Ở phần 1, phim khai thác đề tài xã hội đen với “xương sống” từ vụ án Năm Cam nên kịch bản được giao cho nhà văn công an Nguyễn Xuân Hải thực hiện. Đến phần 2, các đạo diễn quyết định lựa chọn nhà văn, nhà biên kịch Bùi Duy Khánh, người nổi tiếng với nhiều phim nhựa và phim truyền hình. Trước khi làm “Những đứa con...” nhà văn Bùi Duy Khánh đã viết kịch bản phim từ những năm 1980 với phim “Đồng đội” và sau đó là những phim “Hoang tưởng”, “Hồng hải tặc” (phim hợp tác với một đơn vị của Hồng Kông, phát hành trong và ngoài nước)…
Phim mang lại cho ông thành công nhất về nghệ thuật đó là “Những người thợ xẻ” (Bông sen bạc của Liên hoan phim VN và Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh VN). Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều phim truyền hình, trong đó đáng chú ý là phim “Con đường sáng”.
Phần 1 “Những đứa con biệt động Sài Gòn” khá thành công trong việc khai thác vụ án Năm Cam. Ảnh:TL
Nói về mối duyên với bộ phim ăn khách trên truyền hình (dù chỉ được phát ở các đài địa phương), nhà văn Bùi Duy Khánh cho biết: “Khi nhận lời làm tiếp phần 2 từ đạo diễn Khương Đức Thuận, tôi định từ chối vì lúc đó đang trong giai đoạn nước rút thực hiện phim tài liệu “Thăng Long ký sự”. Nhưng vì cái tựa phim khá hấp dẫn và là mảng đề tài về chống ma túy nên tôi cũng có nhiều hứng thú. Tuy nhiên, đạo diễn bảo tôi xem 3 tập của phần 1 để tham khảo nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa xem được tập nào. Thực ra, tôi cũng không muốn xem vì sợ bị chi phối hoặc bị ảnh hưởng của người viết trước. Thật may là trong buổi họp báo ra mắt phim, đạo diễn Đỗ Chí Hướng đã khẳng định rằng, phần 2 hay hơn phần 1 rất nhiều”.
Có lẽ vì vậy mà ngay khi phần 2 còn chưa công chiếu, đoàn làm phim đã tiếp tục đặt hàng nhà văn Bùi Duy Khánh làm tiếp phần 3. Đạo diễn Khương Đức Thuận từng đặt ra nguyên tắc là “mỗi chiếc áo không nên mặc quá hai lần” nhưng sau phần 2 được ê kip khá hài lòng, nguyên tắc này đã bị phá vỡ. “Ở phần 1, lấy vụ án Năm Cam làm chủ đạo, nhà văn- Đại tá công an Nguyễn Xuân Hải là người rất am hiểu về các vụ án nên tôi khá yên tâm ở khâu kịch bản. Tuy nhiên, đây là phim làm theo từng phần, việc thay đổi người sẽ mang lại màu sắc mới cho phim mà cũng không bị ảnh hưởng đến nội dung phim”, đạo diễn Khương Đức Thuận, đồng thời cũng là một nhân vật chính trong phim chia sẻ.
Dũng “tổng”, “bầu” Kiên chỉ là chất liệu
Ba trong số 10 đại án lớn sẽ được đưa lên phim gồm: Vụ án tham nhũng ở Vinalines, vụ “bầu Kiên” và Huỳnh Thị Huyền Như ở Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, ban đầu khi kịch bản phần 3 được viết, các vụ án này vẫn đang trong quá trình điều tra nên tác giả kịch bản Bùi Huy Khánh thận trọng không đưa vào. Nhưng tại thời điểm này, khi vụ án đã được đưa ra xét xử thì đây không còn là “vùng cấm” nữa. “Chúng tôi đã mang kịch bản này để xin chỉ đạo từ Ủy ban Phòng chống tham nhũng Trung ương và đã được duyệt. Hơn nữa, đây là phim truyền hình, các vụ án chống tham nhũng kia chỉ là “chất liệu” để hư cấu chứ chúng tôi không làm phim về cuộc đời Dũng “tổng”, “bầu” Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như nên cũng không sợ bị khán giả so sánh”, nhà văn Bùi Duy Khánh nói.
Cũng theo tác giả kịch bản, điện ảnh bây giờ không còn lối khai thác một chiều, chỉ tốt hẳn, hoặc chỉ một màu xấu xa, độc ác nữa. “Mỗi con người đều có những cái tốt và cái xấu đan xen. Có như thế mới là con người, mới là đời sống. Trong phần người bao giờ cũng ẩn náu những phần “con” mà không phải ai, lúc nào cũng nhận diện ra. Chỉ đến khi gặp những hoàn cảnh, số phận đưa đẩy thì cái xấu mới bị bộc lộ. Ngược lại, ngay cả những người được biết đến với những mảng tối nhưng ẩn sâu trong con người họ không phải lúc nào cũng xấu”, tác giả kịch bản tâm sự.
Dù chỉ lấy chất liệu về Dũng “tổng”, “bầu” Kiên nhưng cái khó của nhà văn Bùi Duy Khánh không chỉ phải đọc rất nhiều tài liệu để tìm hiểu mà còn phải làm sao đó để khán giả vẫn nhận biết bóng dáng của Dũng “tổng”, “bầu” Kiên…nhưng không bị đánh giá là đang làm phim về các nhân vật có thật ngoài đời. Nhà văn Bùi Duy Khánh quan niệm rằng, bên cạnh những vấn đề tích cực thì tiêu cực cũng luôn song hành. Mỗi người xem phim sẽ nhận thấy một chút về mình ở trong đó, để rồi tự rút ra cho mình một bài học, một thông điệp cuộc đời.
Được biết, phần 3 của “Những đứa con biệt động Sài Gòn” đã phải điều chỉnh lại về nội dung sau khi các vụ án về Dũng “tổng”, “bầu” Kiên được mang ra xét xử. Ít nhất sẽ “đội lên” 5 tập phim nữa so với ban đầu, nâng số tập lên con số 40.