Lupin đệ tam: Tên trộm khiến khán giả "mê mệt"

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Điển trai, hài hước và thông minh, Lupin III khiến khán giả thích thú.

Nếu là người yêu điện ảnh, bạn sẽ dễ nhận ra rằng dòng phim siêu trộm từ trước đến nay gần như chỉ đi theo một công thức chung: khởi đầu bằng những vụ trộm nhỏ, xảy ra mâu thuẫn, tiếp tục với những vụ trộm lớn và nút thắt đảo ngược tình thế vào phút cuối.

Lupin Đệ Tam cũng không thể thoát ra khỏi vòng xoáy này, nhưng điểm đặc biệt của nó là dù là phim người đóng, nhưng tác phẩm vẫn mang một hơi hướm rất đậm chất truyện tranh. Điều này cũng dễ hiểu vì Lupin Đệ Tam là một hình tượng nổi tiếng trong làng manga Nhật Bản, được tác giả Monkey Punch sáng tạo ra từ cách đây hơn 50 năm.

Lupin đệ tam: Tên trộm khiến khán giả "mê mệt" - 1

Shun Oguri trong vai Lupin III khiến người xem thích thú bởi vẻ điển trai và tính cách tưng tửng.

Hài hước – độc đáo – đầy bất ngờ

Ngay từ những phút mở đầu phim, đạo diễn Ryuhei Kitamura đã khéo léo giới thiệu đến khán giả nhiều nhân vật chủ chốt của Lupin Đệ Tam. Đó là Fujiko, cô nàng thông minh nhưng xảo quyệt, Pierre, anh chàng hài hước và trẻ con, Jiro, tên trộm mạnh bạo và nóng tính, Michael, một kẻ ranh mãnh và láu cá, cuối cùng là Lupin, anh chàng vui tính và có phần hơi… cà tưng.

Họ cùng nhau xuất hiện trong một vụ trộm chiếc mề-đay đầu tiên của thế vận hội Olympic tại một bảo tàng ở Singapore. Cuối cùng, Lupin đã để vuột mất chiếc mề đay về tay Michael mà không hề hay biết ngày hôm sau, Dawson, chủ tịch của hiệp hội những tên trộm The Works, sẽ trao lại quyền quản lý hội cho người nào sở hữu chiếc mề đay đó.

Lupin đệ tam: Tên trộm khiến khán giả "mê mệt" - 2

Các nhân vật ấn tượng trong "Lupin đệ tam"

Sau vụ trộm, cảnh sát quốc tế interpol bắt đầu lên chiến dịch săn lùng nhóm The Works vì nghe tin về bữa tiệc họp mặt được tổ chức tại Hồng Kông. Tuy nhiên, điều mà không ai ngờ là, ngay tại buổi tiệc, Michael đã phản bội lại Dawson, dẫn đồng bọn xông thẳng vào đại bản doanh của The Works và cướp đi chiếc dây chuyền quý giá của Cleopatra. Từ đó, những cuộc săn đuổi, trộm cướp triền miên bất tận đã bắt đầu.

Điểm thú vị trong phong cách làm phim của Ryuhei Kitamura là ở chỗ, ông gần như không dẫn dắt nhân vật của mình theo một hướng đi nhất định mà cứ để họ thỏa sức tự do nghĩ gì, làm nấy, vui gì, cười nấy, ghét gì, đánh nấy. Nhịp phim và tiết tấu câu chuyện vì vậy mà thỉnh thoảng bị lơi đi, không chặt chẽ và dồn dập như những phim siêu trộm của Hollywood hay Trung Quốc mà chúng ta thường thấy.

Lupin đệ tam: Tên trộm khiến khán giả "mê mệt" - 3

Xem phim Lupin đệ tam, người xem như đang thưởng thức một quyển truyện manga

Lupin Đệ Tam mang lại cảm giác cho người xem như đang thưởng thức một quyển truyện manga, có kịch tính, có hồi hộp nhưng không gấp gáp mà luôn nhấn nhá nhẹ nhàng, chậm rãi. Dù vậy, người xem cũng hiếm khi bị nhàm chán đến nỗi phải quay mặt sang chỗ khác bởi trong mỗi khung hình, Ryuhei Kitamura đều đưa vào những chi tiết mang tính quyết định giúp người xem phần nào hiểu thêm về vấn đề của bộ phim.

Một bộ phim mang tính giải trí thị trường nhưng có chiều sâu

"Tính thị trường" dễ nhận biết nhất ở Lupin Đệ Tam chính là những khoảnh khắc hài hước mà bộ phim mang đến cho khán giả. Cái hài ở đây vừa cà tưng, vui nhộn bởi hình thể, giọng nói, cách diễn cơ mặt của các diễn viên đúng kiểu manga mà lại vừa sâu sắc, thâm trầm, ý nhị bởi những lời thoại duyên dáng mà chứa đầy ẩn ý.

Lupin đệ tam: Tên trộm khiến khán giả "mê mệt" - 4

Shun Oguri trong vai Lupin III đã mang đến cho khán giả một vai diễn ấn tượng

Nam diễn viên người Nhật Shun Oguri trong vai trò trung tâm của bộ phim, Lupin III, đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Anh mang lại cho nhân vật một vẻ ngoài lãng tử, hào hoa cùng với tính cách tươi tỉnh, yêu đời, hơi khùng khùng nhưng rất đúng chất manga Nhật Bản. Các trò chọc cười của anh hướng đến các đối thủ của mình hay những lần tán tỉnh của anh với Fujiko đều khiến khán giả cảm thấy thích thú và say mê theo dõi. Có thể nói, bên cạnh những hồi hộp và kịch tính của những vụ trộm thì chất hài hước là một trong những yếu tố khiến khán giả nhớ lâu nhất về bộ phim này.

Xét về tận cùng bản chất, Lupin Đệ Tam là một bộ phim về phản anh hùng, bởi nhân vật chính là một tên trộm. Nhưng khái niệm phản anh hùng ở đây càng ngày càng nhòa đi khi người xem dần dần nhận ra mặt tốt của những tên trộm, như lời chủ tịch Thomas Dawson đã nói ở buổi tiệc đầu phim, rằng "trộm cắp đôi khi không hẳn là xấu, chúng ta chỉ trộm của những kẻ giàu hơn chúng ta, vì những vật quý không nên được sở hữu chỉ duy nhất bởi một người".

Có thể triết lý này chưa đủ mạnh để biện minh, hay suy cho cùng cũng chỉ là một kiểu bao biện nhưng nó cũng đáng để người xem ngẫm nghĩ và nhìn lại về cái cách mà họ đã nhìn về nhân vật chính.

Lupin đệ tam: Tên trộm khiến khán giả "mê mệt" - 5

Lupin đệ tam mang một làn gió mới cho khán giả yêu mến điện ảnh

Lupin Đệ Tam, cũng như những đồng đội của mình, là những người giống như Robinhood thời hiện đại, cướp giàu (dù không chia cho người nghèo) nhưng luôn biết điểm dừng ở đâu và không tàn độc đến mức ra tay giết người không gớm tay. Xuyên suốt bộ phim, khán giả có thể dễ dàng nhận ra rằng bất cứ khi nào có thể, họ đều sử dụng tay không để chiến đấu.

Lupin Đệ Tam là đứa con lai giữa hai dòng phim nghệ thuật và giải trí, và xét cho cùng, thì đúng là một tác phẩm đóng mác Nhật Bản không lẫn vào đâu được. Nó sẽ là một làn gió mới cho khán giả Việt trong mùa thu năm nay, và đặc biệt hướng đến những người trẻ, những người đã, đang và sẽ chiến đấu cho niềm đam mê của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lukas Nguyễn ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN