Kịch Thiên Thiên: Món lạ mà ngon!

Tám câu chuyện nhỏ trong một câu chuyện lớn hay nói khác đi là tám bi kịch của những-phận người tái tê, rách nát trong một bi kịch lớn của thời đại khủng hoảng niềm tin, đỉnh điểm cô đơn, thèm khát yêu thương. Tất cả được dẫn dắt qua sợi dây liên kết của người đàn bà mang cái tên của trời – Thiên Thiên – làm công việc kỳ lạ: lắng nghe cảm xúc miễn phí.

Thương yêu bắt nguồn từ nỗi đau

Một cuộc cưỡng hiếp được sắp đặt của người chồng đẩy người vợ trí thức, xinh đẹp, đa cảm và hiền lành như cái tên (Hậu) vào im lặng. Bà chạy trốn quá khứ bằng cách gấp những con hạc hạnh phúc và lắng nghe cảm xúc của những người xa lạ. Những con người lúc nào cũng lấm lét, thường trực lo sợ người khác phát hiện ra con-người-thật. Nhưng trước Hậu-Thiên Thiên, họ tìm thấy sự kiệm lời cần thiết, đủ tin tưởng để giải bày, đủ sâu sắc, nếm trải để thấu hiểu, đủ tỉnh táo để không sợ hãi phản biện, đủ can đảm để khinh bỉ cái xấu xa bên trong, đủ nhân hậu để đánh thức phần-người-hiếm-hoi còn lại trong họ. Vừa lắng nghe họ, Thiên Thiên vừa gấp những con hạc giấy hạnh phúc. Người đến tìm chị càng nhiều, số hạc càng tăng lên.

Kịch Thiên Thiên: Món lạ mà ngon! - 1

Minh Trang – Hồng Ánh trong Thiên Thiên

Từng lớp kịch hiện ra. Mỗi nhân vật là mỗi câu chuyện đơn tuyến. Vì thế mà các diễn viên được trọn vẹn đắm mình. Từng tính cách, từng cuộc đời được khắc họa qua thoại kịch chắt lọc, cô đọng, chậm rãi, có chú tâm lặp lại, triết lý nhưng không xa rời hoàn cảnh sống của nhân vật. Đó là người đàn ông lắm chức, lắm quyền thường trực mặc cảm tội lỗi, dư thừa sự kiêu hãnh nhưng luôn sợ người thân phát hiện ra “tâm hồn tội lỗi”. Mâu thuẫn ở chỗ, ông ta muốn có một người nghe mình khóc vì “những tội lội lớn luôn cần có nhân chứng.” Đó là đứa trẻ mồ côi tình cảm, “muốn khóc cho người lớn nghe”, lồng lộn tìm cái chết “tại sướng quá, tại giàu quá, tại cái gì cũng có mà cái cần lại không có” dù thực sự rất sợ chết.

Đó là người đàn bà hì hụi kiếm tiền nhưng chưa bao giờ thấy đủ; yêu tiền đến độ xem tiền là niềm vui, là khoái cảm “tim có hai ngăn, một ngăn chứa tiền, một ngăn chứa tình, ngăn chứ tiền luôn lớn hơn, thậm chí nuốt luôn ngăn chứa tình”; cô độc đến nỗi chỉ còn có tiền song luôn mong được miễn phí mọi  thứ. Đó là cô gái giàu nghị lực dằn vặt giữa nỗi khát khao hơi ấm cốt nhục và ám ảnh cái chết đói nghèo của mẹ vì người cha “sở khanh” ham mê nhung lụa. Cô thốt lên: “Chỉ những đứa con không tôn trọng được ba mẹ nó mới đau khổ, bất hạnh”.

Đó là anh chàng ba hoa chích chòe Trầm Luân, hào sảng nói về cái nghề “làm thân, săn đón người nổi tiếng”, chia người tiếp xúc với anh ta thành 3 cấp. Cấp dưới không thèm đếm xỉa, ngang cấp thì luôn thắc thỏm lo sợ người khác vượt lên, trên cấp thì giả vờ kính trọng nhưng bên trong thì khinh bỉ. Trầm Luân làm mọi cách, kể cả dùng nước mắt để đạt được mục đích rồi cay đắng nhận ra “mất lòng tin về giá trị của mình”.

Đó còn là lão chủ quyền thế, hách dịch, không bao giờ nhận mình sai, thất lạc cái phong bì bốn trăm đô rồi nghi oan cô giúp việc ăn cắp mất, buông lời đuổi xua khinh khỉnh nghe chói tai. Cô giúp việc đi rồi quay trở lại, ngẩng cao đầu, khẳng khái giọng quê: “Cháu cảm ơn chú không phải vì bốn trăm đô mà chú nghi ngờ cháu lấy. Cháu cảm ơn chú vì nhờ chú đuổi mà cháu được về với ngoại, về với con sông Tiền yêu thương của chú cháu mình… Lâu lắm rồi chú không về đó phải không? Nó bị xả rác, xả nước dơ nhiều lắm nhưng nó vẫn trong, vẫn mát như tấm lòng bà con cô bác quê mình. Xin lỗi chú, chuyện chú khăng khăng cháu lấy tiền của chú cũng như ai đó vô tâm đái xuống sông vậy. Dòng sông không vì vậy mà dơ đâu chú. Ngoại cháu nói lòng sông rộng lắm.”

Đến khi nhận ra sai lầm, gây nên cái chết của bà ngoại cô gái, lão tìm mọi cách mua chuộc để cô gái nhận tội ăn cắp hòng gỡ gạc cái danh hão trong khi cô trước sau như một khước từ mọi đề nghị vật chất giữ gìn danh dự.

Kịch Thiên Thiên: Món lạ mà ngon! - 2

Diễn viên Quý Bình và Minh Trang với phần mào đầu đầy bi kịch và phần kết cao trào

Đó là người đàn bà nhàm chán với việc xoa lưng cho người chồng trăng hoa, ích kỷ mỗi tối. Nhưng vì yêu chồng, chị nghĩ cách xem đó là niềm vui. Chị viết tất cả những cái tên chị nhớ được lên lưng chồng. Hết tên, chị chuyển sang viết Kiều. Hết Kiều, chị chuyển sang làm toán, những bài toán “không đáp số”. Một ngày, nghe cuộc nói chuyện của chồng với người em, chị đau đớn nhận ra, chị cũng như nhiều người đàn bà khác chỉ là “một cái máy đẻ, một osin tận trung”.

Ghê tởm, tan vỡ, người đàn bà toan tìm đến cái chết và được Thiên Thiên níu giữ “Khi ta tuyệt vọng hãy nghĩ đến những người đang hy vọng về ta.” Chị chấp nhận sống và làm một cuộc giải thoát trong tâm tưởng như những cánh hạc “bay đi”.

Một bi kịch lạc quan

Bảy nhân vật nói với Thiên Thiên cũng chính là đang đối thoại với phần người trong họ. Chắc chắn, sau lần chuyện trò đó, có một cái gì đó đã biến đổi, cho nhân vật, cho Thiên Thiên và cho cả người xem. Không kể lể dông dài mà chọn điểm rơi khi lương tri, thiện tâm trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Mỗi lần nhân vật mới xuất hiện, họ mở một tấm líp trên sân khấu như thể trưng ra góc tối trong tâm hồn họ. Để khi kết thúc, tấm líp đó bằng cách này hay cách khác khép lại, chờ hồi kết.

Soi mình vào đấy, Thiên Thiên vừa đồng cảm trước những bất hạnh, mất mát, tổn thương, vừa khinh bỉ cái xấu, cái ác. Nhưng trên hết là thương xót cho những thân phận. Câu chuyện tê tái thứ 7 góp phần quan trọng đẩy kịch đến cao trào, hé lộ bí mật và nỗi đau của Thiên Thiên từ đầu vở. Hiền – chàng lái xe tội lỗi hiện thực hóa âm mưu của chủ – đề nghị tìm lại sự công bằng cho Hậu. Sự vị tha trong chị chinh phục, Hiền quay sang khơi dậy lòng can đảm để Thiên Thiên đối mặt với quá khứ.

Kịch Thiên Thiên: Món lạ mà ngon! - 3

Rất lạ nhưng Thiên Thiên vẫn nhận được nhiều tình cảm của khán giả

Có thể gọi Thiên Thiên là một vở đại bi kịch tập hợp những tâm hồn rách nát, những tái tê phận người. Nhưng không vì vậy mà rời rạc. Bởi vở khép lại bằng một cảnh giàu ước lệ, là khát khao của tất cả các nhân vật: bệnh-viện-tâm-hồn với muôn vàn cánh hạc giấy hạnh phúc từ trời đáp xuống những-phận-người. Khi nào người ta còn biết sợ hãi, còn biết ghê tởm, xấu hổ trước cái xấu trong mình, còn muốn cứu giữ phần hồn thì xã hội vẫn còn hy vọng tốt đẹp. Cho nên gọi Thiên Thiên là vở bi kịch lạc quan cũng chẳng sai.

Phải thừa nhận, đạo diễn Việt Linh rất khéo trong việc sắp xếp, dẫn dắt những bi kịch nhỏ làm nổi vấn đề nhức nhối: xã hội càng văn minh, đời sống vật chất càng đủ đầy, tâm hồn người ta càng trở nên thiếu thốn. Kết hợp với phần dàn dựng đầy dụng ý của bàn tay phù thủy Phạm Hoàng Nam, Thiên Thiên đã mang đến những cảm xúc dâng trào. Cảm xúc của nhân vật, của diễn viên, của người xem và của cả đạo diễn. Tin rằng, người xem sẽ không quên được hình ảnh Việt Linh lăn tròn, vỡ òa trong vòng tay các đồng nghiệp chung lưng sát cánh, trong tiếng vỗ tay vang dội khắp Nhà hát, đôi mắt đỏ vì thức trắng hai đêm liền và cũng vì xúc động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phan ([Tên nguồn])
Kịch: Món ngon cho khán giả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN