Khán giả Việt dần phát ngán với phim Ấn Độ
Một trong những lý do khiến khán giả bớt "nồng nhiệt" với phim Ấn Độ là vì phim quá dài dòng.
Thời gian vừa qua, các bộ phim dài tập của Ấn Độ đã tạo nên một cơn sốt trên màn ảnh Việt như Cô dâu tám tuổi, Vợ tôi là cảnh sát, Trái tim mỹ nhân, Con gái của cha...
Những bộ phim này thu hút khán giả bởi diễn viên đẹp, trang phục đẹp, những nét văn hóa độc đáo và đặc biệt là những vấn đề xảy ra trong mỗi gia đình rất quen thuộc với người Việt. Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, những trò hãm hại nhau, sự lừa dối, lòng tham và sự đố kỵ, sự hy sinh của người phụ nữ và những khao khát vươn lên trong cuộc sống... dường như với khán giả Việt, có một sự đồng cảm lớn.
Phim Ấn Độ thu hút khán giả bởi trang phục đẹp, nét văn hóa độc đáo.
Thế nhưng, sau thời gian đầu “làm mưa làm gió”, phim Ấn Độ càng khiến khán giả “vừa xem vừa bực” và không đủ kiên nhẫn để theo dõi tiếp.
Quá lạm dụng cảnh quay chậm
Kỹ thuật slow motion (làm chậm hình ảnh) là một trong những kỹ thuật quay khá phổ biến trong phim ảnh hiện nay khi muốn đặc tả một cảnh quay nào đó. Thông thường, slow motion được sử dụng để làm chậm một cảnh động như một thế võ, một vụ va chạm xe hay phản ứng của các nhân vật.
Ưu điểm của các cảnh quay chậm là khiến khán giả có thể cảm nhận rõ nét nhất về một tình tiết mà bộ phim muốn nhấn mạnh. Nhưng, thường thì chỉ trong những tình tiết gay cấn, cao trào của phim, kỹ thuật này mới được sử dụng và nó cũng chỉ kéo dài trong khoảng ba đến năm giây. Nếu quá lạm dụng các cảnh quay chậm sẽ làm cho tình tiết bộ phim bị kéo dài, khiến khán giả dễ mất cảm xúc.
Các cảnh phim thường quay hết phản ứng của tất cả các nhân vật có mặt
Thế nhưng, dường như việc lạm dụng các cảnh quay chậm lại là đặc trưng của phim dài tập Ấn Độ. Trong phim, kỹ thuật này thường được sử dụng để đặc tả phản ứng của từng nhân vật.
Không khó để thấy các cảnh quay chậm trong phim dài tập Ấn Độ được sử dụng phổ biến. Chỉ một cái chạm tay, một ánh mắt giữa các nhân vật cũng có thể kéo dài gần một phút, chỉ một cuộc đối thoại giữa các nhân vật cũng có thể kéo dài đến... nửa tập.
Không có điểm nhấn
Với độ dài lên đến cả trăm tập như Cô dâu tám tuổi có 300 tập, Vợ tôi là cảnh sát 250 tập, Trái tim mỹ nhân có 157 tập, Con gái của cha có 145 tập,... thì việc kéo dài các tình tiết phim là điều dễ hiểu.
Mặt khác, các bộ phim này giống như một câu chuyện kể về cuộc sống thường ngày của một gia đình mà tâm điểm là mâu thuẫn giữa nàng dâu và gia đình chồng. Vì thế, khán giả có cảm giác bộ phim có thể kéo dài mãi mãi hoặc kết thúc bất cứ lúc nào.
Điển hình như Cô dâu tám tuổi, bộ phim không chỉ kể về việc làm dâu của cô bé Anandi mà còn kể về câu chuyện của các thành viên trong gia đình chồng cô. Điều này khiến khán giả đôi khi không biết ai mới là nhân vật chính của phim.
Trong Vợ tôi là cảnh sát, cả trăm tập chỉ xoay quay mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu và việc Sandhya cố gắng như thế nào để lấy lòng mẹ chồng. Trên một số diễn đàn phim ảnh, nhiều khán giả băn khoăn, đến khi nào Sandhya mới có thể khiến mẹ chồng đang coi cô như kẻ thù yêu mến cô, chứ đừng nói đến chuyện cô có thể được đi học tiếp để trở thành một cảnh sát.
Khán giả băn khoăn không biết đến bao giờ Sandhya mới được làm cảnh sát
Phim Ấn Độ đến với khán giả Việt giống như một cơn gió nhẹ, từ tốn và êm dịu. Thế nên, nếu như ban đầu khán giả cảm thấy thích thú vì được thư giãn thì sau đó, càng ngày càng cảm thấy nhàm chán vì chiếu đến cả trăm tập mà phim vẫn... nhẹ nhàng như vậy. Có lẽ, sau Cô dâu tám tuổi, Vợ tôi là cảnh sát, Trái tim mỹ nhân, Con gái của cha, khán giả Việt bớt "nồng nhiệt" hơn với phim Ấn Độ có nội dung như thế.