Django Unchained: Góc nhìn về chế độ nô lệ tàn khốc

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Được sự giúp đỡ của một thợ săn tiền thưởng người Đức, Django, một nô lệ được trả tự do bắt đầu cuộc hành trình giải cứu người vợ yêu dấu khỏi tay một gã chủ đồn điền ở Mississipi.

Chế độ nô lệ, “một trong những tội ác lớn nhất lịch sử” theo phát biểu của tổng thống George W. Bush, là một vết nhơ khó giũ bỏ ở đất nước Hoa Kỳ. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh cố gắng khai thác vấn đề này để đem đến cho khán giả những câu chuyện khó thể quên nổi. Bằng tài năng của mình, đạo diễn Quentin Tarrantino đã đưa vào bộ phim Django Unchained một quan điểm lạ lẫm và có tính bình luận cao về chế độ tàn khốc này.

Với một chủ đề có tính tranh cãi cao và dễ đụng chạm này, không có nhiều người làm phim có khả năng nhào nặn nó thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Do đó, phim có đề tài chủ đạo là nô lệ không nhiều, dù cảnh buôn bán nô lệ được xuất hiện trong không ít phim điện ảnh, truyền hình. Nổi bật nhất trong các bộ phim nói về đề tài này là Túp lều bác Tom, với hơn 20 phiên bản khác nhau chuyển thể từ tiểu tuyết cùng tên của nhà văn Harriet Beecher Stowe. Nội dung chính của tác phẩm kể về cuộc đời của một người nô lệ da đen tên Tom với chuỗi ngày đen tối, đầy tủi nhục trong đồn điền trồng bông ở miền Nam nước Mỹ.

Django Unchained: Góc nhìn về chế độ nô lệ tàn khốc - 1

Jamie Foxx đảm nhận vai một nô lệ đi tìm tự do trong Hành trình Django

Một bộ phim khác thành công trong việc khai thác đề tài này là Chuyến tàu nô lệ (Amistad) của đạo diễn Steven Spielberg. Bộ phim ra mắt năm 1997 này được dựa trên một cuộc nổi dậy có thực vào năm 1839 của một nô lệ Châu Phi mới bị bắt về con tàu buôn La Amistad. Không dừng lại ở đó, đạo diễn gạo cội này còn tiếp tục khai thác đề tài này theo hướng vĩ mô hơn với bộ phim Lincoln (2012) nhận được nhiều lời khen ngợi. Thế nhưng, những bộ phim này chỉ khai thác yếu tố tâm lý, nỗi khổ con người mà chưa thực sự khắc họa sinh động nỗi khủng khiếp của thời kỳ nô lệ. Và đó là mảnh đất cho đạo diễn Quentin Tarrantino trổ tài.

Hành trình đưa Quentin tới bộ phim về đề tài nô lệ Django Unchained có từ 13 năm trước, khi ông có ý tưởng thực hiện một bộ phim viễn Tây kiểu Ý với bối cảnh ở miền Nam nước Mỹ. Điểm cốt lõi của câu chuyện sẽ về một nô lệ trở thành người săn tiền thưởng, luôn đi theo người chủ của ông tới mọi đồn điền trong nước. Đối với Quentin, viễn Tây có thể mô tả cái tốt – cái xấu một cách hào hùng. Ông cho rằng cấu trúc của dòng phim này hoàn toàn phù hợp với câu chuyện về một người nô lệ cố gắng chiến đấu chống lại tên chủ nô gian ác để giải cứu vợ mình.

Nhà sản xuất Reginald Hudlin ngưỡng mộ câu chuyện độc đáo và việc mô tả chân thực chế độ nô lệ trong những năm trước cuộc Nội Chiến. “Chúng ta không những phải nhớ nhiều điều tốt đẹp nhất của chúng ta, mà còn phải ghi lòng những gì tồi tệ nhất”, Hudlin nói. “Và ta cũng không thể trân trọng những gì tốt đẹp nhất cho tới khi chúng ta nhìn thấy và tôn vinh chất anh hùng của những con người từng đối mặt với quỷ dữ. Dù những nhân vật trong phim là hư cấu, họ vẫn đại diện cho hàng trăm người, cả nam lẫn nữ, cả da trắng lẫn da đen, dám đứng dậy phản đối quỷ dữ.”

Django Unchained: Góc nhìn về chế độ nô lệ tàn khốc - 2

Leonardo DiCaprio vào vai chủ đồn điền ác độc - một điểm nhấn thú vị của bộ phim

Còn diễn viên da màu Kerry Washington, người thủ vai người vợ của Django trong phim, cho rằng có một sợi dây kết nối cô với tác phẩm của Quentin. “Ông ấy không hề e ngại bạo lực, bóng tối và những góc khuất trong tâm hồn con người”, Kerry nói. “Tôi nghĩ cần phải có một ai đó không ngại những việc đó để có thể làm một bộ phim về thời kỳ ấy. Về cơ bản, bộ phim là một câu chuyện tình yêu, nên người đạo diễn còn phải có niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người để lèo lái tình cảm ấy thoát khỏi những nơi đầy quỷ dữ, bóng tối. Thật tuyệt vời khi Quentin có khả năng điều chỉnh cả hai khía cạnh này.”

Mặc dù Django Unchained khác thể loại so với các tác phẩm trước nhưng bộ phim vẫn giữ nguyên được phong cách đặc trưng của Quentin Tarantino: hài hước xen lẫn bạo lực. Ông cũng không bị gò bó trong cách kể chuyện mà thể hiện hết sức tự do, độc đáo. Bộ phim Django Unchained hứa hẹn sẽ cho khán giả thấy rõ sự ác nghiệt và thiếu nhân tính của chế độ nô lệ.

Được gọi là “đạo diễn có tầm ảnh hưởng nhất trong thời đại này”, Quentin Tarrantino (tên đầy đủ là Quentin Jerome Tarantino) là một đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất và diễn viên Mỹ. Các bộ phim của ông thường được nhận cả những lời khen ngợi từ giới phê bình, vừa thành công lớn về thương mại. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn trong nghành, bao gồm 2 giải Oscar, 2 giải Quả Cầu Vàng, 2 giải BAFTA và 1 giải Cành Cọ Vàng. Thế nhưng, ông chưa từng đi học ở bất cứ trường dạy điện ảnh chính quy nào, mà chỉ đúc rút kinh nghiệm từ những năm tháng làm thuê cho một… cửa hàng thuê băng đĩa!

Chính cửa hàng thuê băng đĩa ấy đã giúp Quentin có cơ hội xem rất nhiều phim ở các thể loại khác nhau, từ đó trở thành trường dạy nghề tốt nhất cho ông. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi đạo diễn Quentin Tarantino chịu ảnh hưởng, hay lấy cảm hứng từ nhiều dòng phim khác nhau như Reservoir Dogs (ảnh hưởng rõ của dòng phim hình sự độc lập), Jackie Brown (đúng chất của dòng phim phục vụ khán giả da màu), Kill Bill (kết hợp giữa võ thuật Trung Hoa, anime Nhật Bản) hay Death Proof (mang đậm chất phim câu khách hạng B), Django Unchained (tôn vinh dòng phim viễn Tây, cao bồi).

Với tư duy hơi quái ghở, ông có xu hướng thích pha trộn nhiều thể loại phim và âm nhạc vào với nhau để tạo ra một phiên bản mới hoàn toàn. Điều này khiến ông được nhiều người gọi là “đạo diễn DJ”. Các phim của ông cũng thường có những câu chuyện được sắp xếp không theo tuyến tính thời gian, phản ánh nhiều vấn đề có tính chấm biếm, trào phúng cùng những cảnh phim bạo lực đẹp “quá đà”. Chính phong cách độc đáo này đã góp phần tạo nên thương hiệu Quentin Tarrantino trong lòng khán giả và khiến ai cũng luôn nóng lòng được xem một bộ phim mới của ông.

Bộ phim Django Unchained với sự tham gia của Jamie Foxx  trong vai   Django, Christoph Waltz trong vai King Schultz, Leonardo DiCaprio trong vai Calvin Candie, Kerry Washington trong vai Broomhilda von Schaft, Samuel L. Jackson trong vai Stephen... do hãng Galaxy phát hành sẽ ra mắt khán giả toàn quốc từ ngày 15/3 tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Quyên ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN