Hai cảnh nóng trong phim chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh

Sự kiện: Phim chiếu rạp

"Ngày xưa có một chuyện tình" đánh dấu lần đầu phim chuyển thể truyện Nguyễn Nhất Ánh có sử dụng cảnh nóng. Nhưng hai phân đoạn này vẫn chưa thật sự để lại ấn tượng sâu sắc, mà chỉ khiến phim dán nhãn T16 khi phát hành.

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Ngày xưa có một chuyện tình là phim Việt đang thu hút sự chú ý của khán giả tại phòng vé. Dự án chuyển thể từ truyện dài ăn khách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hứa hẹn tạo nên thành công tương tự Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Mắt biếc (2019).

Đặc biệt, đây là lần đầu phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh dán nhãn T16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi). Trong phim có sử dụng đến hai cảnh nóng, thể hiện những cảm xúc khác nhau của nhân vật. Song, các phân đoạn này vẫn tạo cảm giác chưa hiệu quả, hoàn toàn có thể cắt bỏ.

Hai cảnh nóng ở hai giai đoạn khác nhau

Về cơ bản, nội dung Ngày xưa có một chuyện tình bám khá sát nguyên tác, xoay quanh ba người bạn thân Miền (Ngọc Xuân), Vinh (Avin Lu), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành.

Thuở bé, Vinh thích cô bạn Miền cùng lớp, thường xuyên đứng ra bảo vệ mỗi khi bạn bị bắt nạt. Lên cấp ba, Phúc động viên Vinh thổ lộ tình cảm với Miền mà không hay biết trái tim cô lại chỉ hướng về phía mình. Từ đó, phim tạo ra chuyện tình tay ba lãng mạn mà cũng day dứt, chất chứa nhiều nỗi buồn.

Phim kể lại chuyện tình của ba người bạn thân: Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) và Vinh (Avin Lu).

Phim kể lại chuyện tình của ba người bạn thân: Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) và Vinh (Avin Lu).

Kể lại câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chọn cách xử lý chậm rãi, từ tốn với những khung hình đậm tính duy mỹ. Hai cảnh 16+ chỉ xuất hiện ở nửa cuối, khi các nhân vật đều đã trưởng thành, phim còn khoảng 45 phút là kết thúc.

Cảnh nóng đầu tiên xảy ra khi Phúc bất ngờ nói lời chia tay Miền vào một đêm mưa gió. Trước đó, cả hai đã thổ lộ tình cảm với nhau và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ tại quê nhà. Nhưng lần này, Phúc lo sợ vì không biết lúc nào sẽ gặp lại người yêu. Anh hứa hẹn sớm quay trở lại, mong cô tin và chờ đợi anh.

Cũng chính lúc đó, Miền quyết định trao trọn tình cảm cho Phúc. Phân đoạn diễn ra khá ngắn ngủi, kéo dài trong khoảng vài giây.

Cảnh nóng thứ hai xảy ra nhiều năm sau đó, khi Miền đã trưởng thành, có con với Phúc nhưng quyết định về chung nhà với Vinh. Trong đêm tân hôn, cô và chồng cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc riêng tư, như một lời khẳng định cho tình yêu và sự gắn kết bền chặt.

Hai cảnh nóng trong phim ứng với hai giai đoạn khác nhau của Miền: Một là khi cô còn trinh trắng, lần đầu thân mật với người yêu; lần còn lại là khi cô bên cạnh chồng - người sẽ chung sống với mình đến đầu bạc răng long.

Ở mỗi giai đoạn, Miền lại có những cảm xúc, suy nghĩ khác biệt về tình yêu. Với Phúc, đó là tình đầu ngây thơ nhưng cũng không kém phần nồng nhiệt. Còn Vinh mang lại cho cô cảm giác an toàn và yên bình sau khi trải qua nhiều giông bão.

Mỗi cảnh nóng ứng với một giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nữ chính.

Cảnh nóng chưa hiệu quả

Trong nguyên tác, lần đầu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thử sức khi mô tả cảnh nam nữ gần gũi, đồng thời đi vào các tình tiết nhạy cảm hơn nhiều tác phẩm trước của ông. Do đó, việc đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tái hiện hai cảnh nóng lên màn ảnh rộng phần nào thể hiện sự tôn trọng tác giả lẫn tác phẩm.

Hai cảnh nóng trong phim được xử lý khá cẩn thận. Đạo diễn chọn lối quay giàu ẩn ý, dùng góc máy cận để hướng ống kính vào cơ thể diễn viên mà không để lộ những vùng nhạy cảm.

Đó có thể là bờ vai của Phúc với vết sẹo dài vốn là đặc trưng của nhân vật. Đó cũng có thể chỉ là tấm lưng trần của Miền, phần nào cho thấy sự ngại ngùng của cô gái vốn hiền lành, trong sáng.

Đạo diễn mô tả những động chạm giữa các nhân vật một cách chậm rãi, khéo léo kết hợp với âm nhạc để không làm hỏng không khí lãng mạn được thiết lập từ đầu.

Các cảnh nóng được xử lý nhẹ nhàng để không làm hỏng không khí lãng mạn trong phim.

Các cảnh nóng được xử lý nhẹ nhàng để không làm hỏng không khí lãng mạn trong phim.

Trước đó, nhiều phim Việt sử dụng cảnh nóng vô tội vạ, chỉ đóng vai trò câu khách như Trà, B4S: Trước giờ yêu, Chiếm đoạt…nên gây mất điểm với khán giả. Có lẽ vì vậy mà đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khá cẩn trọng khi xử lý cảnh nóng lần này.

Nhưng cũng vì quá cẩn thận, các cảnh nóng trong phim trôi qua khá chóng vánh, chưa đủ để tạo ấn tượng sâu sắc với người xem. Các ẩn ý của đạo diễn cũng khó được khán giả bóc tách nếu chỉ xem một lần và thiếu tập trung.

Tình cảm của Miền với mỗi người đàn ông gắn liền với cuộc đời cô đều đã được đạo diễn kể lại rất chi tiết xuyên suốt thời lượng 135 phút. Do đó, nếu mạnh dạn cắt bỏ các cảnh nóng, nội dung phim vẫn không thay đổi. Thậm chí, tác phẩm còn không bị dán nhãn T16 và có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả hơn.

Nhìn chung, hai cảnh nóng trong Ngày xưa có một chuyện tình không quá phản cảm hay phô trương. Song, các phân đoạn này chưa đủ sức nặng để tạo ấn tượng mạnh với người xem. Chúng được giải quyết khá nhẹ nhàng, giống như cách đạo diễn tháo gỡ những nút thắt của câu chuyện ở cuối phim.

Theo một nghiên cứu mới, đa số thanh thiếu niên muốn phim điện ảnh và truyền hình tập trung vào tình bạn. Họ cho rằng những phân cảnh nóng bỏng không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nhật ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN