Gặp bà Nội xì-tin ngoài đời

Tôi ngồi với nghệ sĩ Lê Thiện một sáng cuối tuần, nơi quán cà phê mà đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng xin gặp để mời bà vào vai “bà nội của Đông Dương”. Vừa bước vào quán, một khán giả nhận ra bà, hỏi thăm: “Sao nay Vừa đi vừa khóc chiếu còn có 2 buổi vậy bà nội?”

Bà ngoài đời, không khác mấy so với trong phim, luôn nhiệt thành, xì-tin và cực kỳ tâm lý. Câu chuyện với người nghệ sĩ gạo cội thẳng thắn như chính tính cách của bà mà không sợ đụng chạm hay nói hớ. Đặc biệt, NSƯT Lê Thiện cũng không ngần ngại đưa ra nhận xét của mình với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và dàn diễn viên trong phim.

Vừa đi vừa khóc có lý trong những cái vô lý

Theo tìm hiểu của cháu, cô thường chỉ nhận lời những phim cô cảm thấy tâm đắc. Vậy điều gì ở Vừa đi vừa khóc đã hấp dẫn được cô ạ?

Ban đầu, Ngọc Đãng nhờ Lê Hóa liên lạc với cô. Sau này, cô có hỏi Đãng sao lại phải nhờ mà không gọi trực tiếp, Đãng nói: “Cái số của con hễ mời thẳng là hay bị từ chối lắm mà con thì không muốn cô từ chối. Tiếp xúc được với cô rồi thì con muốn làm việc với cô luôn.”

Đúng như cháu nói, phim nào cô thấy thích và cảm thấy có lý về mặt kịch bản thì cô mới nhận lời nên cô xin Đãng cho cô đọc trước kịch bản. Lúc đó, Đãng mới bắt đầu viết nên viết xong tập nào thì Đãng gửi cho cô tập ấy.

Đọc tới tập 3, tập 4 thì cô thấy thích vai này. Vì tâm lý nhân vật rất đúng với đời sống bây giờ. Con trai lớn lên thì phải lấy vợ và có cháu nội đích tôn – đó là tâm lý của những bà già truyền thống và là suy nghĩ cổ truyền. Phần nữa, cô muốn trải nghiệm được làm việc với Đãng, với những diễn viên trẻ mà dư luận đang có phần nào ác cảm.

Gặp bà Nội xì-tin ngoài đời - 1

NSƯT Lê Thiện nhận được nhiều cảm tình của khán giả khi vào vai bà nội "Nguyễn Thị Nội" nghiêm khắc

Nhưng, thưa cô, cũng có rất nhiều khán giả thắc mắc tại sao bà nội lại không biết Đông Dương là con gái khi cô bé sống với bà từ nhỏ?

Mọi người cũng thường hỏi cô câu đó mà quên mất chi tiết, khi đẻ ra, nó vẫn còn ở với ba má nó. Vì gia đình đó toàn cháu nội gái, đã có lần bà nội nói: “Nếu má mầy đẻ con gái nữa thì tao cưới vợ khác cho ba mày”.

Tình huống đó bắt buộc ba má nó phải nói dối con bé Dương đó là con trai. Đến lúc ba má mất, Đông Dương ở với chị cả. Lúc về với bà nội thì nó 12 tuổi rồi và bắt buộc phải trở thành một thằng con trai.

Có một chi tiết nữa là, tuổi của nó với tuổi của bà không hợp nhau nên bà không bao giờ được động đến người nó hay được đến gần nó. Vì mong muốn có cháu nội nên bà tin sái cổ điều đó và bà “tuân thủ” như một luật lệ nghiêm ngặt. Nếu không lỡ có chuyện gì xảy ra cho cháu bà thì sao, nó có thể bệnh, có thể nguy hiểm tới tính mạng của cháu. Thành ra, nó tắm táp, nó làm gì đó là bà không xâm phạm, chỗ ngủ của nó bà cũng không dám bước vô.

Cho nên, cháu coi phim thì thấy, bà toàn đứng ngoài cửa gọi không à. Bà cũng nghi ngờ: “Cái thằng này lớn rồi mà cứ lỏng khà lỏng khỏng, tay chân ốm nhách” nên bà mới bắt nó đi tập tạ, mua sách tâm lý,… sẵn sàng bỏ hết công việc để ép Đông Dương theo cái khung của bà. Bà nghiêm khắc nhưng không bao giờ đánh nó. Diễn biến tâm lý của nhân vật bà nội hợp logic, có lý trong những cái vô lý nên cô thích thú lắm.

Thật tình, năm 2013, cô có đóng phim Trả giá cũng cùng môtip mong có cháu trai nối dõi tông đường. Nhưng cái mù quáng của nhân vật trong phim này khác với cái mong muốn yêu thương, vô bờ của nhân vật trong Vừa đi vừa khóc.

Giả sử ngoài đời rơi vào trường hợp oái oăm như vậy, cô sẽ xử lý như thế nào ạ?

Cô nghĩ, sống đến thời đại này rồi thì trai gái gì mình cũng thương. Tụi nó đều là con là cháu mình cả. Mong ước lớn nhất của những bậc làm cha mẹ, làm ông bà là nuôi dạy, giáo dục cho mấy đứa nên người, có được công ăn việc làm. Trước hết là để tụi nó có thể tự lo cho tương lai sau này khi không có mình, sau nữa là giúp ích cho xã hội. Với cô, con hay cháu là trai, là gái không quan trọng nhưng còn trong phim thì mình phải tôn trọng đạo diễn và tôn trọng nhân vật.

Ngược lại, ngoài đời cô thích con gái hơn con trai đó. Cháu ngoại đầu của cô là con trai, cháu nội đầu của cô cũng con trai nên khi biết con dâu có mang cháu gái, cô mừng lắm. Mà cô cháu đó lại giống bà nội nhiều nhất chứ! (cười)

Cháu thấy trong phim, bà nội của Đông Dương có nhiều câu “bất hủ” quá…

Ờ, cô bước vào vai đó ngọt xớt hà, vì bản thân cô ngoài đời với cháu mình, với mọi người xung quanh cũng nhiệt thành vậy đó. Ngay cháu nội cô ở nhà, mấy câu như “nội Nguyễn Thị Nội” chẳng hạn, nó nhớ dai lắm. Cô cũng không ngờ mình có thể biến hóa ra như vậy. Đóng phim này cực nhưng có những hạnh phúc bất ngờ, cô vui lắm.

Gặp bà Nội xì-tin ngoài đời - 2

Phân cảnh Trần Lố bị bà nội đến "dạy cho một bài học"

Có kỉ niệm đặc biệt nào trên phim trường khiến cô không thể quên?

Cháu có nhớ phân đoạn đầu tiên cô dí Trần Lố ở bờ sông không? Lố là diễn viên mới toanh nên trước khi quay, Đãng có nhắc cô phải nói đúng thoại thì nó mới diễn được vì nó chưa quen quăng bắt, cô nói khác thoại là nó đớ ra liền. Lúc đó, cô chợt “ủ mưu” trong tình huống đó nếu để Lố đớ ra thì sao. Cô muốn nó bị động hoàn toàn với bà này, thành ra cô cứ tấn công dồn dập, dồn dập, nó chưa kịp nói là bà nhảy vô miệng nó bả nói rồi.

Tới mức quay xong, Lố với Đãng kêu: “Trời, bà nội làm con sợ thiệt.” Cô mới nói với Lố: “Bà biết đây là phim đầu tay của con nên bà “mưu đồ” như vậy để đẩy con lên.” Mà Trần Lố dễ thương quá, cháu nội cô ở nhà thích nó lắm.

Còn với nhân vật cháu nội của mình do Minh Hằng thủ vai thì sao?

Trong quá trình làm việc, đến đoạn gần cuối, khi biết Dương là con gái, bà đớn đau nhận ra trong suốt 9 năm bà bóp, ép cháu vào cái khuôn của mình. Lúc đó, vì thời gian không cho phép nên lời thoại ở kịch bản chưa cân bằng với 9 năm đó.

Cô mới xin Đãng cho cô được thêm vô hai tiếng “Trời ơi…” trong câu thoại. Hai chữ đó có đủ thương xót, ân hận của bà đối với con cháu gái mình. Lúc quay xong thì cô thấy cậu quay phim chính nước mắt giàn giụa. Cậu ấy nói: “Nội kêu hai tiếng “Trời ơi…” con chịu không có nổi.” Cô mới đùa: “Cái này là “vừa quay vừa khóc” đây nè.

Quá trình quay phim là thế nhưng khi ra mắt báo chí và khán giả, cô có thấy hồi hộp?

Lúc phim ra mắt báo chí, thấy báo chí cười cái rần cô thấy yên tâm được phần nào nhưng vẫn thấy lo, không biết có gì hay không. Đến khi phim lên sóng và được khán giả đón nhận nồng nhiệt, cô vui lắm.

Gần nhà cô có bà bạn, hôm trước xem Trả giá được mấy tập thì bà ấy không xem nữa, vì nhân vật cô đóng “ác quá”. Còn mấy nay, Vừa đi vừa khóc đang chiếu 3 hôm rút xuống 2, bà hỏi liền, sao chỉ chiếu có 2 bữa vậy?

Rồi cũng nhờ phim chiếu mà nhiều người bạn hồi xửa hồi xưa đứt liên lạc tìm được cô. Bạn gọi hỏi: “Mày có phải là Lê Thiện hồi xưa múa đốt pháo Liên Xô với thằng On hông?” Rồi chuyện nọ nhắc chuyện kia, như một cuốn phim được lần hồi mở lại…

Gặp bà Nội xì-tin ngoài đời - 3

Hình ảnh NSƯT Lê Thiện ngoài đời thực

Vũ Ngọc Đãng "tai tiếng và hỗn lắm"

Lúc đầu, cô có nói làm phim để được trải nghiệm với đạo diễn và các diễn viên trẻ. Giờ phim quay xong rồi, cháu xin được hỏi trải nghiệm của cô về họ như thế nào ạ?

Ngọc Đãng nghiêm khắc và khó tính với các diễn viên trẻ. Đãng kỹ càng, chu đáo lắm và biết lắng nghe. Cô quý Đãng và có lẽ Đãng cũng quý cô ở chỗ cái gì không thích hoặc không được là cứ nói thẳng với nhau để phim thu được kết quả tốt nhất.

Có những chỗ thoại cô thấy chưa phù hợp với nhân vật bà nội, cô xin thêm thắt vài ba chữ, Đãng nghe và tiếp thu. Cô nghĩ, khi diễn viên có tranh luận với đạo diễn tức là diễn viên đó có nghiên cứu vai diễn của mình.

Hôm phim ra mắt, mọi người hỏi cô thấy Đãng như thế nào, cô mới bảo “Đạo diễn nhiều “tai tiếng” và “hỗn” lắm!” Ai nghe cũng giật mình. Nhưng thật ra thì “tai tiếng nhay nháy” chứ không phải tai tiếng thật, vì cái tính cô và cách nói của cô vậy. Khen giỏi hay khen đạo diễn tài năng, người ta lại bảo bà này sao nịnh dữ!

Đãng chọn bối cảnh hay lắm. Quay cả cái khu nhà cô ở gần chỗ sắp giải tỏa, trời ơi, ở ngoài dòm muốn ói luôn vậy đó mà lên phim nên thơ vô cùng. Mà chính sự nghiêm khắc của Đãng mới điều khiển được diễn viên. Chứ cô thấy bây giờ, nhiều cô diễn viên đóng vai nông dân, lội ruộng gì mà vẫn son phấn, áo quần là lượt…

Với diễn viên trẻ, cô thấy dư luận ác cảm với tụi nó là vì chưa được tiếp xúc thôi. Cô không quan tâm Minh Hằng hay Lương Mạnh Hải, hay Phương Thanh,… người ta nói như thế nào vì đã là cảm giác tức là chủ quan thì không nên lăn tăn.

Vào đến phim trường cô thấy Minh Hằng rất chịu hy sinh cho vai diễn. Nó cắt tóc, rồi làm cái này cái kia cho tròn vai nhất. Lúc quay nó nhập tâm thấy đó là Đông Dương chứ không còn là Minh Hằng nữa.

Tội nghiệp Hằng, nhiều khi quay suốt cả ngày, phải ép ngực, nó mệt thấy thương. Quay với Hằng hai ba phân đoạn là cô thấy chịu nó liền. Lương Mạnh Hải, Phương Thanh, Trần Lố,… cũng đều hết mình như vậy.

Gặp bà Nội xì-tin ngoài đời - 4

NSƯT Lê Thiện đánh giá cao đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng như các diễn viên trong phim

Từng là một diễn viên rồi là người quản lý văn hóa, cô thấy các bạn diễn viên bây giờ như thế nào so với thế hệ của cô?

Người thường nhớ về quá khứ là người đã bắt đầu già. Nhưng, có những quá khứ phải nhớ. Mỗi thời mỗi khác, cô biết là không nên áp đặt nhưng cái nào ra cái ấy. Thực tế, có những diễn viên, mở tivi lên cô không muốn xem. Vai diễn như một cục bột vậy đó, chính vốn sống của người diễn viên sẽ nặn thêm hình hài cho nó. Vốn liếng đó như một cái kho vậy, mình phải tích lũy lần hồi, có thể lúc đó mình chưa sử dụng, nhưng rồi sẽ có lúc cần, mình chỉ việc mang ra mà xài.

Cô từng đi theo 1 bà điên. Bà điên mà bà đẹp lắm cơ. Trời mưa tầm tã cô cũng đi theo bà, nhìn bà múa bà hát đẹp vô cùng. Quan sát lâu ngày thì cô đoán bà điên vì tình. Tự dưng, không lâu sau đó, cô được giao một vai điên, vậy là cô mang ra sử dụng. Cô thường nói với học trò của mình rằng, đừng coi thường những quan sát đó. Hồi cô đi học, thầy nói tập đạt 10 phần, lên sân khấu còn được 5, 6 phần đã là thành công lắm rồi.

Làm phim bây giờ đốt cháy nhiều giai đoạn quá, đạo diễn thì đâu có thời gian để đọc vị cho diễn viên hiểu vai diễn, mà diễn viên lại lười quan sát. Phim truyền hình bây giờ hay mời một số bạn nổi tiếng vào vai. Họ không chịu hóa thân vào nhân vật mà vẫn được chấp nhận, đó là một hụt hẫng rất lớn khiến người xem khó chịu vô cùng. Đạo diễn thì làm theo đơn đặt hàng, tốc độ, yêu cầu của nhà sản xuất. Cô thấy băn khoăn, sao bây giờ công việc của mình nó dễ quá? Mà, của rẻ là của không ngon…

Gặp bà Nội xì-tin ngoài đời - 5

NSƯT Lê Thiện nhận được rất nhiều cảm tình của khán giả với dự án phim lần này

Cô có ngại khi cháu viết những suy nghĩ này của cô lên báo không?

Không sao đâu, vì đây là tâm sự, là trăn trở của những người làm nghề như cô chứ cô không chê. Nhiều người cũng trăn trở mà chỉ biết nói với nhau. Khán giả có tâm huyết, người ta còn trăn trở ác nữa kìa, thậm chí người ta còn yêu cầu phải thế này, phải thế kia.

Khi đạo diễn, tác giả kịch bản bị biến thành công cụ thì khó có thể có tác phẩm thành công. Diễn viên nhiều “sao” quá, sao thiệt thì hiển nhiên trụ lâu còn sao thổi phồng thì mau xẹp thôi.

Sắp tới cô có ý định tham gia phim nào nữa không ạ?

Cô đang lưỡng lự những phim được mời. Vì phong độ, tác phong, tâm lý của người già cũng hao hao nhau, cô sợ nhàm chán cho khán giả. Mà khán giả ngộ lắm nghen con, mấy bà đồng trang lứa thường bảo với cô là: “Thôi, mày đừng đóng vai ác nữa.”

Cô nghĩ, là diễn viên thì mình phải trải nghiệm chứ. Người già thường dở dở ương ương, con nít không ra con nít, người lớn không ra người lớn, oái oăm, trái tính trái nết vậy nhưng không cay nghiệt. Nên phim nào cay nghiệt là cô không có chơi! (cười)

Chân thành cảm ơn cô đã dành thời gian chia sẻ!

NSƯT Lê Thiện là diễn viên gạo cội của rất nhiều vai cải lương để đời trong các tuồng như: Dệt gấm, Khuất Nguyên, Tiếng sấm Tây Nguyên, Mùa Xuân, Ánh sáng phù sa, Rạng ngọc côn sơn,… Bà là con út và là cô con gái duy nhất trong một gia đình có 5 anh em. Bà thoát ly theo đoàn văn công kháng chiến từ năm 12 tuổi và thông thạo cả múa, xiếc, ca nhạc, sân khấu,…

Đầu thập niên 90, bà về làm quản lý với cương vị Phó Giám Đốc nhà hát Trần Hữu Trang. Bên trong vẻ ngoài nữ tính của bà là một cá tính mạnh mẽ, cứng rắn nhưng cũng rất mực hòa đồng và nhiệt thành.

Bà sẵn sàng làm những việc hậu trường như lo trang phục, cơm nước để giúp các nghệ sỹ an tâm biểu diễn. Chính bà đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của đoàn cải lương xung kích Trần Hữu Trang lúc bấy giờ. Bà đã mạnh dạn đưa vở diễn Bản tình ca quê mẹ của những diễn viên trẻ tham gia Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 so tài với các “cây đa, cây đề”.

Năm 2009, bà nhận lời tham gia phim truyền hình đầu tiên – Dù gió có thổi – vì cậu cháu ngoại của bà nói rằng: “Chán bà ngoại quá hà, bà ngoại diễn hay mà làm biếng!” Vậy là bà đi thử rồi thích luôn nhân vật bà Mỹ. Chuỗi ngọc bà đeo trong phim cũng là do cậu cháu ngoại mua tặng.

NSƯT Lê Thiện là người cầu toàn trong vai diễn. Chỉ những vai phù hợp về cả tâm lý lẫn ngoại hình bà mới dám nhận lời vì “không sợ diễn, nhưng không yên tâm về ngoại hình là không diễn được.” Những vai phụ, qua cách thể hiện của bà, đều để lại dấu ấn, rất khó có người thay thế.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phan ([Tên nguồn])
Vừa đi vừa khóc: Phim giờ vàng gây chú ý Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN