"Gái bán hoa Sài Gòn" gây sốt toàn cầu
Miss Saigon, vở kịch nổi tiếng vừa chính thức công chiếu trở lại, kỷ niệm 25 năm ăn khách khắp các sân khấu Âu Mỹ.
Miss Saigon là một vở nhạc kịch sáng tác bởi Claude-Michel Schönberg và Alain Boublil được công diễn lần đầu tại London năm 1989 và hạ màn vào năm 1999, sau 4.264 buổi trình diễn. Năm 1991, vở nhạc kịch này được mở màn tại Nhà hát Broadway (New York) và hạ màn năm 2001, sau 4.092 buổi diễn.
Từ đó đến nay, Miss Saigon đã công diễn qua 28 quốc gia, được dịch sang 15 thứ tiếng và dựng ở trên 300 thành phố. Hơn 35 triệu người đã mua vé vở kịch này.
Cuối tuần trước, vở dựng mới của đạo diễn Laurence Connor công chiếu ở London đúng 25 năm kể từ lần đầu tiên vở kịch lên sân khấu. Truyền thông Âu Mỹ nhận định: “Miss Saigon là một trong những vở kịch ăn khách nhất rạp Âu Mỹ” bên cạnh những vở kịch nổi danh như Những Người Khốn Khổ hay Bóng Ma Trong Nhà Hát.
Miss Saigon vừa công chiếu trở lại trên sân khấu London
Chuyện tình Sài Gòn xúc động dưới con mắt người phương Tây
Phỏng theo vở opera Madame Butterfly (Cô Bướm), Miss Saigon kể câu chuyện cảm động xoay quanh cuộc tình đau khổ giữa một cô gái người Việt bị bỏ rơi bởi chàng trai người yêu phương Tây.
Lấy bối cảnh là Sài Gòn từ năm 1975 đến 1978, chuyện kể về tình yêu giữa Chris - một chàng lính Hải quân Hoa Kỳ và Kim - một cô gái trẻ người Việt. Kim mồ côi bởi chiến tranh, bắt buộc phải đến làm tại một quán bar là nhà chứa trá hình ở Sài Gòn.
Hoàn cảnh đã khiến hai người qua đêm cùng nhau, sau đó, họ yêu nhau thắm thiết mặc cho sự e ngại ban đầu. Những biến cố đêm sơ tán người Mỹ khỏi Sài Gòn đã khiến Chris lạc mất Kim. Dù rất đau khổ nhưng anh buộc phải rời khỏi Việt Nam. Những năm sau đó, hai người vẫn luôn trăn trở, nhớ về nhau.
Câu chuyện về mối tình cô gái quán bar Sài Gòn và một binh lính Mỹ gây xúc động mạnh với giới trẻ Âu Mỹ
Song song với chuyện tình giữa Chris và Kim, câu chuyện còn đề cập tới nhân vật Kỹ Sư, một ông "tú bà", chủ của Kim. Hắn mơ ước được sang Mỹ để sống giấc mơ Mỹ, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, tham vọng của hắn bị đập tan.
Sau này, Kỹ Sư, Kim và bé Tâm (con trai của Kim và Chris) vượt biên sang Thái Lan. Tại đây, 3 người không biết kiếm sống bằng gì nên họ quyết định trở lại nghề mại dâm.
Về phía Chris, sau 3 năm rời Việt Nam, anh kết hôn với một phụ nữ Mỹ tên Ellen. John, bạn cũ thời chiến của anh, làm trong tổ chức trợ giúp những đứa con lai có cha Mỹ bị bỏ rơi tại Việt Nam, đã báo tin cho Chris rằng Kim còn sống, và đã sinh cho anh một đứa con trai.
Chris đi tìm Kim và hai người gặp nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Bangkok. Sau khi biết người yêu đã có vợ, Kim tìm đến cái chết để đảm bảo cho đứa con trai hai tuổi của mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn với cha ở Mỹ.
Sau 25 năm vẫn ăn khách số một khắp sân khấu Âu Mỹ
Miss Saigon mới công chiếu trở lại đã lập kỷ lục doanh thu ở sân khấu West End (Anh). Ngay trong ngày đầu tiên, lượng vé đặt đã hơn 4,4 triệu bảng (7,4 triệu USD).
Miss Saigon đã phá vỡ kỷ lục cũ từng thuộc về vở nhạc kịch The Book of Mormon, thu được 2,1 triệu bảng (3,5 triệu USD) từ vé đặt mua trước trong ngày đầu tiên mở bán hồi tháng 3/2013.
Giám đốc vở kịch hiện tại, ông Sir Cameron khẳng định, sau khi Miss Saigon công chiếu trên sân khấu Prince Edward: “Vở diễn đã được khán giả hiện đại ủng hộ hơn nhiều 25 năm trước. Hầu hết người đến rạp xem đều là khán giả trẻ chưa từng xem vở kịch này và họ đều nghe cha mẹ kể về nó.”
Công chúng đặc biệt ấn tượng với hai vai diễn Kỹ Sư do Jon Jon Briones thủ vai và nữ nhân vật chính cô Kim do nghệ sỹ Eva Noblezada đóng. Được biết, Eva Noblezada hiện vẫn đang theo học tại trường trung học North Carolina ở Mỹ.
Nữ diễn viên chính chia sẻ: “Đêm diễn rất căng. Tôi rất cảm động khi nghe được tiếng sụt sịt từ phía khán giả. Điều đó có nghĩa chúng tôi đã làm tốt.”
Nhân vật nữ chính, cô gái Kim, được khán giả ủng hộ và thương cảm
Không chỉ chiếm được cảm tình của công chúng, Miss Saigon hiện đang khiến các nhà phê bình phương Tây xúc động .
Tờ The Telegraph ca ngợi vở kịch mới có diễn xuất xuất thần và thoại cũng như phần hát nói rất tốt. Trong bài phê bình chấm điểm 4/4 sao, nhà phê bình Charles Spencer cho biết: “Vở kịch mới mang tính điện ảnh cao và giữ được kịch tính xuyên suốt. Với những thành quả mà vở kịch đạt được, người xem không chỉ yêu mà còn khâm phục Miss Saigon.”
Henry Hitchings của tờ Evening Standard chia sẻ: “Vở kịch mới ít tính nhạc kịch hơn trước và gai góc hơn. Tuy vậy, đây vẫn là một thành công ngoạn mục.”
“Tôi phải thú nhận mình cảm động sâu sắc. Tôi thấy người phụ nữ ngồi hàng ghế trên luôn tay lấy khăn chấm nước mắt”, Michael Billington của tờ The Guardian chia sẻ.
Miss Saigon bắt đầu được công chiếu từ ngày 21/5 trên sân khấu London, Anh Quốc.