Đức Vĩnh "thị Mầu": Ai chắp cánh cho tài năng nhí?
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, làm nông nhưng đó không phải là rào cản đối với những tài năng nhí như Thiện Nhân, Quang Anh, hay “thần đồng” Đức Vĩnh. Cái khó là việc ai sẽ chắp cánh cho mơ ước của những tài năng nhí này?
Tài không đợi tuổi
Nhìn cậu bé 9 tuổi với dáng người mảnh dẻ biểu diễn trên sân khấu Vietnam's Got Talent, nhiều người sẽ lầm tưởng “Thị Màu” Đức Vĩnh là con nhà nòi hay ít nhất là sinh ra trong gia đình có điều kiện, được tiếp xúc với âm nhạc. Sự thật khiến người hâm mộ không khỏi ngỡ ngàng, khâm phục bởi bé hạt tiêu 9 tuổi được sinh ra trong gia đình thuần nông.
Các tài năng nhí Đức Vĩnh . T.L
Nguồn sống của cả gia đình Đức Vĩnh chỉ trông chờ vào 2 mẫu ruộng, mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí còn được hơn 10 triệu đồng. Số tiền này không đủ để gia đình nuôi 4 người con ăn học. Hai chị gái Vĩnh phải nghỉ học đi làm để phụ giúp gia đình.
Cũng bởi gia cảnh khó khăn khiến “Thị Màu” Đức Vĩnh lỡ hẹn với Vietnam’s Got Talent 2 lần, trước khi chính thức tham gia vào mùa giải thứ ba này. Chia sẻ về Đức Vĩnh, mẹ em cho hay: “Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên việc cho con đi xa theo học nghệ thuật, gia đình tôi chưa nghĩ tới. Một vài năm nữa, khi Vĩnh lớn lên, nếu con vẫn còn muốn học và có cơ hội, gia đình sẽ tính tiếp. Hiện tại, vẫn để Vĩnh tập trung trở lại trường lớp ở Bắc Ninh”.
Cũng sinh ra trong một gia đình nông dân tại thôn Quang Hy (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định), quán quân Giọng hát Việt nhí 2014 Thiện Nhân không được thừa hưởng gen nghệ thuật, nhưng cô bé 13 tuổi đã “ngấm” chất nghệ sĩ từ khi nào không biết. Nữ ca sĩ Lưu Hương Giang cho rằng: “Trong người bé đã có tố chất và "trời định" cho cô bé sẽ trở thành một ngôi sao sáng”. Sau khi đăng quang Thiện Nhân chia sẻ vẫn muốn tiếp tục con đường âm nhạc, được hát cho mọi người nghe. Cô bé nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy nhạc. Hiện tại, Thiện Nhân may mắn nhận được sự hướng dẫn, chăm sóc của gia đình HLV ca sĩ Cẩm Ly - nhạc sĩ Minh Vy. Ngoài giờ học văn hóa chính quy, Thiện Nhân học thêm ngay tại trường để bổ sung những kiến thức chưa nắm vững. Về ca hát thì chỉ lúc nào rảnh, ca sĩ Cẩm Ly mới giúp em đi biểu diễn, hoặc vào phòng thu rèn giũa để ngày một tiến bộ.
Cậu bé con nhà nghèo giành ngôi quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 là con trai của một bà mẹ làm nghề lao công. Bản thân Nguyễn Quang Anh từng chống chọi đau đớn với căn bệnh viêm màng não nhưng bằng nghị lực và đam mê ca hát, cậu bé đã trở thành thần tượng nhí của hàng triệu khán giả Việt. Sau chương trình Giọng hát Việt nhí, Quang Anh đã vào Học viện Âm nhạc quốc gia. Quang Anh cho biết: “Khi đỗ chuyên ngành gõ jazz, em rất vui vì trống là môn mà em yêu thích từ nhỏ. Tuy nhiên, em vẫn luôn đặt việc học văn hóa lên hàng đầu, song song với việc học nhạc cụ và thanh nhạc”.
Đừng để lãng phí tài năng
Sự xuất hiện của các thí sinh trong những cuộc thi đang được nhiều khán giả - đặc biệt là giới trẻ quan tâm, đã khiến nhiều người có cái nhìn gần gũi hơn với nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, dân ca... Song việc dìu dắt và tạo cơ hội cho các em được sống và rèn luyện trong môi trường nghệ thuật vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các em cũng còn nhỏ tuổi để được học tập và rèn luyện bài bản trong môi trường chuyên nghiệp. Mang băn khoăn này trao đổi với NSƯT Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, bà cho hay: “Hiện Đức Vĩnh chưa đủ độ tuổi để tuyển sinh, nhưng nếu gia đình có nhu cầu cho em theo học, nhà hát sẽ tạo điều kiện nhận em vào lớp đào tạo năng khiếu”.
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tạo điều kiện giúp đỡ về mặt chuyên môn, nhạc cụ, chuyên môn để “thần đồng” Đức Vĩnh tham gia cuộc thi. Ông Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Đức Vĩnh có thể nói là một hiện tượng, một tài năng thiên bẩm đối với nghệ thuật tuồng. Mặc dù chưa qua các lớp đào tạo, chưa được học nghề nhưng cậu bé 9 tuổi đã thể hiện các vai diễn truyền thống rất tốt. Nếu được đào tạo mài giũa, thật sự Đức Vĩnh rất có thể trở thành một tài năng”.
Còn NSƯT Thúy Ngần- Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh) tâm sự: “Tôi thực tâm rất hy vọng sẽ có một câu lạc bộ nghệ thuật, hoặc quỹ hỗ trợ giúp đỡ cháu tiếp tục học tập. Nếu có thể dạy cháu, tôi sẵn sàng dạy không công”.