Diễn viên Việt: Cuộc đời khổ hơn phim
Có những người đến với nghệ thuật để tìm vinh quang, để thỏa sự đam mê nhưng có những người đến với nghệ thuật như một nghề để mưu sinh và họ bước vào từng vai diễn với gánh nặng áo cơm trên vai.
Diễn viên Kiều Trinh bảo dạo gần đây ai gặp cũng khen chị trẻ, đẹp ra. Chắc có lẽ vì chị cười nhiều hơn, sống vui vẻ hơn xưa. Mấy ai biết đằng sau nụ cười của nữ diễn viên cá tính mạnh mẽ, luôn cháy hết mình cho vai diễn ấy là những nỗi niềm đắng chát của số phận.
Số phận nghiệt ngã
16 tuổi, cô gái Kiều Trinh có trái tim mong manh đa cảm ấy đã kết hôn và làm mẹ. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc đong đầy nhưng nào ngờ đường tình duyên “gãy gánh” đến 2 lần. Cuộc sống có những khúc quanh khiến người ta rơi vào khó khăn, bế tắc vì không có nghề.
Chị gắng gượng đứng dậy, lao vào cuộc mưu sinh kiếm tiền nuôi con dẫu biết rằng cái nghề chạy bàn ở quán bar nhiều thị phi, lắm khắc nghiệt. Chị chăm chỉ làm nghề và ước mơ về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc bằng sự nỗ lực không ngừng. Thế rồi, duyên nghề đưa chị gặp diễn viên Lê Quang.
Kiều Trinh đến với nghệ thuật nhẹ tênh bằng vai diễn nàng Bân trong phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Sau đó là hàng loạt vai diễn trong các bộ phim Rừng đen, Bi đừng sợ! , Vực thẳm tình yêu, Hạnh phúc mong manh, Ầu ơ ví dầu, Thuyền giấy…
Diễn viên Kiều Trinh trong phim Mùa len trâu. Ảnh: Tư liệu
Số phận nghiệt ngã không dừng lại ở đó, cách đây 5 năm, khi mẹ chị đang lâm bệnh nặng cũng là lúc chị bị “xù” hết tiền cát-sê đóng phim, tiền gom góp mấy năm đem đi đặt cọc mua nhà cũng bỗng dưng mất trắng, gia đình rơi vào khánh kiệt. Lại thêm thương người nên chị đứng ra vay mượn tiền giúp nhưng gặp phải kẻ lừa lọc, vậy là chị trở thành con nợ. Chị đi đóng phim không chỉ lo cuộc sống cho 2 mẹ con, thang thuốc cho mẹ già đau yếu mà còn để trả nợ. Chị bảo có lúc không có tiền cho con đóng học phí, trong túi chỉ còn chục ngàn đồng lẻ. Hoàn cảnh khó khăn buộc người mẹ ấy phải ráng vun vén, chắt chiu, dành dụm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. “Tôi nuôi con và cả đứa cháu (con của người chị) nên lo cho cái ăn cái mặc hằng ngày còn không đủ thì lấy đâu ra tiền trả nợ. Chẳng còn cách nào khác là phải đi đóng phim để có khoản dư dành trả nợ” - chị nhớ lại trong xót xa.
Có lẽ thời gian quần quật làm công nhân và quán bar đã quen nên khi bước vào nghệ thuật, chị “cày” không mệt mỏi. Người trong nghề ai cũng biết chuyện chị đóng phim từ tờ mờ sáng tới khuya lắc khuya lơ là bình thường. Chưa kể những khi chị chạy sô đến chóng mặt: nay ở Vũng Tàu, mai Đà Lạt, mốt lại quay về TP HCM. Tất tả ngược xuôi như vậy với chị cũng chỉ để đứa con gái có tiền đến trường, ăn học tới nơi tới chốn, không thua kém bạn bè. “17 năm qua, tôi mang trên vai biết bao gánh nặng. Đời đã đẩy tôi vào những tình cảnh cùng cực của cuộc mưu sinh, tôi sống một mình, đi làm một mình, nuôi con một mình” - diễn viên Kiều Trinh trải lòng.
Làm thân “gà trống nuôi con”
Diễn viên Thành Lũy dù đã đóng hàng trăm bộ phim nhưng vẫn nghèo
Bước vào tuổi 64, diễn viên Trần Lũy vẫn một thân một mình nuôi đứa con gái học lớp 11. 8 năm trước, giữa lúc đời sống nghèo khó, vợ ông đi tìm hạnh phúc với người đàn ông khác, đứa con gái mới học lớp 4 đòi theo cha. Ông tần ngần: “Lúc trước, tôi đi làm kiếm tiền nuôi vợ con. Dù tiền chỉ đủ đắp đổi qua ngày nhưng gia đình sống êm ấm. Khi hôn nhân đổ vỡ, tôi suy sụp nhiều. Là đàn ông nhưng không ít lần tôi gạt nước mắt vì con thơ”.
Chưa bao giờ ông nản lòng hay chùn bước trước những gánh nặng lo toan bởi ông hiểu rằng giờ đây mình là trụ cột, điểm tựa cho con. Làm thân “gà trống nuôi con” ở cái tuổi không còn trẻ, với Trần Lũy khó khăn không sao kể hết. Ông kể có lần đi diễn xa, không ai chăm sóc con nên phải dẫn con tới phim trường.
Vốn là một diễn viên ít tên tuổi, dù thời ấy hay bây giờ, tiền cát-sê đóng phim cũng không đủ nuôi sống gia đình. Thương con gái, người cha phải bôn ba tìm kiếm vai diễn để kiếm tiền, bất chấp phải đến những nơi xa xôi, cực nhọc. Ông kể: “Có lúc đến hạn đóng học phí cho con mà không có tiền, tôi chẳng biết phải xoay xở làm sao. Rồi phải chạy đôn chạy đáo đi vay mượn của bạn bè mỗi người một ít”.
Ông chia sẻ: “Nếu con vào đại học, tôi cũng phải nuôi nó học tới nơi tới chốn. Còn không, khi cháu học xong lớp 12 tôi sẽ tìm việc cho cháu nó làm. Còn tôi vẫn tiếp tục đi diễn, nếu dư dả thì để dành phòng thân”. Ông cho biết mình đang ở thuê, gia tài quý nhất ông có là chiếc xe máy cũ đã rong ruổi cùng ông trong những năm tháng theo nghề. Nhưng mọi sự bươn chải của ông gần như đang đuối bởi tuổi tác đang chất chồng, bệnh tật luôn đeo mang.
Cuộc đời thật khốn khổ hơn trên phim
Nghệ sỹ Trần Hạnh diễn nhiều vai nhưng tiền lương ít ỏi
Nhắc đến Trần Hạnh, khán giả nhớ ngay đến gương mặt người nghệ sĩ già hiền từ khắc khổ trong các vai diễn nông dân trên màn ảnh. Cuộc đời ông ở ngoài cũng khốn khổ như phim, thậm chí hơn. Suốt những năm tháng theo nghề, ông là trụ cột kinh tế cho gia đình đông con. Dù lúc ấy, đồng lương cũng không khấm khá nhưng ông còn trẻ, còn sức khỏe gánh vác, chèo chống. Biến cố xảy đến khi con trai út bị tai nạn giao thông, đầu óc không còn tỉnh táo, gánh nặng trên vai càng nặng oằn hơn. Tiền lương hưu ít ỏi không đủ nuôi 3 miệng ăn, ông đi đóng phim khắp nơi chỉ mong sao ngày lo đủ 3 bữa cho vợ con.
Vậy mà giữa ngổn ngang cơ cực ấy, vợ ông lại qua đời vì bệnh, mình ông phải quán xuyến việc nhà... Ở tuổi này, đáng ra ông được hưởng phúc, vậy mà người nghệ sĩ già vẫn quạnh quẽ trong căn nhà lụp xụp, đơn sơ, canh cánh nỗi lo cơm áo. “Ông ấy khổ lắm! Từng tuổi này vẫn mong có vai diễn để đi đóng kiếm tiền nuôi thân, lo cho con. Cuộc đời của ông ấy chưa có được một ngày thong thả”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói.
Không ít người khó nhọc Thực tế ở miền Bắc có rất nhiều diễn viên chật vật với nghề để kiếm tiền nuôi gia đình. Vốn dĩ đời sống nghệ thuật lặng lẽ, công việc không phong phú như trong Nam nên nghệ sĩ chỉ biết đi về giữa sân khấu hay quanh quẩn ở trường quay các bộ phim truyền hình. NSƯT Tiến Mộc, nghệ sĩ Tạ Am, diễn viên Hiệp “vịt”… suốt những năm tháng làm nghề cũng phải nuôi cả gia đình bằng số tiền ít ỏi. Một nghệ sĩ thở dài: “Trên sân khấu, trên màn ảnh, chúng tôi làm vua, làm quan, mặc áo quần sang trọng là thế nhưng ở ngoài đời, ai cũng đủ nỗi khổ, nỗi lo”. |