Diễn viên Trung Dũng tự nhận mình có phần nữ tính

Diễn viên Trung Dũng ví mình như cây xương rồng, bề ngoài trông xù xì gai góc nhưng trong thân lại mọng nước, bề ngoài có thể cứng rắn, mạnh mẽ nhưng thực ra, anh lại rất mềm mại và…nữ tính

Tình cờ tôi xem lại vở kịch Người điên trong ngôi nhà cổ (Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh) và gặp lại Trung Dũng trong vai Hà Văn Tân - người đàn ông trung niên mang bi kịch số phận ngày nào. Kể từ khi vở công diễn lần đầu vào năm 2008, Hà Văn Tân của Trung Dũng hôm nay đã lay động trái tim khán giả nhiều hơn. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi.

Tự tin với nghề

Cũng là Trung Dũng, cũng là Hà Văn Tân nhưng nét mặt, cử chỉ, giọng nói và cả tiếng khóc nghẹn của nhân vật hôm ấy sao mà đau quá! Có lẽ lâu lắm rồi Trung Dũng mới quay trở lại sân khấu kịch kể từ khi anh dành hết thời gian cho phim ảnh, MC. Nhưng không vì thế mà anh… quên tuồng, không vì thế mà Hà Văn Tân trở nên nhạt đi. Lê đôi chân thọt vào hậu trường, đôi mắt đỏ hoe, anh lả người vì mệt. Một vai diễn đã ám ảnh Trung Dũng suốt 8 năm qua khiến anh không thể bỏ.

Trung Dũng chắc đã trở thành đầu bếp ở một nhà hàng hay khách sạn nào đó nếu không có duyên gặp người em (diễn viên Cát Tường) nhờ chở đến Trường Sân khấu Điện ảnh để đăng ký thi. Khi Cát Tường rủ thi chung, anh đã nhìn lại mình: không đẹp, không tiền, không biết diễn xuất… nên có “khùng” mới chọn nghề đó. Cuối cùng anh cũng liều thử. Không biết gì về nghệ thuật, vậy mà 2 anh em đậu thủ khoa. Trung Dũng tốt nghiệp Khoa Diễn viên (khóa 4) Trường CĐ Sân khấu  Điện ảnh TP HCM năm 1997.

Diễn viên Trung Dũng tự nhận mình có phần nữ tính - 1

Diễn viên Trung Dũng trong đời thường

Bước chân vào nghệ thuật, muốn được khán giả nhớ lâu thì phải có gương mặt ấn tượng. Trung Dũng không nằm trong tốp “mỹ nam” nhưng anh có gương mặt nam tính, thô mộc. Dĩ nhiên lúc đó anh không biết đó cũng là một thế mạnh hiếm có. Đến khi được giao vai bộ đội trong phim Hạ sĩ quan, sau đó là hàng loạt vai diễn bộ đội khác, Trung Dũng mới biết “thì ra mình cũng có lợi thế”. Thời điểm đó, thấy Trung Dũng là thấy anh bộ đội giản dị, chân phương, rắn rỏi, mộc mạc trên màn ảnh. Rồi cái gì quen thuộc quá cũng khiến khán giả chán nhanh. Nhưng anh vẫn âm thầm, kiên trì theo đuổi cho đến một ngày, anh xuất hiện trong vai Mười Trí nghĩa khí trong phim Dưới cờ đại nghĩa, cách hóa thân lột xác đã giúp anh có vai diễn “để đời”.

Không phải đến bây giờ, khi đã sống với nghề được gần 20 năm, Trung Dũng mới tự tin nói về nghề. Thời điểm mới ra trường, anh cũng tự tin hệt như vậy. Anh chưa bao giờ sợ thất nghiệp, sợ không có vai. Đơn giản vì đi đóng phim với anh chưa bao giờ hoàn toàn vì tiền. Chỉ cần được đi đóng phim, không cần nổi tiếng cũng được. Anh là một quý tử trong một gia đình khá giả, cha mẹ dư sức lo cho anh. Vậy nên Trung Dũng hay nói mình không biết “sợ” là gì. Không đóng phim, không có tiền thì về nhà ăn cơm với ba mẹ. Vậy thôi!

Trung Dũng sung sướng từ nhỏ nên anh chưa biết hy sinh cho ai, chỉ cống hiến cho công việc. Anh thừa biết vai diễn nào có cảnh nóng, có cảnh “nuy” là có nguy cơ bị khán giả mổ xẻ, bàn tán. Mà “nuy” ở tuổi ngoài 40 như anh thì đúng là mạo hiểm thật! Trong khi anh lại khá tự tin là cảnh nóng không trần tục và “nuy” rất đẹp. Tất nhiên, để đẹp được ở tuổi này, anh phải tập luyện rất khổ sở. Anh bảo hạnh phúc nhất là khi sống được với đam mê của mình nên khổ cực, thị phi là chuyện nhỏ.

Tự nhận mình có phần nữ tính

Đơn giản, không màu mè… là những ấn tượng khi gặp Trung Dũng lần đầu tiên. Dáng vóc cao to, vạm vỡ lại khoác lên mình những bộ quần áo màu nâu, đen, xanh đậm bụi bặm. Giọng nói sang sảng, giọng cười vang to, đôi mắt sắc, da mặt sạm đen, râu lún phún… Anh còn khó tính, hơi cộc, luôn tạo cho người khác cái cảm giác sờ sợ, gai góc, chẳng ai dám động vào. Khi đóng phim, Trung Dũng tạo cho khán giả hình tượng người đàn ông rắn rỏi, mạnh mẽ. Ngoài đời, anh tạo cho người phụ nữ cảm giác an tâm.

Vậy mà có lúc thấy Trung Dũng… bóng bẩy. Dù anh không đổi tông màu sang đỏ, hồng, tím nhưng nói chuyện càng lâu, thấy anh càng… mềm mại. Anh nóng như lửa nhưng nếu ai chịu nhịn anh bằng một câu ngọt xớt là anh nguôi ngay. Trung Dũng tự nhận mình có phần… nữ tính. Nếu không nữ tính làm sao anh có thể đeo tạp dề vào bếp, nấu nướng những món ăn say mê đến thế. Nếu ai từng xem anh làm nội trợ, sẽ thấy một phần nữ tính của anh rất rõ ở đó. Nếu không có một tâm hồn nhạy cảm, làm sao anh có thể cảm nhận được vẻ đẹp như tranh của sa mạc Bình Thuận một chiều hoàng hôn nắng. Nhìn những đàn dê thong dong giữa cánh đồng, những cánh chim tung cánh cùng sóng biển, những bãi cát dài mênh mông… anh quyết định phải làm phim. Mà phim về đề tài đồng tính mới được. Lên ý tưởng, cùng viết kịch bản với đạo diễn Phi Tiến Sơn và đóng luôn cả vai tên tướng cướp đồng tính trong Lạc giới, Trung Dũng khiến người khác chú ý đến mình hơn.

Vậy là những lời đồn thổi anh đang cố tình tạo vẻ nam tính lan truyền nhanh hơn. Trung Dũng lại bình thản: “Nam tính hay không, không do vẻ bề ngoài quyết định. Giới tính là do cha mẹ sinh ra, không ai chối bỏ được”. Trung Dũng coi mình như cây xương rồng. Sự ví von này không phải nói đến sự vươn lên trong khắc nghiệt mà chính là ở chỗ: Cây xương rồng mọc trên vùng đất sỏi đá, cát bụi và khô cằn, bề ngoài trông xù xì gai góc nhưng trong thân lại mọng nước. Cũng giống như Trung Dũng, bề ngoài có thể cứng rắn, mạnh mẽ nhưng thực ra lại rất mềm mại và… nữ tính. Hỏi Trung Dũng rằng nếu một ngày nào đó anh bỗng dưng… lạc giới thì sao? Anh cười: “Chuyện hết sức bình thường. Thậm chí, tôi còn vui nữa”. 

Không sợ cô đơn

Anh tự tin về tuổi tác, sắc vóc của mình dù đã ngoài tuổi 40. Anh cảm thấy mình sống vui, sống khỏe như hồi 20 tuổi. “Độc thân ở tuổi 40 tất nhiên là sướng hơn hồi 20 tuổi rất nhiều vì đời sống khá giả. Mọi thứ đủ để tôi tiếp tục vùng vẫy, tung tăng” - anh nói. Anh cũng không bế tắc đến mức cần người bên cạnh để chia sẻ. Tất nhiên, Trung Dũng đã yêu, cũng vài mối tình, cũng có mối tình sâu đậm tưởng chừng đã thành đôi nhưng hụt thì vẫn cứ hụt. Và anh bây giờ “sống một mình cho khỏe”.

Anh tự tin mình sẽ kiểm soát được cuộc sống. Không phải dễ gì mà anh tự tin đến vậy. Chính anh cũng từng trải qua không ít lần sống một mình, tự lo cho mình. “Có lần tôi bị sốt nặng nhưng không có ai chăm sóc. Tôi phải gượng dậy đi mua thịt bò, tự nấu cháo, mua thuốc uống. Có lần đóng phim, bị chảy máu mũi, tôi đón taxi từ Hóc Môn về trung tâm TP HCM nhập viện trong khi trên người đầy bùn đất, chỉ mặc một chiếc quần đùi” - anh kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nga (Người lao động)
Ngôi sao điện ảnh Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN