ĐD Đập cánh giữa không trung: Không muốn phim mình cất kho

Nguyễn Hoàng Điệp muốn phim mình không bị mang tiếng là một bộ phim nghệ thuật làm xong chẳng để làm gì ngoài việc chiếu miễn phí.

- Đập cánh giữa không trung sau nhiều khó khăn đã “tung cánh” tại Hà Nội. Nhìn lại những bước chân đã qua, chị có thể chia sẻ điều gì?

- Dự án Đập cánh giữa không trung ra đời từ năm 2008, khi tôi tham dự dự án Quỹ Ford và đã sửa đi sửa lại nhiều lần. Từ năm 2010 đến 2012, tôi đã mang dự án này trình bày ở Pusan - Hàn Quốc, sau đó tiếp tục giới thiệu tại một liên hoan phim (LHP) ở Ý, năm 2012 đến LHP Cannes (Pháp), LHP Berlin (Đức), LHP Hà Nội để tiếp tục trình bày dự án, tìm nhà sản xuất.

Bắt đầu từ LHP Cannes, cơ hội đã rõ ràng hơn nhưng khi nhận được tài trợ 50.000 euro của Quỹ World Cinema (LHP quốc tế Berlin) hồi tháng 11-2012 thì tôi thật sự vui mừng. Có được tài trợ không phải là điều dễ dàng gì. Các quỹ đều có luật rất rõ ràng và mình phải đáp ứng được các yêu cầu của họ. Khi vượt qua vòng hội chợ dự án thì cơ hội có thể sẽ mở ra.

Đập cánh giữa không trung đã rất may mắn vì nhận được sự hỗ trợ của các quỹ điện ảnh danh tiếng trên thế giới như: World Cinema Fund, Cinema du Monde, Sor Fond, CDEF, A&C…, sự hỗ trợ này đã giúp chúng tôi có khoảng 2/3 kinh phí làm phim.

Năm 2013, chúng tôi bấm máy bộ phim với 3 đồng sản xuất đến từ Pháp, Đức, Na Uy. Đã qua giai đoạn căng thẳng làm phim, tôi đã hoàn thành trách nhiệm của mình với các nhà sản xuất nước ngoài: Bộ phim đã ra mắt và có thể đi các LHP quốc tế.

ĐD Đập cánh giữa không trung: Không muốn phim mình cất kho - 1

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã xúc động bật khóc khi nhận giải thưởng đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần 3 dành cho tác phẩm của mình Ảnh: Nguyễn Ngọc

- Sau những thành công trong việc chào dự án tại các LHP quốc tế, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm “săn” tài trợ cho phim của mình?

- Tôi nghĩ điều cốt yếu để có sự hợp tác thành công là bạn phải biết mình là ai, đang đứng ở đâu và giữ trọng trách gì chứ không được ảo tưởng. Nếu xác định mình là một người nắm vị trí quyết tử trong dự án phim của mình, muốn giữ hơi thở, sức sống bộ phim trong tay mình, bạn phải giữ vai trò đủ quan trọng, đủ mạnh. Đi đôi với điều này thì phải có đủ tài năng, đủ tiềm lực cũng như sự tập trung cho bộ phim.

Các nhà làm phim trẻ không nên nghĩ việc hợp tác quốc tế như là một con đường để kiếm tiền, vì hợp tác quốc tế không chỉ đem đến nguồn lực tài chính mà còn là sự hợp tác về văn hóa. Bạn phải được công nhận và phải có sự “dọn đường” tốt nhất cho dự án phim của mình.

- Và phải chăng các dự án phim phải thực sự mang tính “bản địa”?

- Đó là nhiều người nghĩ như thế nhưng thực tế, còn nhiều điều kiện khác nhau. Theo tôi, quan trọng là dự án phải có chất lượng, sau nữa, đạo diễn phải có tay nghề. Các chuyên gia điện ảnh luôn muốn tìm hiểu những đứa con tinh thần của các đạo diễn để xem tay nghề của họ thế nào. Cuối cùng, điều rất quan trọng, là tính khả thi của dự án.

Đập cánh giữa không trung thuyết phục được nhiều người, tôi nghĩ vì nó có hơi thở đặc biệt, nó mang đến một cái nhìn đương đại. Nhiều nhà làm phim trẻ trên thế giới làm phim về giới trẻ và chúng tôi cũng vậy, chúng tôi làm phim về giới trẻ Việt Nam. Điểm mạnh của bộ phim là nói được điều mà mọi người đều cảm nhận được, là vấn đề của nhiều quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lan Anh (Người lao động)
Liên hoan phim Việt Nam 20 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN