ĐD "Bánh đúc có xương" nói về tình tiết nhạy cảm
"Khán giả cứ tranh cãi về nội dung kịch bản nhưng ngày hôm sau vẫn hồi hộp chờ xem là họ có đến được với nhau không, như vậy là phim thành công rồi".
Tập cuối của phim Bánh đúc có xương đã kết thúc vào ngày 7/10 nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều khán giả. Bên cạnh những lời khen cho tác phẩm truyền hình hấp dẫn, phim cũng bị một bộ phận nhỏ khán giả tranh cãi với tình tiết một cặp vợ chồng sau khi chia tay nhau có duyên mới. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân mới "biến" hai người thành thím, cháu khiến cô con gái trước đây không biết xưng hô thế nào với bố mẹ mình.
Trước sự quan tâm của khán giả, đạo diễn Đặng Thái Huyền đã có những chia sẻ chân thành và thẳng thắn về bộ phim, đặc biệt là nội dung kịch bản phim gây tranh cãi.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền (trái) trên trường quay.
Kịch bản gốc còn cực đoan hơn nhiều
- Bộ phim “Bánh đúc có xương” đã kết thúc, cảm xúc của đạo diễn Đặng Thái Huyền lúc này như thế nào?
Lúc ngồi bàn dựng phim Bánh đúc có xương, cảm xúc của tôi rất bình thường, tôi làm nó một cách cơ học nhưng khi xem tập cuối của phim, tự dưng tôi rơi nước mắt. Có thể xem trên tivi với tâm thế là người thưởng thức, cơ thể được thả lỏng, tôi xúc động hơn chăng?
Xem xong, tôi cũng tự nhận thấy mình xử lý đoạn kết phim khá tốt và hợp lý (cười).
- Trước khi phim phát sóng chị có chia sẻ rằng, kịch bản phim về mẹ chồng nàng dâu khá cũ nên cũng không đặt quá nhiều kì vọng. Vậy theo chị sự thành công của “Bánh đúc có xương” là do may mắn hay khẩu vị của khán giả lại thay đổi?
Đúng là trong buổi họp báo chia sẻ về bộ phim trước khi lên sóng, tôi có nói là đề tài mẹ chồng nàng dâu đã được khai thác rất nhiều. Thế nên khi nhận Bánh đúc có xương, tôi đã đọc kịch bản rất kĩ để tìm ra góc mới mẻ trong cái cũ kĩ và xử lý nó ở mức tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, tôi cũng có một chút căng thẳng khi xem mấy tập đầu, đến khi nhận được sự phản hồi khá tốt về bộ phim từ khán giả, dư luận thì tôi mới thở phào và nghĩ con đường mình đi là đúng, cách mình xử lý bộ phim là đúng.
- Mặc dù bộ phim nhận được nhiều lời khen song cũng có một bộ phận khán giả không nhỏ cho rằng kịch bản phim có phần “loạn luân” và không phù hợp với với văn hóa của người Việt Nam khi để vợ cũ của chồng Bảo Khánh lấy chú ruột của mình, chị nghĩ sao?
Theo tôi khán giả luôn luôn đặt áp lực lên người làm nghề. Nếu kịch bản phim thiếu những kịch tính sẽ bị chê là đề tài cũ còn thêm sự mới mẻ lại gây ra nhiều tranh cãi...
Cả tôi và ekip làm phim đã có những buổi ngồi với nhau để trao đổi về nội dung của phim. Chúng tôi cũng có đặt ra câu hỏi: Có thật những tình huống trong phim không có trong cuộc sống đời thường không? Có thật một cô bé mới mười mấy tuổi mà nghĩ ra rất nhiều chiêu trò để "phá đám" mẹ kế như vậy không?
Rồi chúng tôi đều nhận thấy rằng, giờ chỉ cần xem chương trình thời sự hay đọc trên các trang báo sẽ thấy có nhiều đứa bé còn làm những điều khủng khiếp hơn nhân vật bé Hoài Anh. Hoặc có những mối quan hệ cực kì phức tạp hơn cả cặp đôi Chi - Hưng của Bánh đúc có xương mà chẳng ai nghĩ tới. Tuy nhiên, những trường hợp đó là cá biệt chứ không phải là điển hình hóa trong cuộc sống.
Là người làm phim, chúng tôi buộc phải tìm những nhân vật đa màu sắc trong thực tế, dù là dị biệt, để đưa vào phim tạo nên sự hấp dẫn, kịch tính nhưng vẫn phù hợp nhất, thuyết phục người xem nhất và có tính nhân văn cao nhất.
Theo tôi biết thì khán giả cứ tranh cãi về nội dung kịch bản nhưng ngày hôm sau vẫn hồi hộp chờ xem là họ có đến được với nhau không, như vậy là phim thành công rồi (cười).
Một cảnh trong phim "Bánh đúc có xương".
- Có nghĩa là chị không hề băn khoăn chút nào khi nhận kịch bản Bánh đúc có xương với những mối quan hệ tréo ngoe như vậy?
Khi nhận kịch bản tôi cũng có chút lấn cấn về nội dung nên cũng đã nhiều lần ngồi trao đổi với biên kịch để làm sao phù hợp nhất với khán giả Việt. Chứ kịch bản gốc nó còn cực đoan hơn rất nhiều, và các mối quan hệ trong phim cũng rất nhạy cảm.
Ví dụ như chuyện tình giữa cặp đôi Chi và Hưng, so với bản gốc chúng tôi đã để cho các nhân vật phải trải qua thêm nhiều sóng gió, cùng sự dằn vặt trong mỗi người lên tới đỉnh điểm để nhận được sự cảm thông từ người xem, rồi mới đến được với nhau.
Nhân đây, tôi muốn gửi lời cám ơn tới hai nhà biên kịch của bộ phim. Hai bạn đó đã có ý tưởng rất tốt và dựng lên một kịch bản thu hút được nhiều người xem. Tôi còn đặc biệt thích cách làm việc của biên kịch Phong Hà. Bạn ấy rất tích cực trao đổi với đạo diễn trong quá trình làm phim để tìm ra những phương hướng khắc phục và sửa chữa một cách tốt nhất.
- Ngoài kịch bản hấp dẫn, trong mắt đạo diễn Đặng Thái Huyền, diễn xuất của diễn viên nào đã tạo nên linh hồn cho bộ phim?
Nhiều người hay nói phải có diễn viên thật hot nào đó thì mới làm nên tổng thể bộ phim. Nhưng sau rất nhiều năm lăn lộn trên phim trường, tôi nhận thấy đó là sự cộng hưởng của cả một dàn diễn viên.
Còn nếu nói ưng diễn xuất của ai nhất thì cũng khó lắm. Diệu Hương là một diễn viên chuyên nghiệp và đã tham gia đóng rất nhiều phim rồi. Còn cô bé Hà Anh lúc đầu tôi nghĩ sẽ phải vất vả chỉ đạo diễn xuất lắm vì vai diễn Hoài Anh rất khó. Nhưng Hà Anh đã đóng tốt hơn cả tôi nghĩ, cô bé đóng rất thông minh...
Tuy nhiên, nếu để nói về sự kính trọng và tôn trọng thì đó là diễn viên Ngọc Lan. Bà là nghệ sĩ lớn tuổi nhất trong phim, sức khỏe có hạn nhưng tôi rất nể phục sự tâm huyết và đạo đức dành cho nghề của bà.
Những đức tính đó các diễn viên trẻ cần phải học hỏi, bà đến trường quay rất đúng giờ, chịu khó học thoại và nghiên cứu vai diễn tỉ mỉ.
Trong "Bánh đúc có xương", NSƯT Ngọc Lan vào vai bà nội - một người thương cháu hết mực nhưng rất khắt khe với con dâu.
- Sau thành công của bộ phim này chị có nghĩ mình sẽ làm tiếp những bộ phim về đề tài tâm lý gia đình như vậy nữa không?
Mỗi năm, tôi nhận được khá nhiều lời mời làm phim nhưng tôi phải sàng lọc để chọn những kịch bản hay nhất và có thông điệp gửi tới cho khán giả. Tôi không thích nhận xô bồ rồi làm không tới.
Bên cạnh đó, tôi là người của hãng phim nhà nước, tôi cũng có những nhiệm vụ phải làm.
Điện ảnh Việt Nam kém phát triển vì nhiều...áp lực
- Từng được gọi là "Đạo diễn phim chiến tranh" giờ chị lại quay sang làm phim về đề tài tâm lý, gia đình, xã hội. Có phải mảng phim chiến tranh khó đến với khán giả nên chị đổi "gu"?
Không phải đề tài chiến tranh khó làm hay kén người xem mà quan trọng, với một người đạo diễn nếu mình có khả năng và có cơ hội thì nên làm mới mình ở nhiều thể loại khác nhau.
Tất nhiên, mỗi đạo diễn sẽ có mảng đề tài sở trường để mình vùng vẫy nhưng nếu chỉ đóng mình trong mảng miếng đó thì nhàm chán lắm. Làm nghệ thuật là phải biết khám phá và sáng tạo không ngừng nghỉ nên tôi không muốn bó khung mình ở bất cứ đề tài nào.
Đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền hiện đang công tác tại Hãng phim Quân đội.
- Nhưng chị có thấy buồn không vì khán giả Việt đang quá thờ ơ với dòng phim chiến tranh, ví dụ như phim "Sống cùng lịch sử" khi ra rạp không thể thu hút được khán giả đến xem?
Tôi có trao đổi với những người bạn của tôi về dòng phim lịch sử thì bạn tôi có nói rằng, "mỗi một thể loại phim hoàn thành một sứ mệnh lịch sử khác nhau", tôi hoàn toàn tâm đắc với ý kiến đó.
Vì thật ra ngay cả phim nước ngoài đoạt giải Osca, được đánh giá rất cao nhưng khi ra rạp không phải tất cả đều nhận được sự chú ý của truyền thông, khán giả. Thế nên mỗi bộ phim phải hoàn thành đúng sứ mệnh của mình và đạt đúng tiêu chí đặt ra từ đầu là tốt rồi, đừng có đặt lên nhà làm phim hay các bộ phim quá nhiều những áp lực, gánh nặng.
Đặng Thái Huyền được khán giả và đồng nghiệp ưu ái gọi là Đạo diễn phim chiến tranh với nhiều tác phẩm về đề tài hậu chiến hấp dẫn. Năm 2009, bộ phim đầu tay Mười ba bến nước của cô đã đoạt giải Bông Sen Vàng. Tuy nhiên, Đặng Thái Huyền không muốn bị gói gọn mình trong một chủ đề của phim ảnh nên những năm gần đây, cô tiếp tục thử sức ở dòng phim truyền hình về chủ đề gia đình khá ăn khách như: Ở rể, Thiên đường vắng em, Bí mật đàn ông... Mới đây nhất là phim Bánh đúc có xương về đề tài gia đình với sự tham gia của nhiều diễn viên gạo cội như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Ngọc Lan, diễn viên Nguyệt Hằng, Diệu Hương, Phạm Hồng Minh... đã làm "mưa gió" trên sóng giờ vàng của phim Việt. |
Điện ảnh Việt Nam mình đã kém phát triển, chúng ta lại đặt lên nó quá nhiều áp lực nữa thì đến bao giờ nó mới phát triển được?
Tôi đã xem phim Sống cùng lịch sử và tôi thấy rằng đó là bộ phim rất đáng xem, rất xúc động và nó có bài học nhân văn rất lớn.
Còn việc phim lịch sử ra rạp khó bán vé cũng dễ hiểu thôi, giữa các phim bom tấn của Mỹ, phim giải trí của Victor Vũ thì những khán giả đến rạp để thư giản, nghỉ ngơi sau những bộn bề của cuộc sống thay vì chọn một phim lịch sử để xem.
- Vậy trong năm nay chị có định trở lại với sở trường làm phim chiến tranh không?
Có, đó là dự án của điện ảnh Quân đội nằm trong chuỗi hệ thống của rất nhiều bộ phim khác chuẩn bị cho ngày lễ kỉ niệm vào năm tới. Bộ phim truyện nhựa Người trở về mà tôi đang bắt tay vào làm nếu không có gì thay đổi sẽ bấm máy vào cuối năm nay.
- Cảm ơn chị về những chia sẻ trên!