Đạo diễn Trọng Trinh: Ngoại tình đôi khi là gia vị cuộc sống
Nghĩa “ngoại tình” mà đạo diễn Trọng Trinh đề cập đến trong bộ phim truyền hình dài 37 tập “Mưa bóng mây” không phải là chuyện lăng nhăng.
Anh muốn chọn một góc độ gần gũi và phổ quát hơn, đó là những đổi thay trong đời sống tình cảm vợ chồng đôi khi khiến họ nghĩ đến một điểm tựa khác. Nhưng sau những phút xao lãng đó, họ nhận ra giá trị thực sự của bản thân để rộng lòng hơn, để cố gắng gìn giữ nhau hơn.
Đạo diễn Trọng Trinh cũng đảm nhiệm một vai diễn trong phim “Mưa bóng mây”
“Ai chả rung động khi nhìn bông hoa đẹp”
Được biết, bộ phim của anh ban đầu có tên là “Ngoại tình” nhưng sau đó đã được đổi thành “Mưa bóng mây”. Phải chăng vì anh sợ “ngoại tình” sẽ làm khán giả sốc?
- Tôi không nghĩ nó sốc. Trước đó đã từng có một bộ phim lấy tên này rồi, vì thế tôi không muốn lấy lại nữa. Tất nhiên, đề tài thì giống nhưng cách triển khai lại khác rất nhiều. Tôi khai thác ở góc độ tâm lý nhiều hơn là hành động.
Thực ra, vấn đề ngoại tình đã trở thành một thành tố trong đời sống. Nhưng điều tôi muốn khán giả hiểu nó ở nghĩa rộng chứ không phải chỉ quan hệ lăng nhăng mới là ngoại tình. Đôi khi nó chỉ là sự “vượt khung” ở trong cách nghĩ thôi, vì khi ở trong hoàn cảnh éo le nào đó, trong tâm trạng yếu đuối nào đó thì sẽ có lúc người ta nghĩ tới. Nó len lỏi chứ chưa hẳn đã định hình. Nhìn thấy một bông hoa đẹp, ai cũng có những rung động, cảm xúc nhất định. Mà cuộc sống không có điều đó thì bạn hình dung mà xem, sẽ rất tẻ nhạt.
Phải chăng trong cuộc sống ngày nay, chung thủy không còn được đề cao như trước nên đó là xuất phát điểm để anh đề cập trực diện trong phim này?
- Không, câu chuyện đến với tôi một cách hồn nhiên và tình cờ thôi. Câu chuyện này do nhà báo Kim Ngân của chương trình “Người xây tổ ấm” (Đài Truyền hình Việt Nam) viết. Đạo diễn Thanh Hải đọc thấy hấp dẫn và bảo chuyển thể thành phim truyền hình. Tôi đọc kịch bản thấy rất cuốn hút vì câu chuyện có nhiều tính thực tiễn, có lẽ do nhà báo Kim Ngân từng tiếp xúc với nhiều nhân vật trong chương trình của mình. Chính vì vậy mà cách đặt vấn đề, tình huống, tâm lý nhân vật diễn ra hết sức tự nhiên chứ không bị áp đặt. Cái kết cũng rất mở để mỗi người tự tìm ra cho mình một giải pháp, một lối mở tháo cái “nút thắt” trong gia đình mình.
“Chưa ngoại tình cũng sẽ nhìn thấy mình trong phim”
Dù chưa xem phim nhưng cũng có thể hình dung rằng, dù có yêu người khác nhưng cuối cùng các nhân vật đều nhận ra sai lầm của mình và trở về với gia đình. Nhưng tôi lại thấy ở ngoài đời sống, khi đã ngoại tình rồi thì rất khó cứu vãn?
- Ở đây cần phải phân định rạch ròi. Đúng là có chuyện đó nhưng không phải gia đình nào hễ có chuyện ngoại tình là chia tay. Nhất là ở trong phim này, ba nhân vật nữ là ba câu chuyện dẫn đến ngoại tình khác nhau. Hơn nữa, như tôi nói, ngoại tình ở đây không chỉ là chuyện lăng nhăng. Nó có cả câu chuyện chỉ là ngoại tình trong tư tưởng mà thôi. Do người phụ nữ phải chịu một áp lực quá lớn trong gia đình nên ngày càng héo hon, cáu gắt. Người chồng tìm đến cô gái khác để chia sẻ, nảy sinh tình cảm nhưng chuyện cũng chỉ dừng đến đó thôi chứ chưa vượt quá ngưỡng cấm. Tôi thấy điều đó đôi khi cũng mang lại sự thú vị, để người ta biết nhìn nhận lại bản thân, biết cố gắng hơn chứ không phải cứ là vợ chồng với nhau rồi thì coi đó là “thành trì bất khả xâm phạm”. Hãy nhìn đó như một nguy cơ để biết cố gắng hơn, chứ không phải khi xảy ra rồi mới cố gắng để níu kéo, thay đổi.
Vậy qua bộ phim này, điều quan trọng nhất anh muốn gửi gắm đến khán giả là gì?
- Cuộc sống bây giờ phức tạp hơn xưa rất nhiều và vì thế, chuyện ngoại tình cũng không còn hiếm nữa. Trong cuộc sống, ngoại tình không hẳn do cám dỗ mà bị đâu, nó còn là do hoàn cảnh này gặp hoàn cảnh kia, do khách quan đưa đẩy. Tôi muốn nhắn gửi rằng, dù thế thì mỗi người hãy biết đâu là điểm dừng. Chỉ nên coi đó là một gia vị trong đời sống thôi vì chúng ta còn bao nhiêu thứ khác cần phải gìn giữ trong cuộc đời, đó là truyền thống gia đình, là con cái. Có những phút sai lầm, lạc lối, bản năng thì mới là con người nhưng cũng chính vì chúng ta là con người nên cần phải biết đâu là giới hạn, nếu không sẽ biến gia đình thành một bi kịch của cuộc sống.
Câu chuyện tâm lý này có được anh sử dụng những cảnh nóng không?
- Tôi không sử dụng cảnh nóng vì thấy nó không cần thiết. Nhưng gợi thôi, còn cảnh quay trực diện thì không. Tôi chú trọng đến diễn biến tâm lý nhân vật, cho họ rơi vào hoàn cảnh “rung rinh” rồi để họ tìm hướng khắc phục để gìn giữ gia đình của mình ra sao. Chính vì vậy mà khán giả xem phim, ai cũng sẽ tìm thấy mình trong đó. Cả tôi cũng vậy, cũng có giây phút xao nhãng nhưng đó chỉ là “mưa bóng mây” thôi.
Cảm ơn đạo diễn Trọng Trinh!