Dàn sao huyền thoại phim cách mạng ngày ấy - bây giờ
Trà Giang, Như Quỳnh, Thế Anh, Trần Phương... nổi danh với dòng phim cách mạng.
1. "Chị Tư Hậu" Trà Giang: Sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, NSND Trà Giang được xem là một phát hiện lớn của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong khoảng thời gian từ thập niên 1960 đến hết thập niên 1980. Trà Giang đóng chính trong phim Chị Tư Hậu của đạo diễn Phạm Kỳ Nam khi chỉ mới 20 tuổi và đã nhanh chóng tạo được thiện cảm trong lòng hàng nghìn khán giả trong nước lẫn quốc tế.
Sự hóa thân vào hình tượng một người phụ nữ vừa mạnh mẽ, cương nghị vừa đầy cảm xúc của Trà Giang cũng đã góp phần giúp nền điện ảnh ở miến Bắc Việt Nam thời kỳ đó trở nên gần gũi hơn với người dân ở miền Nam.
NSND Trà Giang sau đó còn tham gia nhiều bộ phim cách mạng nổi tiếng khác như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bài ca ra trận... nhưng Chị Tư Hậu vẫn là bộ phim khiến người ta nhớ đến nhất khi nhắc về chị.
Ngoài đóng phim, NSND Trà Giang còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực văn hóa khác, đặc biệt là hội họa. Hiện nay, ở tuổi 70, NSND Trà Giang đã ngưng đóng phim nhưng vẫn thường xuyên vẽ tranh và đã tổ chức nhiều buổi triển lãm tranh của riêng mình.
2. "A Phủ" Trần Phương: Sinh năm 1930 và bắt đầu theo học Trường văn nghệ nhân dân từ năm 1952, NSND Trần Phương được khán giả biết đến và yêu thích khi tham gia bộ phim đầu tiên Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc.
Trần Phương khi đó đã khắc họa được rất rõ nét tính cách hiền lành, tốt bụng nhưng cũng không kém phần gai góc của chàng thanh niên người Mèo A Phủ khi đứng trước áp bức, đồng thời cũng thể hiện được rất rõ ý chí quyết tâm theo đuổi cách mạng khi đã cùng người yêu trốn thoát khỏi làng cũ.
Vai diễn A Phủ khi đó đã trở thành nền tảng giúp Trần Phương nhận được một loạt các vai diễn thành công khác như khiêm trong Tiền tuyến gọi, Sơn trong Biển gọi, Lực trong Vợ chồng Anh Lực...
Năm 2001, Trần Phương đã nhận được danh hiệu NSND, năm 2007 nhận Giải thưởng Nhà nước. Hiện nay, NSND Trần Phương đã 85 tuổi, ngưng đóng phim và sống giản dị trong một căn nhà nhỏ cùng con gái tại Hà Nội.
3. "Ba Duy" Thế Anh: Là kép đẹp hiếm hoi của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam có thể hóa thân xuất sắc vào cả vai chính diện lẫn phản diện, NSND Thế Anh được khán giả yêu thích qua nhiều bộ phim như Nổi gió, tiền tuyến gọi, không nơi ẩn nấp, Đường về quê mẹ…
Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong sự nghiệp của ông đến giờ vẫn là vai Ba Duy trong Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh. Đặc biệt, khi đóng phim này NSND Thế Anh đã 40 tuổi nhưng lại vào vai một cậu sinh viên chỉ chừng 20 tuổi, yếu đuối, nghiện ngập và có tâm lý vô cùng phức tạp.
Vai diễn này được khán giả và giới phê bình tán thưởng nhiệt liệt và đã giúp cho Thế Anh nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam 1980.
Trong suốt sự nghiệp của mình, NSND Thế Anh đã đóng hơn 60 tác phẩm điện ảnh, truyền hình lớn nhỏ khác nhau.
Hiện nay, cũng như nhiều diễn viên cùng thời, Thế Anh đã ngưng đóng phim và sống cùng gia đình tại một căn nhà ở TP. HCM.
4. "Cô Nết" Như Quỳnh: Như Quỳnh tốt nghiệp ngành diễn viên năm 1971 tại trường Sân khấu Việt Nam. Hai năm sau, cô bắt đầu được khán giả chú ý đến qua vai cô y tá Mai nhỏ nhẹ, duyên dáng trong Bài ca ra trận của đạo diễn Trần Đắc.
Tuy nhiên, phải cho đến khi thủ vai cô Nết trong Đến hẹn lại lên của đạo diễn Trần Vũ, Như Quỳnh mới thực sự tỏa sáng. Trong vai một cô gái lớn lên ở vùng quan họ Bắc Ninh, diễn xuất của Như Quỳnh một mặt làm toát lên được sự thanh tú trong tính cách, tâm hồn của cô Nết, mặt khác cũng không kém phần rắn rỏi, dữ dội khi bị đẩy vào thế đường cùng.
Vai diễn này cho thấy Như Quỳnh là một diễn viên làm chủ tình huống và tâm lý vô cùng xuất sắc và chính nó đã giúp Như Quỳnh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt Nam năm 1975.
Sau Đến hẹn lại lên, Như Quỳnh tiếp tục đóng phim đều đặn trong 4 thập niên liên tiếp và cho đến tận bây giờ, chị vẫn giữ được niềm đam mê điện ảnh không ngừng nghỉ. NSND hiện nay vẫn thường xuyên tham gia các phim truyền hình, phim chiếu rạp và nhiều dự án phim của các đạo diễn nước ngoài.
Theo Lukas Nguyễn ([Tên nguồn])