Dàn sao đoạt giải Oscar gây ấn tượng trong "Hố tử thần"
Matthew McConaughey, Anne Hathaway,... tiếp tục có những vai diễn ấn tượng.
Hố tử thần (tên tiếng Anh: Interstellar) là bộ phim mà bất kỳ fan cứng nào của màn ảnh rộng cũng phải ngóng mắt mong đợi từ đầu năm đến nay. Lý do không chỉ đơn giản là vì cái tên của vị đạo diễn lừng danh Christopher Nolan hay nhà sản xuất âm nhạc tài ba Hans Zimmer, mà còn vì bản thân bộ phim chứa đầy hứa hẹn sẽ trở thành một tác phẩm độc nhất vô nhị nữa trong vũ trụ điện ảnh vốn đã quá bão hòa về nội dung của thời đại hiện nay. Và hẳn là, tất cả những ai từng trông đợi vào điều đó sẽ không hề thất vọng.
Hố tử thần quy tụ dàn sao nổi tiếng từng đoạt giải Oscar.
Một cái nhìn khác về ngày tận thế
Cách đây vài tháng, khi đăng đàn bật mí một số nội dung của Hố tử thần trên một vài tờ báo lớn, Christopher Nolan đã khẳng định Hố tử thần được xem là một tác phẩm cao cấp và vĩ mô hơn của Inception, một trong những bộ phim tiêu biểu trong sự nghiệp của ông, cùng với loạt phim The Dark Night.
Việc vận dụng Inception để làm đối trọng với Hố tử thần không hề là một chiêu trò câu khách của Christopher Nolan hay nhà sản xuất mà đó là một phép so sánh tương đồng thực sự. Ở Hố tử thần, người ta đã có thể gặp lại những tầng tầng lớp lớp hình ảnh không gian đa chiều, những câu thoại mang đậm triết lý pha trộn với những luồng tư tưởng mạnh mẽ về đề tài vật lý lượng tử, cái thể loại kiến thức rất dễ trở thành thử thách khó nhằn với bất kỳ vị khán giả lơ đễnh nào, và cả những người không yêu thích bộ môn vũ trụ học khá khô han và có phần hơi… hoang tưởng.
Dĩ nhiên, nếu làm lại một bộ phim quá giống với Inception, Christopher Nolan sẽ không còn là chính ông, vị đạo diễn nổi tiếng với những kịch bản gốc độc đáo, không đụng hàng. Hố tử thần khai thác đề tài tận thế, nhưng ông quan chiếu nó bằng một góc nhìn khác hẳn với những gì người khác đã làm trước đây.
Tận thế trong phim của Nolan là một cái chết từ tốn, chậm rãi, lúc ẩn lúc hiện, mờ ảo đến mức gần như vô hình. Dù vậy, người ta vẫn có thể cảm nhận được nó trên không trung. Những cơn bão bụi là một trong những hình tượng gây ám ảnh nhất ở nửa đầu bộ phim, khi mà thế giới dường như đang rất yên bình, chỉ bị tấn công bởi những hạt bụi và cát nhỏ bé.
Dù vậy, nó vẫn đủ sức để phá nát tất cả mùa màng, máy móc, triệt tiêu cả những thế lực quân sự, làm sụp đổ những nền khoa học. Thế giới mà Nolan xây nên trong Hố tử thần là cái thế giới chân thực đến mức đáng ghê sợ, ở nơi đó, người ta quá thừa kỹ sư, bác sĩ đến nỗi nghề nông là một trong những công việc được khuyến khích.
Không chỉ có những cảnh quay không gian, những cảnh sinh hoạt đời thường ở trái đất cũng khiến khán giả xúc động.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu con người cứ tiếp tục vừa tàn phá, vừa thỏa hiệp với thiên nhiên. Câu trả lời là rất rõ ràng: tận thế. Đó chính là lý do đã đưa đẩy nhà cựu du hành vũ trụ Cooper đến với phi hành đoàn nằm trong dự án của giáo sư Brand, nơi mà, theo những gì bộ phim kể lại, sẽ xây dựng lại toàn bộ thế giới mới, mở ra một kỷ nguyên đầy hứa hẹn về sự sinh tồn của loài người.
Christopher Nolan không phải là một người kể chuyện chậm, mà ông là người kể chuyện cẩn thận, chính vì vậy mà bộ phim có thời lượng lên đến gần 3 tiếng. Mọi sợi dây, mắt xích, mối nối trong phim của ông đều được liên kết với nhau rất rõ ràng. Hố tử thần nhìn về tổng thể giống như một trận cờ, nơi mà mỗi bước đi của người này đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người khác, và đến thế trận toàn cục.
Cũng chính vì lẽ đó mà Hố tử thần có thể khai thác được triệt để khía cạnh về sức mạnh nhỏ bé của con người đối với vũ trụ rộng lớn: liệu sai lầm của một cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của loài người? Liệu vì tình yêu với người thân, chúng ta có thể sẵn sàng hủy diệt ai đó? Hay vì đại nghiệp lớn lao, chúng ta có quyền nói dối không? Những câu hỏi trong phim bung ra một cách từ tốn, nặng nề và mệt mỏi, càng ngày càng khó giải đáp và đi vào bế tắc. Rồi đó cũng là lúc mà chính Nolan đã ra tay "giải cứu" chính mình, mang đến cho bộ phim một cái kết vẹn toàn, viên mãn.