Cô gái mất tích: Hồi hộp và kịch tính đến phút chót

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Cuộc đấu trí nghẹt thở của một đôi vợ chồng nhà văn đã khiến khán giả hồi hộp đến thót tim, không thua kém bất kỳ một bộ phim hành động hay kinh dị nào khác.

Điểm lại sự nghiệp của đạo diễn David Fincher, rất dễ để nhận thấy ông là một nhà làm phim giàu năng lượng và ngập tràn cảm xúc. Những tác phẩm của ông luôn ngồn ngộn sức sống, thấm đẫm hơi thở hiện đại, ồn ào, náo nhiệt nhưng cũng không kém phần sâu lắng. Gone Girl - Cô gái mất tích cũng không phải là một tác phẩm ngoại lệ, thậm chí còn có phần vượt trội hơn.

Cô gái mất tích: Hồi hộp và kịch tính đến phút chót - 1

Gone Girl - một tác phẩm điện ảnh hồi hộp và gay cấn như phim hành động

Kịch tính như phim hành động

Cái mà Gone Girl có sẵn, chính là một nền tảng vững chắc với kịch bản không thể thu hút hơn, chuyển thể từ quyển tiểu thuyết ăn khách nổi tiếng cùng tên của nhà văn Gillian Flynn.

Dĩ nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng không phải các bộ phim được chuyển thể từ một quyển sách hay đều sẽ hay, nhưng David Fincher ngay từ đầu đã hoàn toàn có thể an tâm về điều đó vì chính Gillian Flynn cũng là người biên kịch cho bộ phim này.

Thời lượng 150 phút của Gone Girl không phải là ngắn, nhưng nó cũng chỉ vừa đủ dài để chuyển tải hết mọi cung bậc cảm xúc trong một cuộc bắt cóc kỳ lạ chứ không quá lê thê, mệt mỏi để khán giả phải ngáp ngủ.

Cái hay của Gone Girl là ở chỗ diễn tiến dường như xảy ra rất chậm, nhưng trong mỗi phút giây qua đi khán giả đều có thể khám phá ra được một cái gì đó mới mẻ: khi thì câu chuyện của người chồng Nick Dunne, lúc lại là những dòng chữ viết nhật ký của cô vợ Amy…

Cô gái mất tích: Hồi hộp và kịch tính đến phút chót - 2

Gone Girl mở ra một cái nhìn đặc biệt và độc đáo về giá trị của hôn nhân trong đời sống con người.

Về thủ thuật kể chuyện, Gone Girl hoàn toàn không có gì mới, nhưng cái mới, lạ và hấp dẫn ở đây chính là cách xây dựng những nhân vật khó lường, những tình huống quái chiêu, nhưng trò đấu trí căng thẳng kinh khủng và khiến người xem vừa mệt mỏi lại vừa phấn khích.

Do đó, dù chỉ rặt những phần trình diễn đi lại, nói cười, suy nghĩ, viết lách, cãi vã, khán giả vẫn có cảm giác như mình đang xem một bộ phim hành động thực thụ, với những ghê sợ pha lẫn phấn khích không thể kìm nén được.

Những vai diễn xuất thần

Khán giả Hollywood vốn từ trước đã không còn xa lạ gì với Rosamund Pike, người thường thủ vai những cô gái có vẻ đẹp đài các, kiêu sa, thỉnh thoảng đóng một vài cảnh hành động nhưng không quá vượt trội.

Cô gái mất tích: Hồi hộp và kịch tính đến phút chót - 3

Rosamund Pike đã lột xác xuất thần trong vai diễn Amy Dunne.

Rosamund Pike trong những tác phẩm trước đóng không hề dở, nhưng vẫn còn thiếu cá tính để ghi dấu trong lòng độc giả. Thì đây, với Gone Girl, Rosamund Pike hẳn đã có được một vai diễn để đời và vô cùng đáng nhớ: vai Amy Dunne – Cô gái mất tích.

Xuất hiện từ đầu phim với vai trò là một nữ văn sĩ hiền lành, đài các, sống khép kín, Rosamund Pike dễ khiến khán giả lầm tưởng đây sẽ tiếp tục là một vai diễn thường thấy của cô. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi đến khoảng giữa phim. Hình tượng của cô gái ấy bắt đầu thay đổi một cách chóng mặt: điên loạn hơn, quái dị hơn, và thậm chí còn có phần khốn nạn hơn.

Diễn xuất của Rosamund Pike tỉnh táo và tự nhiên, trong trẻo nhưng cũng không kém phần mưu mô. Với nhân vật này, cô dường như đã làm khó khán giả vì không biết nên thương hay nên ghét. Có thể nói, cái "cô gái mất tích" Amy ấy là nhân vật "kỳ cục" nhất mà bạn có thể gặp trên màn ảnh rộng trong suốt vài năm qua, và chính vì sự kỳ cục ấy đã tạo ra cho Rosamund Pike một vai diễn để đời.

Cô gái mất tích: Hồi hộp và kịch tính đến phút chót - 4

Ben Affleck cũng mang đến khán giả một vai diễn ấn tượng trong Gone Girl.

Với nữ diễn viên chính tạo ra cho khán giả cảm giác yêu – ghét lẫn lộn, thì nam chính Ben Affleck cũng tương tự, nhưng cái sự yêu- ghét của người xem dành cho anh được phân ra từng thời kỳ rõ ràng: khởi đầu bằng sự cảm thông, sau đó là bực bội, kế tiếp là tội nghiệp, rồi đến căm ghét, và cho đến cuối phim, hai thái cực cảm xúc đó mới hòa vào nhau.

Ben Affleck sở hữu sẵn một gương mặt, mà theo như nhân vật Amy nói ở đầu phim, là "không đáng tin tưởng". Bằng cách diễn xuất nhấn nhá tinh tế của mình, Ben khiến người xem không thể biết được anh là người tốt hay xấu, là kẻ thủ ác hay là nạn nhân tội nghiệp. Mọi nỗ lực dò đoán của khán giả đều sẽ vô vọng.

Gần như khoảng 70% thời lượng của phim, Ben đều xuất hiện trong tình trạng bết bát. Một nam nhà văn tuổi cận trung niên, thất nghiệp, thân hình hơi béo, có một cuộc tình không như ý lắm: mọi tính chất đó xây dựng cho Ben một vẻ ngoài kém hoàn hảo đến lạ.

Tuy nhiên, ở Ben vẫn toát lên cái vẻ điệu nghệ của một người nghệ sĩ, có lúc rơi vào hoang mang nhưng vẫn giữ được vẻ điềm tỉnh, thỉnh thoảng nóng giận nhưng cũng biết cách kiềm chế ngay. Nhân vật Nick Dunne không hổ danh là một đối trọng của Amy Dunne, người vợ lắm chiêu trò, hay còn được biết đến với biệt danh "Amy huyền diệu" của nước Mỹ.

Cô gái mất tích: Hồi hộp và kịch tính đến phút chót - 5

Phim không có những cảnh gay cấn, rượt đuổi nhưng vẫn đủ khiến khán giả cảm thấy hồi hộp, thót tim.

Diễn xuất của các nhân vật còn lại không tệ: Kim Dickens thủ vai tròn trịa nữ thanh tra Rhonda Boney với những nỗi trăn trở rất "nghề", Tyler Perry trong vai Tanner Bolt vừa có sự hài hước, vừa có tính nghiêm túc trong công việc, Neil Patrick Harris mang đến cho nhân vật Desi Collings cả sự biến thái lẫn phong cách lịch thiệp vừa đủ, còn Carrie Coon cũng đã thành công trong vai Margo Dunne với tư cách vừa là em gái, vừa là bạn thân của nam chính Nick Dunne. Tuy nhiên, chính vì sự vượt trội quá mức của hai diễn viên chính, đặc biệt là Rosamund Pike nên mọi thứ chỉ dừng ở mức vừa tầm chứ không quá nổi bật và xuất sắc hơn được.

Tác phẩm để đời của David Fincher

Có thể nói cho vui, rằng Gone Girl cũng giống như Mr. & Mrs. Smith phiên bản nhà văn, và thay vì chiến đấu với nhau bằng súng, hai vợ chồng cùng làm nghề viết lách Nick Dunne và Amy đã cùng chơi một trò chơi trí tuệ vừa nguy hiểm, vừa độc đáo, không thể hấp dẫn hơn.l

David Fincher đã từng hai lần hụt giải Oscar với The Social Network, The Curious Case of Benjamin Button thì lần này, Gone Girl một lần nữa lại thắp lên hy vọng cho ông về việc giành lấy giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Và thực ra, dù có giành giải hay không, hẳn là sẽ còn rất lâu sau nữa, người ta sẽ vẫn còn bàn tán đến Gone Girl như một tác phẩm để đời trong sự nghiệp của ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lukas Nguyễn ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN