“Cô dâu 8 tuổi dài... 5.000 tập cũng chẳng sao“

Sự kiện: Cô dâu 8 tuổi

"Ở nông thôn, cả nhà bỏ việc, xúm vào xem, rất vui vẻ. Có gì mà phải phản đối họ?" - Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho biết.

 Mấy ngày gần đây, khán giả Việt "sôi sục" với tin bộ phim truyền hình Ấn Độ đang chiếu trên kênh Today TV kéo dài tới gần 2.000 tập. Nhiều khán giả cho rằng, phim nhiều tình tiết "lê thê" đến mức... khó chịu. Hàng loạt những bình luận về bộ phim nổ ra trên nhiều diễn đàn, trong đó hầu hết là "ném đá" bộ phim. Trước hiện tượng này, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn đã nói lên quan điểm của bản thân về bộ phim.

"Thế giới họ vẫn làm phim 2.000 tập có nghĩa là vẫn có khán giả xem phim đó. Tôi thấy “Cô dâu 8 tuổi” dài 2.000 tập chứ 5.000 tập cũng chẳng sao", nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho biết. 

Thưa ông, hẳn ông cũng biết mấy ngày gần đây, cư dân mạng đang sôi sình sịch với phim Cô dâu 8 tuổi, nhiều người phản đối bộ phim lê thê này, cho rằng nó đang làm lãng phí thời gian của khán giả. Với tư cách một nhà biên kịch điện ảnh, ông thấy phản ứng này thế nào?

Tôi thấy rất ngạc nhiên. Tại sao lại phải ném đá phim “Cô dâu 8 tuổi” hay cụ thể hơn là ném đá những người xem phim này? Tôi xin thưa rằng không chỉ có khán giả Việt Nam thích xem mà cả khán giả thế giới cũng thích xem phim này.

Đời sống ở Ấn Độ công nghiệp hơn chúng ta rất nhiều, tại sao họ vẫn xem được phim 2.000 tập? Tôi còn đồ rằng hay là có “sự gì” ở đây, nhiều kênh không hút được khán giả bằng kênh đó nên có ý… gièm pha chăng?

“Cô dâu 8 tuổi dài... 5.000 tập cũng chẳng sao“ - 1

 

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn.

 

Khán giả kêu rằng phim quá dài, một giọt nước mắt lăn nửa ngày chưa rơi xuống, câu chuyện quẩn quanh. Còn ông thấy sao?

Bởi vì họ chưa hiểu đó là đặc tính của phim sitcom, phim telenovela (tiểu thuyết truyền hình). Với thể loại phim này các nhà sản xuất còn cắt từng cảnh ra để đặc tả, giọt nước mắt thế nào, bàn tay người phụ nữ đẹp ra sao, cái khăn, cái áo của cô dâu lấp lánh, nhà đó là nhà giàu hay nghèo. Từng chi tiết xung đột, âm thanh, lời thoại, diễn tiến câu chuyện phải kỹ lưỡng, chi tiết để khán giả dễ theo dõi.

Ông có cảm thấy điều đó có gì kỳ lạ không, vì ở thời điểm công nghệ phát triển mà thể loại phim “dây cà ra dây muống” lại vẫn có khán giả?

Theo tôi đó là chuyện rất bình thường. Bởi cần phải hiểu tâm lý con người, chúng ta rất thích nghe chuyện của người khác, đó là một chân lý muôn đời. Thế nên các nhà sản xuất phim nắm được tâm lý này, khán giả thích nghe thì họ kể thôi.

Bạn cứ để ý mà xem, phim Hàn Quốc rất thích kể chuyện “người thứ 3”, phim Nam Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan thì kể chuyện trong một gia đình, họ yêu đương, ghét bỏ, sống với nhau ra sao… Khán giả rất thích nghe kể chuyện đó.

Tôi trước đây học điện ảnh ở Nga, từ lúc tôi sang học đến lúc tôi tốt nghiệp về nước, vài năm sau quay sang lại vẫn thấy truyền hình chưa chiếu hết một bộ phim Brazil, phim đó dài 7 năm. Thế nên chẳng có gì lạ cả.

“Cô dâu 8 tuổi dài... 5.000 tập cũng chẳng sao“ - 2
 Một cảnh trong phim Cô dâu 8 tuổi

 

Quan điểm của ông là đứng về các nhà làm phim?

Đúng vậy. Tôi thấy chúng ta nên có cái nhìn rộng lượng, cởi mở. Truyền hình giờ có hàng ngàn món giải trí, người này thích cái này, người kia thích cái kia, đó là chuyện bình thường.

Ở nông thôn, cứ đến 8 giờ tối là trẻ con hét váng lên “Cô dâu 8 tuổi”, thế là cả nhà bỏ lại mọi công việc, xúm vào xem, rất vui vẻ, hạnh phúc. Có gì mà phải phản đối họ?

 Còn các nhà làm phim Việt Nam, chê thì dễ đấy, nhưng cứ làm cho hay đi, làm cho hấp dẫn khán giả như họ đi, không dễ chút nào đâu. Hãy coi phim “Cô dâu 8 tuổi” là một cửa sổ để nhìn ra thế giới, tìm hiểu phong tục tập quán của họ và giải trí nhẹ nhàng.

Xin cảm ơn ông!

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai An ([Tên nguồn])
Cô dâu 8 tuổi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN