Chốn đi về của những nghệ sĩ tài hoa một thuở
Nhiều năm nay, chùa Nhựt Quang là nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ sân khấu Sài Gòn trong đó có các diễn viên nổi tiếng như Phùng Há, Minh Phụng, Lê Công Tuấn Anh...
Nằm trong một con đường nhỏ thuộc phường 11, quận Gò Vấp, Chùa Nghệ sĩ là nơi an nghỉ cuối cùng của hàng trăm nghệ sĩ cải lương Việt Nam qua nhiều thập kỷ. Nơi đây cũng thường tổ chức các buổi ca cải lương khi các diễn viên cùng thu xếp công việc tới viếng thăm.
Năm 1958, nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại quận Gò Vấp, TP HCM để xây nơi an nghỉ cho các đồng nghiệp. Nhưng mãi đến năm 1970, ông bầu Xuân gánh hát Dạ Lý Hương mới bỏ hơn 100 cây vàng mua lại am thờ của bầu Năm Công và xây dựng Nhựt Quang Tự. Hiện nay tại chùa có hơn chục nghệ sĩ già cùng các phật tử làm công quả phụ giúp.
Nếu như nhìn vào hình ảnh những vị cao niên phụ giúp chùa, cúng lễ quét dọn một ai đó có thể khó hình dung họ đã từng lộng lẫy trên sân khấu ngày xưa. Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng (quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang, 79 tuổi) đã vào chùa được 19 năm. Bà say sưa kể lại về một thời vang son khi làm ca vũ cho đoàn Thúy Nga, Thành Được, Kim Chung...
Khách đến viếng ngoài bá tánh thập phương còn có các nhóm nhạc, kịch ghé thăm chùa cúng tổ. Họ cầu tổ nghề phù hộ cho thành công trong sự nghiệp.
Bà Thu Nguyệt năm xưa nổi tiếng với các vai múa trong các đoàn hát danh tiếng như đoàn Oanh Vàng, Dạ Minh Châu, Thanh Minh, Thanh Nga 2... Hàng ngày, cựu nghệ sĩ phụ giúp công việc tại chùa để góp công quả, hương khói cho những đồng nghiệp của mình đã ra đi.
Nhiều năm trước, chú hề Lý Lắc là kép hài nổi tiếng của các đoàn Minh Châu - Dạ Thảo, Út Bạch Lan, Dạ Lý Hương. Ông đi vào lòng người qua những vai diễn để đời như Bùi Kiệm trong tuồng Lục Vân Tiên, thái giám trong vở Giấc mộng phù hoa…
Năm 2008, ông bị tai biến mạch máu não, ba lần mổ tim và mắc bệnh đau dạ dày. Từ đó, sức khỏe của ông ngày càng suy kiệt. Người thân của ông là những người em cùng mẹ khác cha. Nhưng do nhiều lần mâu thuẫn nhau ông thường vào chùa để tìm sự bình yên, tối mới về nhà. Khi nhắc về quá khứ vàng son đã qua, trong ánh mắt nghệ sĩ Lý Lắc không giấu nổi sự tự hào và hạnh phúc.
Ngược với kép hề Lý Lắc luôn vui vẻ trò chuyện thì nghệ sĩ Nhật Sinh lại muốn sống khép lòng. Hôm nay, một nhóm bạn trẻ kịch Cầu Vồng (quận 10) ghé thăm trò chuyện. Ông chân tình chia sẻ: "Giờ đã mang tiếng ăn bám ở chùa thì nói chuyện thời hoàng kim làm chi cho xấu hổ. Thôi thì cứ an phận làm công quả giúp chùa mà thôi".
Cuộc sống ở chùa bình yên nên người nghệ sĩ thường hoài niệm về quá khứ.
Khuôn viên phía sau chùa là nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ cải lương. Nhiều nghệ sĩ có danh tiếng, cũng như những người chẳng mấy ai biết đến nhưng đã âm thầm cống hiến cho sân khấu nhiều năm, được an táng tại đây sau khi qua đời. Có thể kể đến các tên tuổi như NSND Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, NSƯT Thanh Nga, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Hoàng Giang, Bảy Cao, Đức Lợi... hay những soạn giả như Hoa Phượng, Hà Triều, và gần đây nhất là các nghệ sĩ Tấn Tài, Kim Ngọc, Minh Phụng, Lê Vũ Cầu...
Chùa cũng là nơi yên nghỉ của nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn Thanh Nga, người được mệnh danh là "nữ hoàng sân khấu" của Việt Nam vào những năm 1970. Bà bị sát hại năm 1978, khiến nhiều khán giả bàng hoàng, tiếc nuối.
Mộ phần của NSND Phùng Há được xây dựng trang trọng trong khuôn viên chính của chùa. Hàng ngày nhiều bạn trẻ đến viếng thăm, thắp hương thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ bà.
Diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh cũng yên nghỉ trong chùa Nghệ sĩ. Đây là ước nguyện từ lúc sinh thời của anh.
Các bạn trẻ khi viếng thăm các nghệ sĩ không khỏi xúc động. Bạn Phan Xuân Phi - trưởng nhóm kịch Cầu Vồng - cho biết, thứ 5 tuần tới sẽ tổ chức vận động các bạn sinh viên, diễn viên ngành sân khấu đến để làm cỏ dọn dẹp sạch sẽ nghĩa trang chùa để thể hiện lòng tôn kính cũng như muốn góp chút công sức nhỏ.
Nhựt Quang Tự là nơi yên nghỉ của những người nghệ sĩ sân khấu và cũng là nơi để các thế hệ tiếp nối tri ân và giữ gìn tổ nghiệp.