"Châu Tấn gợi cảm, lanh lợi hơn hẳn Củng Lợi"
Sau khi "Cao lương đỏ" lên sóng, khán giả đã có nhiều ý kiến so sánh nhân vật của Châu Tấn với đàn chị Củng Lợi trong phiên bản điện ảnh gần 30 năm trước.
Kịch tính với chuyện tình tay ba
Phiên bản điện ảnh thông qua quan điểm của người cháu về hồi ức chuyện tình của "ông tôi" và "bà tôi" từ kẻ xa lạ đến quen biết, thân thiết đến nảy nở tình cảm, dù khá đơn giản nhưng không đơn điệu.
Nhân vật "ông tôi", "bà tôi".
Phiên bản truyền hình đã thêm nhân vật mối tình đầu thuở thanh mai trúc mã của Cửu Nhi là Trương Tuấn Kiệt (Hoàng Hiên đóng), một thành phần tri thức ở huyện Cao Mật với tư tưởng cấp tiến giới trẻ, nguyện hy sinh tính mạng vì tình yêu.
Dù cha mẹ không đồng ý nhưng Tuấn Kiệt vẫn thủy chung với Cửu Nhi, còn vạch kế hoạch cùng cô bỏ trốn. Tiếc là đã xảy ra biến cố khiến cuộc tình của hai người đã không trọn vẹn, nhưng Tuấn Kiệt vẫn si mê Cửu Nhi như trước đây.
Cửu Nhi đối mặt với chuyện tình tay 3 giữa Tuấn Kiệt (trái) và Chiêm Ngao (phải).
Cửu Nhi giờ đây đối mặt với một bên là tình cũ (Trương Tuấn Kiệt), một bên là tình mới (Dư Chiêm Ngao) khi cô vừa mới trở thành quả phụ. Cửu Nhi đang gặp phải thách thức trước chuyện tình cảm hết sức phức tạp, chuyện tình tay ba khiến cảm xúc tình cảm của nhân vật càng trở nên khắc khoải, lo âu.
Phong cách phim
Phiên bản điện ảnh mang đậm ý niệm chủ quan mãnh liệt của Trương Nghệ Mưu, được thể hiện qua cách sử dụng màu sắc đầy tài tình - sắc đỏ rợp mắt trong Cao lương đỏ. Từ mặt trời đỏ, rượu cao lương đỏ, những dòng máu đỏ...
Màu đỏ là màu chủ đạo trong phiên bản điện ảnh của Trương Nghệ Mưu.
Có thể nói, màu đỏ đã được phong cách hóa cao độ trong phim của Trương Nghệ Mưu, trở thành một trong những ngôn ngữ điện ảnh đại diện trong phong cách làm phim của đạo diễn Trương, và được lặp lại trong các tác phẩm điện ảnh về sau.
Yếu tố ẩn dụ cũng được sử dụng nhiều trong phiên bản điện ảnh, ví dụ cảnh rước kiệu dùng hình ảnh những trai phu kiệu để trần lực lưỡng nhằm làm toát lên khát vọng yêu đương, rung động của nhân vật Cửu Nhi, nói lên cảnh ngộ bi đát về cuộc hôn nhân vô lý cô phải đối mặt. Hình ảnh giết mổ trâu với sự hy sinh của con người cũng trở thành sự đối lập mạnh mẽ và ngụ ý sâu sa.
Ở bản truyền hình, đạo diễn Trịnh Hiểu Long lại chú trọng thế mạnh tả thực, tập trung nhấn mạnh tính chất câu chuyện, dựa vào ngôn ngữ cá nhân tạo nên nhiều hình tượng nhân vật đặc sắc.
Tính cách những nhân vật phụ như chủ tịch phòng thương mại huyện Cao Mật- Trương Kế Trường, địa chủ Đới Lão Tam, chủ tịch huyện Cao Mật Châu Hào Tam, phu nhân Tôn Đại Cước đều được khắc họa một cách rõ ràng và sống động.
Cảnh Củng Lợi và Khương Văn "mặn nồng" trong phiên bản điện ảnh được thể hiện vừa hoang dại vừa thánh thiện, thì với đạo diễn Trịnh Hiểu Long đã xử lý theo cách khác.
Khi Dư Chiêm Ngao cộc lốc: "Tôi muốn ngủ với cô", vác Cửu Nhi đi một vòng làm rạp những cây cao lương lấy chỗ nằm. Sự mạnh bạo cưỡng đoạt của Chiêm Ngao bị hành động đạp mạnh đáp trả của Cửu Nhi khiến tạo sự dí dỏm và bớt tính duy mỹ, ẩn dụ.
Đạo diễn Trịnh còn chú trọng đến việc mang lại cảm xúc cho người xem khi chọn bối cảnh phim ngay tại nơi thoát thai ra tác phẩm Cao lương đỏ, thôn Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Hơn 3.290 ha ruộng cao lương được trồng để phục vụ cho việc quay phim với tổng kinh phí 150 triệu NDT (514 tỉ đồng) và đội ngũ làm phim gần 800 người.