Cánh diều vàng bị ghẻ lạnh: Vì đâu nên nỗi?
Lễ trao giải Cánh diều vàng dường như đang dần chìm vào quên lãng. Người ta chẳng còn quan tâm đến thành phần BGK, danh sách những bộ phim tham dự tranh giải. Thậm chí, các hãng phim cũng “quay lưng” với giải thưởng này.
Cánh diều ngày càng "đói gió"
Năm 2003, Hội Điện ảnh Việt Nam kết hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ trao giải Cánh diều vàng. Sự kiện này được tổ chức thường niên và lên sóng truyền hình trực tiếp với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thông qua quảng cáo. Khi ấy, người ta đã kỳ vọng rằng Cánh diều vàng sẽ trở thành giải thưởng Oscar của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, Cánh diều vàng vẫn chỉ là một lễ trao giải có quy mô…nội bộ. Nó không nhận được nhiều tình cảm từ phía công chúng cũng như những nhà làm phim. Đi tìm nguyên nhân của sự ghẻ lạnh và nguy cơ “chết yểu”, người ta thấy rằng lỗi phần lớn nằm ở…chính giải thưởng.
Một thực trạng khác, rất phi lý nhưng lại hiện hữu ở Cánh diều vàng, đó là chính những đơn vị sản xuất phim cũng “chẳng thèm” quan tâm tới giải thưởng này. Chẳng thế mà thành viên của Ban tổ chức (BTC) phải gọi điện mời các hãng phim tham gia tranh giải, thậm chí còn phải “dỗ ngọt”, “thuyết phục” đủ đường. Nguyên nhân là bởi BTC sợ…thiếu phim để trao giải.
Còn nguyên nhân vì sao các hãng phim “lạnh nhạt” với Cánh diều, bởi có thể nói đây là một giải thưởng “tai tiếng” nhất trong 3 giải thưởng về điện ảnh của Việt Nam.
Giải Cánh diều năm nào cũng gặp tranh cãi, nổi bật là chủ nhân chưa xứng đáng dành cho những diễn viên "tay ngang" (Ảnh: Elly Trần được xướng danh Nữ diễn viên chính phim truyện truyền hình xuất sắc nhất tại Cánh diều 2011)
Quả thực, chưa có giải thưởng nào bị báo chí “soi mói”, chê bai đủ đường như Cánh diều. Năm nào Cánh diều cũng để xảy ra những chuyện “không đâu”. Năm thì để khách mời…tự PR bản thân ngay trên sân khấu lễ trao giải, năm thì bị chê tổ chức dài dòng, rườm rà nhưng lại chẳng tập trung đầu tư cho giải thưởng…
Với kinh phí eo hẹp, lễ trao giải Cánh diều vàng bị chê là “bôi bác”, “nghèo nàn”. Đó chính là nguyên nhân khiến khán giả không mấy hào hứng với giải thưởng này, gây ảnh hưởng tâm lý đến các nghệ sỹ, hãng phim.
Không chỉ thế, Cánh diều còn là giải thưởng có nhiều ngoại lệ hy hữu nhất. Ví dụ như những thay đổi “chóng mặt” về giải thưởng. Năm 2005, Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và Cánh diều đồng bị bỏ bớt. Đến năm 2006, Cánh diều bạc được khôi phục còn Cánh diều đồng được thay thế bằng... bằng khen. Năm 2007, Hội Điện ảnh trao tặng thêm hai giải phụ là Giải phim phục vụ khán giả đông nhất và Giải phim bán được nhiều vé nhất.
Đấy là còn chưa kể, vì thiếu phim tham dự nên BTC sẵn sàng…bỏ qua các quy định để “nhặt” đủ phim tranh giải.
Thiên mệnh anh hùng được ưu ái "lách luật" tham gia Cánh diều 2013 và nghiễm nhiên giành giải Phim điện ảnh hay nhất
Đơn cử, năm 2013, theo quy định thì những phim sản xuất trong thời gian từ 15/3/2012 đến 15/3/2013 là hợp lệ. Nhưng để có đủ phim, Hội vẫn cho phép “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ (ra mắt Tết Nguyên đán 2012, tức là không nằm trong khung quy định mốc thời gian cho phim tranh giải) góp mặt trong danh sách.
Sự “úi xùi” trong khâu tổ chức khiến Cánh diều vừa nghèo nàn, lại vừa dễ dãi. Chính vì thế, uy tín của giải đương nhiên chỉ mất đi chứ không thể nâng cao lên được.
Cũng phải thôi, ai bảo Cánh diều vàng sinh ra trong một môi trường điện ảnh quá ảm đạm, khi mà một năm, phải khó khăn lắm thì BTC mới có thể gom đủ 13 bộ phim truyện nhựa để “cân đo đong đếm” rồi trao giải.
Cánh diều vàng có nguy cơ "chết yểu"
Ở một nền điện ảnh còn khiêm tốn nhưng Cánh diều vàng lại phải cạnh tranh với 2 giải thưởng không kém phần hoành tráng khác là Bông sen vàng và Liên hoan phim Việt Nam thay nhau tổ chức vào các năm chẵn, lẻ.
Chính điều này đã khiến Cánh diều phải “vơ bèo, vạt tép”, miễn sao đủ số lượng phim tham gia tranh giải để mà có thể tiến hành…làm lễ trao giải. Mà đã là “vơ bèo, vạt tép” thì chuyện để lọt những bộ phim “không hay” hay thậm chí là “phim dở” là chuyện không có gì khó hiểu. Đó chính là nguyên nhân vì sao những năm gần đây, Cánh diều dường như trở thành “thiên đường vinh danh” những bộ phim dạng “mỳ ăn liền”.
Hơn nữa, ngoài những nguyên nhân kể trên, có thể thấy Cánh diều thực sự đáng thương khi giải thưởng này nỗ lực từ năm này qua năm khác để tôn vinh những thứ mà công chúng…chẳng buồn quan tâm. Ai cũng thấy rằng trên thực tế, phim Việt chưa bao giờ là “con át chủ bài” của một rạp phim.
Từ những bộ phim mang tính nghệ thuật với nội dung nhân văn, sâu sắc cho tới những bộ phim được coi là “hàng chợ”, “hài nhảm”…nếu không có những yếu tố dạng diễn viên là “hot boy, hot girl”, nếu không khai thác vấn đề giới tính, nếu không có cảnh nóng… thì không thể “kéo” khán giả tới rạp.
Người hâm mộ luôn chờ đợi một lễ trao giải công tâm và uy tín thực sự
Nói không ngoa, sức sống của những rạp phim lớn nhỏ trong nước đều phụ thuộc vào phim ngoại. Vậy thì mộy giải thưởng vinh danh phim Việt liệu có thể trở thành mối quan tâm của những người yêu điện ảnh?
Hội Điện ảnh đã phải thừa nhận một thực tế phũ phàng rằng, một nền điện ảnh Việt ngang tầm với các nước trong khu vực, chuyển tải được những vấn đề nóng hổi của thời đại… mãi là món nợ với công chúng và xã hội.
Với những lý do kể trên, từ tham vọng biến Cánh diều vàng thành một “Oscar của Việt Nam”, Hội điện ảnh đã buộc long hạ mục tiêu khiêm tốn và đúng tầm của mình hơn. Đó là đưa giải thưởng này trở thành một lễ trao giải quy mô nhỏ, mang tính chất nội bộ chứ không làm rùm beng kiểu “đầu voi đuôi chuột” nữa. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm tổ chức, Cánh diều vàng đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”.