Cánh diều 2014: Diều bay rồi, lạc mất!
Trước thềm trao giải, có nhiều dự đoán rằng "Những người viết huyền thoại" sẽ tiếp tục hứng trọn cơn mưa giải thưởng bởi đây được xem là bộ phim chỉn chu để dự thi. Một số ý kiến khác cho rằng, “giải thưởng nào ban giám khảo ấy”, BGK cánh diều sẽ không “xơi lại” món ngon từng được vinh danh.
Câu chuyện còn lại chỉ là cuộc đua giữa các phim “cháy” phòng vé hoặc ít doanh thu hơn mà thôi. Thần tượng đã đẩy Cánh diều 2014 bay lên chút ít nhờ ngọn gió chất lượng và cái nhìn mới mẻ, tiệm cận thị trường của BGK.
Phim tư nhân phía Nam áp đảo
Nói phim tư nhân áp đảo phim nhà nước có lẽ khá thừa, bởi từ nhiều năm nay, thị trường điện ảnh trong nước sôi động đều từ nguồn tư nhân mà ra. Song, điểm đặc biệt của Cánh diều năm nay là không chỉ ở giải thưởng chính mà các giải phụ cũng hoàn toàn thuộc về phim tư nhân - tức phim thị trường.
Thần tượng đại thắng tại Cánh diều là điều không phải ai cũng ngờ tới, nhưng kết quả thật vui
Thần tượng của đạo diễn Nguyễn Quang Huy kể về Trí (Harry Lu), một thiếu gia gốc Hoa quyết tâm trở thành nhà sản xuất âm nhạc trước sự phản đối của bố. Trí gặp Linh (Hoàng Thùy Linh), cô ca sĩ trẻ, tài năng, có tâm hồn trong sáng. Cùng với hai người bạn khác, Trí và Linh chiến thắng công ty âm nhạc Viet Idol có thế lực, nhiều mưu mô, để trở thành những “thần tượng” thật sự trong lòng khán giả.
Kịch bản hợp logic, có chiều sâu, có điểm nhấn, diễn viên diễn xuất tốt, đều đặn, Thần tượng của một ekip làm phim trẻ măng đã thuyết phục được BGK lẫn cánh báo chí.
Nếu như câu chuyện trong trẻo, đầy mơ mộng của Thần tượng mang về cho ekip này 6 giải (trong đó có 2 Cánh diều vàng cho đạo diễn xuất sắc nhất và phim hay nhất) thì giải bạc lại chia đều cho hai phim “hot” doanh thu phòng vé: Âm mưu giày gót nhọn và Tèo em.
Điều đáng ngạc nhiên là Những người viết huyền thoại hoàn toàn vắng bóng ở các hạng mục quan trọng nhất. Trước đó tại LHP Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh, bộ phim này đã "làm mưa làm gió" với những giải thưởng quan trọng nhất.
Ở cuộc chạy đua nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Trương Minh Quốc Thái (vai trung úy Nghĩa trong Những người viết huyền thoại) được đặt ngang hàng với Thái Hòa (vai Tèo em trong bộ phim cùng tên). Cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về Thái Hòa trong khi Trương Minh Quốc Thái thậm chí không có tên trong đề cử!
Phải chăng 6 giải tại Bông sen vàng đã khiến BGK Cánh diều loại Những người viết huyền thoại ra khỏi cuộc chơi? Hay chính bởi, giải thưởng năm nay đã trở về với quy cũ vốn có của nó, giải thưởng nội bộ ngành và được trao cho những phim có hơi thở mới mẻ, sáng tạo hơn?
Thái Hòa đã có một năm viên mãn khi kiếm bạc tỷ từ các dự án phim và giờ là một giải thưởng lớn
Những cái tên như Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Thạc Chuyên mấy năm nay luôn lên tiếng ủng hộ sự tiến bộ về chất lượng của điện ảnh, ủng hộ sự đổi mới nhiều nhất đã ngồi trong BGK Cánh diều thì chiến thắng của Thần tượng không quá bất ngờ.
Diều sẽ bay về đâu?
Số lượng phim điện ảnh tham gia Cánh diều 2013 khá ít ỏi (13 phim) còn chất lượng phim lại chênh lệch "một trời một vực".
Người ta thường dùng từ “thảm họa” để chỉ các bộ phim nghèo nàn về kịch bản, tình tiết ngô nghê, sơ sài, diễn viên như con rối thoại vô nghĩa,… Có thể kể ra đây những cái tên như Sau ánh hào quang, Hiệp sĩ guốc vông, Săn đàn ông, Tía ơi, Gác kiếm vì không thể xác định đây là cải lương chuyển thể hay kịch truyền hình!
Còn những phim “vua phòng vé” như Cô dâu đại chiến 2, Tèo em, Âm mưu giày gót nhọn, dù cách làm có chuyên nghiệp hơn, đầu tư hơn, khéo léo hơn nhưng vẫn cứ đậm chất tận Hollywood. Về thực chất những bộ phim này đã thành công trong việc chiều lòng khán giả nhưng câu chuyện về nhân văn hay những bài học rút ra từ bộ phim còn nhiều hời hợt.
Phim tư nhân áp đảo cả về doanh thu và giờ tại Cánh diều, nó cũng nẫng tay trên nhiều giải thưởng lớn
Thần tượng chiến thắng, ekip làm phim vui, hẳn nhiên. BGK và những ai quan tâm đến Cánh diều cũng vui trước một bộ phim có cách khai thác, dẫn dắt duyên dáng, ý nhị, không hô hào, gào thét như cái ấn tượng ban đầu từ tựa phim mang lại.
Nhưng cái vui ấy nó không được trọn vẹn, nụ cười ấy sao nó méo xộc méo xệch. Bởi, tình trạng "so bó đũa chọn cột cờ" với hàng loạt phim “thảm họa” khiến người ta không ngừng băn khoăn trước câu hỏi, điện ảnh Việt rồi sẽ về đâu?
Sự quyết liệt của BGK Cánh diều 2014 là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, làm thế nào để giải thưởng trở thành một giải uy tín, thu hút được nhiều phim tham dự cũng như kích thích sáng tạo với người làm nghề là điều đáng mong và cần nỗ lực nhiều.
Vì hình như chưa ai nhờ giải Cánh diều mà có thêm cơ hội làm phim. Người làm phim hôm nay cũng chẳng mặn mà chuyện giải thưởng. Họ lo nghĩ nhiều hơn tới doanh thu vốn phụ thuộc vào phần lớn từ khán giả, phần nhỏ từ lưỡi kéo kiểm duyệt. Còn việc gửi phim tham dự hay không lại là một chuyện khác.
Vài năm trước, Cánh diều từng được ví như “Oscar của điện ảnh Việt”. Thế nhưng giờ đây chuyện xưng danh đó người ta cũng dần quên vì nó đã khập khiễng đi nhiều.
BTC cũng không còn sử dụng lại nhiều lần kịch bản trao giải như đã từng làm trước đây. Và Cánh diều ngày càng là sân chơi mang cấp “hội” nhiều hơn là một giải thưởng uy tín vào dạng bậc nhất như khán giả vẫn kỳ vọng.
Kiểu tự sướng Oscar cũng được tái diễn tại Cánh diều
Cũng xôn xao vài chuyện “lộ giải” trước đêm trao giải 15/3 nhưng rồi mọi thứ cũng nhanh chóng lắng xuống. Nhìn người mà ngẫm đến ta, mọi so sánh đều khập khiễng.
Song có xót không khi giải điện ảnh ở xứ người mà dân ta háo hức hóng tin, bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn điện ảnh, còn giải thưởng điện ảnh của nước nhà lại âm thầm, lặng lẽ để… đề phòng sai sót. (Quả có sai sót thật. Chẳng biết do thiếu kinh phí và bận rộn đến đâu mà BTC lại đưa nhầm hình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ở giây phút tưởng niệm và tôn vinh cố đạo diễn Phạm Văn Khoa?!)
Câu hỏi cũ, “diều” rồi sẽ bay về đâu?