Búp bê ma Annabelle và những trò hù dọa thót tim
Những màn hù dọa bất ngờ khiến người xem rùng mình, la hét khi xem Annabelle.
Trở lại màn ảnh rộng sau màn "nhá hàng" trong The Conjuring (Ám ảnh kinh hoàng) cách đây một năm, Annabelle nay đã trỗi dậy mạnh mẽ, khủng khiếp và độc ác hơn trong bộ phim mang tên chính cô búp bê quỷ ám này. Phim do "thiên tài" làm phim kinh dị James Wan giữ vai trò nhà sản xuất còn John R. Leonetti (từng làm đạo diễn hình ảnh cho nhiều phim của James Wan) giữ vai trò đạo diễn.
Annabelle tiếp tục mang đến khán giả những màn hù dọa thót tim
Dàn nhân vật ấn tượng
Điều đầu tiên khiến Annabelle trở thành một bộ phim thú vị chính là sự phân vai cẩn thận, công phu của đạo diễn John R. Leonetti với các nhân vật của mình. Trong khi người chồng John qua hóa thân của Ward Horton có được nét điềm đạm, nam tính, mạnh mẽ nhưng cũng đầy cảm xúc thì nhân vật người vợ Mia của Annabelle Wallis lại là hiện thân của sự yếu đuối bề ngoài nhưng đầy nội lực bên trong.
Trái với nam chính, Annabelle Wallis có được nhiều đất diễn hơn nhờ vai trò ở nhà nội trợ, may vá, chăm con. Cô thể hiện rất xuất thần những khoảnh khắc sợ hãi, hoảng hôt, đặc biệt ở trường đoạn rượt đuổi trong nhà kho – thang máy với búp bê ma và linh hồn quỷ dự hiện hình sau lưng.
Mỗi nét mặt, ánh mắt của Annabelle Wallis đều chất chứa sự kinh hoàng nhưng cũng ẩn chứa tiềm tàng sức mạnh của một người mẹ. Dù có run rẩy đến mức nào, nhân vật Mia cũng luôn hướng về con mình. Sự xuất hiện của đứa bé luôn tiếp sức lại cho cô chống lại quỷ dữ.
Vợ chồng nhà John – Mia đã cố bỏ búp bê Annabelle đi nhưng không được
Nhắc đến đứa bé, cách chọn một đứa trẻ hồn nhiên, hay cười, hay khóc và đặc biết rất tinh nghịch để vào vai Leah của đạo diễn đã khiến không khí bộ phim trở nên cực kỳ sáng sủa. Gia đình bé nhỏ ấy vì vậy mà trở thành một tam giác tính cách đồng đều: người cha lý trí, người mẹ tình cảm, người con hồn nhiên.
Sự ấm áp lan tỏa trong không trung đã trở thành một đối trọng ấn tượng vì sự ma quái của Annabelle, cô búp bê luôn theo ám căn nhà vì nó được điều khiến bởi một tên ác quỷ.
Ngoài ra, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến nhân vật phụ Evelyn qua diễn xuất của nữ diễn viên da màu Alfre Woodard. Từng được đề cử Oscar, Alfre Woodard điều khiển cảm xúc của chính bản thân và khán giả khá tốt.
Từng ánh mắt, hành động, lời nói của bà đều toát lên vẻ bí hiểm khôn lường. Đây là nhân vật đặc biệt mà mỗi khi xuất hiện, bà đều khiến khán giả chăm chú theo dõi, vừa sờ sợ lại vừa thích thú. Không ai biết Evelyn là người tốt hay kẻ xấu, cho đến cuối phim.
Nhiều chiêu trò hù dọa mới
Lần đầu tiên thực hiện phim kinh dị, đạo diễn John R. Leonetti có lẽ đã rất cố gắng để thoát khỏi cái bóng của nhà làm phim nổi tiếng James Wan. Xét về tổng thể, Annabelle có kịch bản tuân theo lối cổ điển khá đơn giản: mua về một món đồ, phát hiện có ma, rũ bỏ nhưng không được, bị ám và phải nhờ đến người giúp đỡ.
Annabelle là món quà của John tặng cho người vợ thân yêu Mia.
Món đồ bị ám ở đây dĩ nhiên chính là búp bê Annabelle, còn người hỗ trợ vợ chồng Jon và Mia thoát khỏi quỷ dữ chính là Evelyn cùng vị cha xứ ở một nhà thờ. Tuy nhiên, điều làm Annabelle khác biệt là cách lồng ghép sự xuất hiện của một giáo phái điên rồ tấn công ngôi nhà của John và Mia, rồi khi biến mất, họ vẫn để lại một nỗi ám ảnh dai dẳng trong ngôi nhà đó.
Những thứ kiến tạo nên chất kinh dị trong Annabelle đến từ hai khía cạnh: cả vấn đề tâm linh lẫn những sự kiện có thật.
Phim không chỉ có bóng ma bay lởn vởn, quỷ dự hiện hình trong đêm tối, cửa tự động mở... mà còn có cả máu và nước mắt, còn có sự chết chóc thực thụ khiến người xem phải nhíu mắt, rùng mình.
Vẻ ngoài ma quái của Annabele khiến ai thấy cũng bị rùng mình.
John R. Leonetti đã áp dụng khá nhiều thủ thuật hù dọa khiến khán giả thót tim. Cái hay của ông là đã hù được người xem khi họ ít phòng bị nhất. Đơn cử như cảnh vị cha xứ mang búp bê Annabelle về nhà thờ.
Sự nhấn nhá, lờn vờn, lẩn quẩn trong cách dựng phim khiến người xem vừa nôn nóng vừa lo lắng, họ cứ nghĩ quỷ dự chắc chắn sẽ xuất hiện ngay lúc này nhưng rồi lại không thấy, rồi lại nghĩ đến cảnh tiếp theo và vẫn không thấy. Cho đến lúc không ai ngờ được, chúng mới thình lình xuất hiện.
Điểm thú vị khác là Annabelle được lấy bối cảnh từ thập niên 1960 nhưng bộ phim có màu sắc rất sáng sủa, tươi mới. Chỉ đến khi quỷ dữ xuất hiện thì mọi thứ mới trở nên u ám, ảm đạm. tuy vậy, John R. Leonetti vẫn luôn giữ cho khung hình nằm trong mức vừa phải, không quá tối tăm đến nỗi không thấy gì.
Xu hướng của ông là hiện thân của ma quỷ luôn được rõ ràng và chân thực một cách khủng khiếp. Ngoài ra, cách mượn những món đồ cổ trong nhà như máy may, tivi, lò nướng điện... để tạo những chiêu trò gây giật mình cũng khiến khán giả thích thú và ấn tượng.
Annabelle dựa trên câu chuyện có thực. Trong ảnh là hình ảnh Annabelle ngoài đời thực.
Dù vậy, Annabelle không phải là không có điểm yếu. Có lẽ vì hơi tham "chiêu trò" nên về cuối, John R. Leonetti đã bị đuối trong kịch bản và xử lý hơi thiếu chắc tay. Cái kết vội vã và quá nhẹ nhàng, "happy ending" của bộ phim đã khiến không ít "fan cứng" của dòng phim kinh dị phật lòng.
Có lẽ, nếu đẩy mạnh cao trào ở phần đoạn cuối và xây dựng linh hồn quỷ dữ "ác" hơn một chút, bộ phim sẽ mang lại cảm giác "phê" hơn nhiều cho các khán giả.