Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà"

Đường về nhà của đạo diễn Trương Nghệ Mưu gây cho người xem biết bao cảm xúc bởi cách thể hiện tình cảm nhân vật tinh tế cũng những khuôn hình đẹp mang đậm chất thơ, chất trữ tình.

Đường về nhà là một trong những bộ phim xuất sắc của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Phim đã làm nức lòng người xem bởi câu chuyện tình yêu mộc mạc, chân thành. Cốt truyện phim đơn giản, không có nhiều tình tiết ly kỳ, gay cấn nhưng lại rất hấp dẫn nhờ sự thể hiện độc đáo của phong cách làm phim hội hoạ. Đó là những thước phim đẹp, đầy chất thơ với cách “chơi màu” tạo sự ngạc nhiên và thích thú cho người xem.

Ngạc nhiên bởi tông màu đối lập

Tác giả đã có chủ đích rất rõ ràng trong việc xử lý màu sắc của phim. Xuyên suốt cả phim, đạo diễn đều sử dụng hai tông màu đối lập. Đó là màu ấm, sáng và tông màu lạnh được chuyển đổi một cách đa dạng. Ở phần mở đầu và phần cuối của bộ phim - thời gian hiện tại của câu chuyện, đạo diễn sử dụng gam màu đen- trắng để thể hiện sự đau buồn của các nhân vật.

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 1

Bộ phim mở đầu trong khung cảnh mùa đông ảm đạm khi Sinh- cậu con trai trở về chịu tang cha. Mẹ anh mong muốn được đưa xác chồng về bằng đường bộ trên con đường làng quen thuộc dưới tiết trời mùa đông lạnh giá. Khác với thông thường, khi kể về quá khứ hay những cảnh hồi tưởng của các nhân vật thì mới sử dụng tông màu đen-trắng nhưng ở đây, ngay trong thời gian hiện tại, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã sử dụng tông màu này để thể hiện không khí u ám, tang tóc của hiện tại.

Khung cảnh thời gian ở hiện tại cũng là những ngày mùa đông đầy tuyết trắng, cảnh vật tiêu điều xơ xác với ánh sáng mờ nhạt mang vẻ u ám tạo cảm giác buồn bã, tác động trực tiếp đến tình cảm của người xem, làm cho người xem đồng cảm với nỗi đau tang tóc của các nhân vật trong phim. 

Khi các nhà làm phim chuyển câu chuyện về quá khứ, cách xử lý màu sắc và hình ảnh được thay đổi hẳn. Màu sắc đã rực rỡ, tươi sáng, đẹp như bức tranh. Những hình ảnh đầy màu sắc đã thể hiện sự tươi sáng của tình yêu. Câu chuyện tình yêu ấy chỉ thực sự được mở ra qua những hình ảnh Sinh kể lại về quá khứ khi cha mẹ anh còn trẻ. Từ đây, người xem dần dần được chiêm ngưỡng những bức tranh đầy màu sắc ngay từ hình ảnh hồi tưởng đầu tiên: con đường làng uốn lượn giữa đồng cỏ vàng rực, chiếc xe ngựa chở thầy giáo từ xa hiện rõ dần lên.  

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 2

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 3

Chuyện tình giản dị của thiếu nữ nông thôn và thầy giáo về làng

Ngày ấy, khi người thày giáo trẻ về làng dạy học, cô gái thôn quê Chiêu Đệ đã yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những biểu hiện tình yêu của cô gái thuần chất Phương Đông được tác giả thể hiện rất tinh tế qua từng khuôn hình, từng góc máy. Các tác giả đã dùng màu sắc để biểu hiện tình cảm trong sáng mà hết sức mãnh liệt của cô gái trẻ. Đó là các gam màu đỏ pha vàng rất rực rỡ trong rừng cây khi cô gái ngóng chờ và được gặp người trong mộng của mình đi qua. Màu sắc rực rỡ ấy xuất phát từ tình cảm rạo rực trong nội tâm của Chiêu Đệ.

Sự xử lý màu sắc cũng được biểu hiện rất rõ ràng vì ngay sau đó lại có sự đối lập khi tác giả thể hiện một rừng lau màu xám uốn lượn ngả theo chiều gió khi Chiêu Đệ đi về như muốn thể hiện dư âm lưu luyến của cô gái mỗi lần được nhìn thấy người yêu. Đây là một cách gây hiệu quả thị giác cho khán giả, khán giả bị cuốn hút vào cảnh phim. Nào là màu vàng đỏ của rừng cây và cánh đồng lúa đang độ chin, màu nâu đỏ của những con đường làng, tất cả hoà quyện với nhau...

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 4

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 5

Đạo diễn "chơi màu" rất tài tình

Đạo diễn cũng chú ý đến quần áo của nhân vật, chúng cũng có gam màu mạnh như hồng hoặc đỏ nổi bật trên nền trời và đất. Các tác giả rất tài tình thể hiện sự chuyển biến tâm trạng đa dạng, đủ các sắc màu trong tâm tư của nhân vật chính. Màu sắc trong phim tương ứng với tâm trạng nhân vật. Cứ mỗi khi cô gái vui vì dược gặp người yêu thì màu sắc bao giờ cũng tươi và ngập tràn ánh sáng, còn đen trắng lạnh lẽo phù hợp với không khí u buồn.

Tâm trạng chờ đợi mòn mỏi người yêu của Đệ là người xem nhớ mãi hình ảnh cô gái mặc áo đỏ rực đứng trong bão tuyết trắng xoá chờ người thương, ngóng mãi ở cuối con đường. Tuyết trắng ngày một phủ dầy hơn, không gian thật ảm đạm và lạnh lẽo. Đối lập với không khí đó thì ngày hôm sau, khi vừa biết tin thày giáo đã trở về Chiêu Đệ vừa mới bị ốm vẫn vùng chạy đi tìm.

Khung cảnh lúc này lại chuyển ngay sang màu sắc ấm, nóng của tâm trạng nhân vật. Màu sắc phim đã tô điểm rõ nét cho tình cảm muôn màu của con người. Hiệu quả thị giác đã mang đến hiệu quả cảm xúc lớn cho người xem.

Bức tranh nghệ thuật đặc sắc

Không chỉ hấp dẫn người xem ở cách biểu hiện tình cảm nhân vật qua các gam màu sắc, Đường về nhà còn thật sự cuốn hút người xem bởi những cảnh quay đẹp như tranh vẽ, khuôn hình vô cùng gợi cảm. Đường về nhà chan hoà ánh nắng tươi đẹp.

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 6

Xuất thân là một quay phim, Trương Nghệ Mưu rất tinh tế và tài tình khi biến bộ phim của mình thành một bức tranh nghệ thuật đẹp mắt

Đạo diễn có lẽ đã dùng ngay ánh sang tự nhiên khi quay ngoại cảnh. Khán giả không thể quên được những đường nét của núi, của cây cối, con đường mòn quanh co uốn lượn, cảnh chiếc xe ngựa chạy qua con đường về nhà hay hình ảnh cô gái mặc áo đỏ chạy rất nổi bật trên gam màu vàng chủ đạo. Rồi cảnh chiếc khung cửi đỏ chót được dệt từng sợi, từng sợi một cách công phu choán cả khuôn hình, các cảnh mờ chồng nối tiếp nhau khi cô gái mặc áo đỏ đi tìm chiếc cặp tóc – kỉ vật của chàng trai- trên con đường quanh co, những cảnh trong rừng cây, rừng lau bạt ngàn, cô gái trẻ mặc áo hồng điểm xuyết trên bức tranh ấy gợi vẻ đẹp đến nao lòng…. 

Đạo diễn Trương Nghệ mưu bằng cách thể hiện màu sắc cùng khuôn hình đẹp như mơ đã tạo cho người xem rất nhiều cảm giác phong phú về tâm trạng đang yêu của nhân vật và ông đã thực sự điều khiển kéo dài được được cảm xúc của người xem theo ý mình qua từng chi tiết.  Không có chi tiết thừa trong phim của ông và mỗi cho tiết đều có ý nghĩa nhất định.

Ta nhớ đến chi tiết cái bát sứ được đạo diễn tập trung khai thác thể hiện rất sâu. Cái bát được cô gái dùng để biểu hiện tình yêu nồng cháy của mình. Đó là không chỉ là một cái bát thông thường như một đồ vật vô tri mà chứa đựng tình cảm của Chiêu Đệ. Khi trường đang được xây dựng, cô dùng cái bát để đựng thức ăn với mong muốn người thày giáo sẽ chọn đúng nó. Những cảnh cô mang đồ ăn đến cho thầy giáo bao giờ bát cơm cũng được đặt ở ngay đầu bàn.  Ánh sáng tập trung chiếu vào chiếc bát làm nó nổi bật hơn cả, không lẫn với những chiếc bát bên cạnh.

Tác giả không đi vào thể hiện người thày giáo có chọn đúng nó hay không mà ông  tập trung đặc tả chiếc bát, lần lượt những chiếc bên cạnh được lấy đi, lần nào chiếc bát của Đệ cũng đững ở điểm gây chú ý nhất trong khuôn hình. Và ta nhớ trong cảnh cô gái dùng chiếc bát để đem đồ ăn cho anh thày giáo khi anh trở về thành phố, đạo diễn đã rất chú ý quay cận cảnh cô gái cẩn thận gói bát. Sự cẩn trọng trong cách quay này đã cho thấy cách sự dụng chi tiết của đạo diễn rất sâu sắc, không hề có bất cứ một sự cẩu thả nào dù là nhỏ nhất.

Rồi khi chiếc bát tình yêu ấy vỡ và sau này được gắn lại, cô gái mở tủ, chiếc bát ấy chiếm vị trí trang trọng trong khuôn hình. Nó đã được hàn gắn lại một cách công phu, cẩn thận và càng trở nên đẹp hơn nhờ ánh sáng chiếu vào, hoa văn chi tiết của chiếc bát được máy quay ghi lại một cách cẩn trọng. Lúc này, chiếc bát được truyền cảm xúc và mang trong mình cả hồn tình cảm của Chiêu Đệ. Chiếc bát đã được nâng lên thành một hình tượng đẹp đầy ý nghĩa.

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 7

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 8

Những khung cảnh đơn sơ nhất, qua góc máy của Trương Nghệ Mưu đều trở nên lung linh

Với những khung hình đẹp như tranh và để khán giả có khoảng lặng cảm nhận hết được hết vẻ đẹp của phim, Đường về nhà được các tác giả sử dụng nhiều cảnh quay tĩnh, kĩ thuật mờ chồng với tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng. Thiên nhiên rực rỡ thường được thâu tóm trong toàn cảnh rộng và tĩnh làm khán giả có cảm giác đang ngắm nhìn một bức tranh nghệ thuật của chủ nghĩa ấn tượng. Cùng với đó, thủ pháp mờ chồng được sử dụng hợp lý trong những cảnh Chiêu Đệ ngóng chờ thày giáo, rồi đi tìm chiếc cặp tóc mà thầy giáo tặng trên con đường làng…

Những hình ảnh mờ chồng lên nhau được sử dụng để tạo cảm giác về sự trôi đi của thời gian trong phim, một cách chuyển thời gian đơn giản mà hiệu quả nhất để biểu hiện sự kiên trì, bền bỉ của cô gái khiến người xem xúc động, cảm phục trước tình yêu son sắt, thủy chung của cô.

Đường về nhà của đạo diễn Trương Nghệ Mưu gây cho người xem biết bao cảm xúc bởi cách thể hiện tình cảm nhân vật tinh tế cũng những khuôn hình đẹp mang đậm chất thơ, chất trữ tình khiến ai đã xem đều không thể quên được. Đó là sự độc đáo của phong cách điện ảnh hội họa mang đậm tình cảm của nhân vật và của cả người xem. Bộ phim chính là lời khẳng định tay nghề vững vàng đầy tài năng của đoạ diễn trong “cuộc chơi” với điện ảnh.

Bức tranh nghệ thuật trong "Đường về nhà" - 9

    "Đường về nhà" là bộ phim đầu tiên của Chương Tử Di đóng năm 1999 khi nữ tài tử Trung Quốc này mới 20 tuổi, do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Phim có tựa đề tiếng Anh là "The Road Home", nguyên tác là "Cha mẹ tôi. 

     Phim trình bày theo lối kể chuyện xen lồng giữa những cảnh hiện tại của một thanh niên do chính anh kể và quá khứ về câu chuyện tình của cha mẹ anh. Hiện tại hình trắng đen. Quá khứ hình màu.

    Nhờ bộ phim khởi đầu này mà Chương Tử Di bắt đầu được thế giới điện ảnh khám phá tài năng và tên tuổi cô bắt đầu sáng chói trên màn bạc Trung Hoa.

   Bộ phim đã giành được 9 giải thưởng trong nước và các đề cử quốc tế, trong đó có những hạng mục danh giá như: Giải Gấu bạc tại LHP Berlin năm 2000, Đạo Diễn Xuất Sắc cho Trương Nghệ Mưu tại Kim Kê năm 2000, Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Chương Tử Di tại Bách Hoa (2000)...

Mời độc giả xem lại phần giới thiệu bộ phim Đường về nhà:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Phạm ([Tên nguồn])
Những bộ phim xưa nổi tiếng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN