Bí ẩn kim tự tháp: Hồi hộp đến phút cuối
Từng chi tiết trong phim khiến người xem vừa hồi hộp, lo sợ vừa tò mò theo dõi.
Được thực hiện bởi một đạo diễn gần như vô danh với một dàn diễn viên không tên tuổi, Bí mật kim tự tháp (Pyramid) ít tạo được sự kỳ vọng ở các khán giả khi ra mắt trên màn ảnh rộng vào những ngày đầu thàng 12.
Tuy nhiên, trái ngược với sự thờ ơ và đánh giá thấp của nhiều người, Bí mật kim tự tháp hóa ra lại là một bộ phim chỉn chu, ấn tượng với những chiêu trò hù dọa rất kinh điển trong dòng phim kinh dị giả tài liệu mà lại vô cùng hiệu quả. Khán giả sẽ bị dẫn dắt đi từ những lỳ kỳ này đến rùng rợn nọ, từ sự hồi hộp này sang những tình huống thót tim khác mà gần như không thể dứt ra được.
Sự tò mò đã kéo cả nhóm khảo cổ vào một hành trình khám phá kinh hoàng.
Hành trình khảo cổ kinh hoàng và bí ẩn
Câu chuyện bắt đầu với một khám phá đầy kinh ngạc trong lịch sử ngành khảo cổ học: hai cha con tiến sĩ holden và Nora vừa phát hiện một khối kim tự tháp khổng lồ nằm sâu dưới nền sa mạc giữa Ai Cập. Điều khiến họ kinh ngạc nhất là kim tự tháp này chỉ có 3 mặt, khác biệt hẳn so với cấu trúc của các kim tự tháp thông thường ở Ai Cập. Chính điều này đã khơi lên nhiều nỗi tò mò từ công chung, bộ đôi nhà khảo cổ lẫn hai nhà làm phim tài liệu Sunni và Fitzie.
Tuy nhiên, khi phát hiện ra được lối vào của kim tự tháp thì một vài sự cố đang khiến dự án khảo cổ bị chính phủ ngăn cấm, không cho hoạt động tiếp và đuổi nhóm khảo cổ ra khỏi Ai Cập. Vì muốn khám phá xem bên trong kim tự tháp có gì, họ đã cho một chú robot ghi hình đi vào kim tự tháp. Sau đó, vì bị tấn công bởi một bóng đen bí ẩn, chú robot bị mất liên lạc. Kỹ sư điện máy của đoàn khảo cổ là Michael Zahir, người yêu của Nora, đã kiên quyết xông vào kim tự tháp để tìm lại robot.
Chính sự quyết liệt của anh đã kéo theo cả nhóm người Holden, Nora, Sunni và Fitzie vào đó. Đây cũng chính là thời điểm khởi đầu cho những chuyện khủng khiếp bắt đầu xảy ra.
Những bức vẽ trên tường bên trong kim tự tháp ẩn chứa nhiều bí ẩn không lời giải.
Xét về cốt truyện cùng cách thực hiện, Bí ẩn kim tự tháp có phần nào gợi nhắc khán giả nhớ đến một bộ phim tương tự vừa ra rạp cách đây không lâu: As Above, So Beloew. Cũng những góc máy hẹp và tối tăm chen chúc trong những khối đá dưới lòng đất, cũng những con người vừa tò mò, vừa đam mê, cũng mỗi nhân vật một cá tính tạo nên một tập thể xộc xệch nhưng hoàn chỉnh, mang đến nhiều cung bậc, sắc thái cảm xúc khác nhau cho khán giả.
Bí ẩn kim tự tháp có đường dây kịch bản khá chắc với lối lần mở từ tốn khá kinh điển, dễ hiểu và dễ cảm nhận. Chính vì vậy mà khán giả không cần phải quá động não mới có thể thưởng thức bộ phim mà chỉ cần một chút chú ý là đủ để bản thân bị cuốn vào câu chuyện. Dĩ nhiên, ở Bí ẩn kim tự tháp cũng có những giây phút hù dọa khiến khán giả thót tim, giật mình, thậm chí phải hét lên một cách đầy kinh ngạc.
Tất cả những chiêu trò đều được đạo diễn Grégory Levasseur tận dụng khá tốt để giữ cho nhịp điệu của bộ phim nằm ở mức dồng dập và ly kỳ nhất định. Cái hay của Grégory Levasseur là ở chỗ gần như không chừa cho khán giả một "kẽ hở" nào để thở hay chùn xuống mà các tình tiết cứ thế được phơi ra một cách chính xác, nhanh gọn và đột ngột.
Cả nhóm đều hoảng sợ khi phát hiện những gì chờ đợi mình phía cuối con đường.
Cũng như nhiều bộ phim mang phong cách giả tài liệu trong thời gian gần đây, Bí ẩn kim tự tháp có góc quay khá đa dạng, rung ở mức vừa phải để khiến khán giả không bị chóng mặt quá mức. tuy nhiên, có lẽ do quá lạm dụng việc thay đổi góc quay và muốn chuyển tải đầy đủ hình ảnh trong bộ phim nên thỉnh thoảng đạo diễn đã… quên ý định ban đầu của mình là chỉ sử dụng góc máy của nhân vật. Nửa sau bộ phim có rất nhiều góc máy rộng và xa mà trong đó không có nhân vật nào giữ camera cả.
Điều này đã phần nào khiến cảm xúc của khán giả bớt đi sự chân thực và khiến trải nghiệm của người xem với kim tự tháp bí ẩn này cũng giảm đi phần nào. Tuy nhiên, hạt sạn này cũng phài soi thật kỹ mới phát hiện và nhìn chung, nó vẫn không phải là một khuyết điểm quá lớn.