Bất ngờ với chàng đạo diễn Việt là bác sỹ thẩm mỹ
Ít ai biết đạo diễn trẻ Trần Nguyễn Bảo Nhân của bộ phim đang thu hút giới trẻ - "Mùa oải hương năm ấy" lại là một bác sĩ của ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ.
Sau khi bộ phim Căn hộ số 69 phải ngừng chiếu vì những luồng ý kiến trái chiều, êkip thực hiện bộ phim này đã âm thầm thực hiện một tác phẩm truyền hình khác là Mùa oải hương năm ấy.
Với nội dung nhẹ nhàng, tình cảm, Mùa oải hương năm ấy đang nhận được nhiều sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, ít người biết, đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân của bộ phim truyền hình này còn rất trẻ và là người chưa từng học qua trường lớp nghệ thuật nào. Và công việc chính hiện nay của Bảo Nhân lại là... bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Phẫu thuật thẩm mỹ cũng là… nghệ thuật
- Cơ duyên gì đã đưa Bảo Nhân đến với nghề đạo diễn?
Thời trung học phổ thông, tôi chỉ biết cắm đầu vào học và học. Đến khi thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Huế, tôi mới bắt đầu chú ý đến nghệ thuật. Tôi không chỉ để ý đến điện ảnh mà quan tâm đến cả âm nhạc, sân khấu…
Tuy nhiên, việc học quá bận rộn đã cuốn tôi đi. Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm bác sĩ của trường Đại học Y khoa Huế. Tôi đã nghĩ sẽ an phận với một công việc này nhưng có lẽ cái duyên nghệ thuật đã tự tìm đến tôi.
Năm 2009, có người ở đoàn làm phim Nhìn ra biển cả của đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát đến nơi tôi làm việc để khám bệnh. Sau khi gặp tôi, họ ngỏ ý mời đi thử vai và vì tò mò, tôi nhận lời.
Sau đó, tôi được chọn vào một vai thứ chính. Tuy nhiên, khi tham gia bộ phim này, tôi quan tâm đến qui trình sản xuất hơn là vai diễn của mình. Trong suốt một tháng đóng phim, tôi được tận mắt khám phá, học hỏi và tích lũy nhiều kinh nghiệm về phim ảnh. Tôi cảm thấy thích thú và luôn ao ước có thể làm được một phim cho riêng mình.
Năm 2012, tôi vào Sài Gòn làm việc tại một bệnh viện thẩm mỹ. Công việc bận rộn lại “lạ nước lạ cái” nên có khi cả tháng trời tôi chẳng biết bên ngoài mưa hay nắng vì suốt ngày ở trong phòng mổ, về đến nhà chỉ muốn lăn ra ngủ.
Làm việc nhiều, tôi bị stress nặng và mất cảm hứng với công việc. Đúng thời điểm đó, tôi gặp một người bạn đang làm phim và họ đã khiến tình yêu nghệ thuật trong tôi bùng dậy. Tôi nhận lời viết kịch bản cho các dự án phim truyền hình.
Năm ngoái, tôi cảm thấy mình có đủ lực, đủ chín chắn, tôi đã cùng một số nghệ sĩ trẻ thực hiện bộ phim hài hước, tình cảm Căn hộ số 69. Tuy nhiên, bộ phim này chỉ là một sự trải nghiệm của tôi và một nhóm bạn dưới dạng underground cho vui.
Phải đến khi thực hiện Mùa oải hương năm ấy, tôi mới bắt đầu có những suy nghĩ nghiêm túc hơn về nghệ thuật. Giờ nhìn lại đoạn đường đã đi qua, tôi có thể khẳng định, đam mê chính là cơ duyên đưa tôi đến với những dự án phim ảnh. Và may mắn là những sản phẩm đó ít nhiều đã tạo được tiếng vang, sự thích thú từ khán giả.
- Bác sĩ thẩm mỹ là một nghề đòi hỏi sự cẩn trọng và tỉ mỉ trong khi nghệ thuật lại cần một tâm hồn bay bổng, Bảo Nhân đã làm như thế nào để không bị nhầm lẫn giữa hai công việc này?
Tôi thấy hai ngành này có sự liên quan đến nhau vì đều làm đẹp cho đời. Thầy tôi từng nói, phẫu thuật thẩm mỹ là một môn nghệ thuật, phải biết thả hồn theo từng đường mổ để tạo ra những đôi mắt đẹp, những cái mũi xinh xắn. Thế nên, làm bác sĩ cũng cần phải có cảm hứng giống như khi làm nghệ thuật.
Có những ca phẫu thuật, tôi cảm thấy rất hài lòng nhưng có những ca tôi không mấy ưng ý. Do vậy, khi mất cảm hứng làm việc với nghề y, tôi sẽ đi du lịch, ở nhà nấu ăn hoặc viết kịch bản…
Tôi cũng luôn xác định ở mỗi vị trí khác nhau mình phải có một cách hoà nhập phù hợp để công việc diễn ra trôi chảy. Khi đi làm phim, tôi không bao giờ đem hình ảnh một bác sĩ nghiêm túc, chỉn chu để trao đổi với nghệ sĩ.
- Có nghĩa là khi ra trường quay, không ai biết Bảo Nhân còn là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ?
Tôi không thích nhắc về nghề của mình khi đi làm phim vì nó cũng chẳng giúp cho bộ phim của tôi hay hơn. Vì thế mới có chuyện, một diễn viên khi đang quay, bị tai nạn, khi sơ cứu cho nạn nhân, mọi người phát hiện tôi là bác sỹ mới ồ lên vì bất ngờ.
Một số người khi biết tôi là bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ thường thể hiện sự ngạc nhiên và tò mò. Thậm chí họ nhờ sửa cái này, độn cái kia hoặc xin giảm giá làm đẹp… Những lúc như vậy, tôi hẹn họ đến bệnh viện để tư vấn vì khi ở phim trường, tôi chỉ muốn hoàn thành thật tốt vai trò đạo diễn của mình.
- Đến thời điểm này, Bảo Nhân có nhớ mình đã làm đẹp cho bao nhiêu người rồi không?
Vừa làm nghệ thuật vừa làm bác sĩ đã giúp tôi có cái nhìn nhanh nhạy về xu hướng thẩm mỹ mà giới trẻ đang thích. Thế nên, những người tìm đến tôi hầu hết đều là những người trẻ tuổi trong đó có rất nhiều người mẫu, ca sĩ, diễn viên, hotboy, hotgirl nổi tiếng… Nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc phải đếm xem đã làm đẹp cho bao nhiêu người. Tuy nhiên, tôi luôn nhớ mình đã làm đẹp cho những ai (cười).
- Nghe nói, nhờ phẫu thuật thẩm mỹ đang là ngành hái ra tiền nên Bảo Nhân từ một người tay ngang mới dám “chơi nghệ thuật” mà không hề sợ lỗ hoặc thất bại?
Phẫu thuật thẩm mỹ đúng là ngành đang hái ra tiền bởi xã hội càng tiến bộ, con người càng quan tâm đến vẻ bề ngoài hơn. Nhưng hiện tại, tôi mới chỉ là một bác sĩ trẻ trong chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Tôi sẽ còn phải học hỏi, trau dồi thêm kiến thức để có được mức thu nhập đáng mơ ước như các bậc đàn anh trong lĩnh vực này.
Thế nên, tôi không quá dư dả tài chính để đổ vào phim ảnh mà không phải lo lắng. Thú thật, sau khi quay xong bộ phim Mùa oải hương năm ấy ở Đà Lạt, về tới Sài Gòn, tôi phải mượn diễn viên Ngọc Thảo 500 nghìn đồng để đi taxi vì trong túi không còn một xu nào.
"Tôi luôn xác định điện ảnh là niềm đam mê, là một cuộc vui của tôi mà thôi"
Làm phim vì đam mê không mưu cầu... hào quang
- Lấn sân nghệ thuật dù chưa qua bất cứ trường lớp đào tạo nào, có phải Bảo Nhân làm phim dựa vào bản năng là chính?
Tôi coi nghệ thuật là sở thích chứ không hề có ý định theo học. Ngay cả bây giờ cũng vậy, nghề bác sĩ thẩm mỹ mới là công việc chính mang lại nguồn thu nhập cho tôi. Dù không qua trường lớp đào tạo về phim ảnh nào nhưng tôi làm phim không dựa vào bản năng. Tôi phải xem nhiều, đọc nhiều và tự tích luỹ thêm kinh nghiệm từ những người đi trước để có kiến thức cơ bản nhất.
- Như trên Bảo Nhân có chia sẻ: “làm phim là để giải trí cho vui”, có nghĩa là với anh, phim ảnh giống như cuộc dạo chơi không có mục đích?
Đúng vậy, tôi luôn xác định điện ảnh là niềm đam mê, là một cuộc vui của tôi mà thôi. Tôi không thể dành hết thời gian cho nó, do vậy, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến những giá trị lớn lao mà nghề này mang lại.
Với tôi, điện ảnh là một thánh đường giải trí tổng hợp của tất cả các loại hình nghệ thuật và tôi là một người ngoại đạo trong thánh đường ấy. Tôi chỉ muốn được thoả mãn đam mê chứ không hề mưu cầu bất cứ hào quang nào từ đó.
- Không đặt ra mục tiêu sẽ dễ khiến anh có tâm lý dễ dãi với những sản phẩm của mình hơn thì sao, ví dụ như “Mùa oải hương năm ấy” vẫn còn rất nhiều sạn về diễn xuất?
Mùa oải hương năm ấy là bộ phim truyền hình chính thức đầu tiên của tôi. Đó là một phim tình cảm nhẹ nhàng, nội dung không có gì phức tạp nên không thể tạo được dư luận như Căn hộ số 69.
Nhưng bù lại, Mùa oải hương năm ấy được đánh giá cao về hình ảnh và cách làm phim khác biệt, tiên phong. Đây là bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam được thực hiện bằng máy quay phim 4K. Tôi nghĩ đó là sự thành công nhỏ ban đầu.
Tôi có theo dõi rating thì hiện bộ phim đang dẫn đầu trên kênh phát sóng chính thức. Trên youtube, sau hai tháng công chiếu cũng đã đạt được hơn 2 triệu view, đây là con số không phải phim nào cũng có được.
Còn về diễn xuất của diễn viên, tôi công nhận họ chưa làm tốt vì đều là nhân tố mới. Họ cần nhiều thời gian để đạt độ chín trong nghề.
- Sau dự án phim “Mùa oải hương năm ấy”, anh đã có kế hoạch gì mới chưa?
Sau hiệu ứng tốt từ Mùa oải hương năm ấy, tôi nhận được ất nhiều lời mời làm phim. Nhưng tôi từ chối vì hiện, tôi chỉ muốn làm phim do mình viết kịch bản.
Tôi đang hoàn thành kịch bản phim sitcom dài 260 tập Ông Nội tuổi ô mai sẽ khởi quay vào cuối tháng này. Bên cạnh đó, tôi đang chuẩn bị cho dự án phim chiếu rạp sẽ ra mắt vào năm sau.
- Cảm ơn đạo diễn Bảo Nhân về cuộc trò chuyện này!