Ấn tượng với dàn NSƯT trong "Bánh đúc có xương"

Ngoài dàn diễn viên trẻ, "Bánh đúc có xương" còn quy tụ một dàn NSƯT rất nổi tiếng và được khán giả vô cùng yêu mến. Chính sự diễn xuất chân thực, có nghề và tận tâm của dàn diễn viên này đã góp phần vô cùng quan trọng khiến khán giả cảm nhận một cách rõ nét và gần gũi những ý nghĩa nhân văn mà bộ phim mang lại

Bánh đúc có xương đang là bộ phim truyền hình rất được khán giả yêu thích bởi câu những câu chuyện giản dị, chân thực nhưng ẩn chứa những bài học sâu sắc trong cách sống, cách yêu và cách giáo dục con cái.

Để làm nên sức hút cho những câu chuyện gia đình tưởng chừng như đã quá quen thuộc trong cuộc sống thường ngày ấy, ngoài cốt chuyện hấp dẫn với những bối cảnh được dàn dựng kỹ lưỡng thì yếu tố khiến khán giả bị cuốn hút chính là sự diễn xuất rất xuất sắc của dàn diễn viên đầy kinh nghiệm.

Đặc biệt, phim có sự xuất hiện của năm nghệ sĩ ưu tú rất được khán giả yêu thích là NSƯT Nguyễn Đức Khuê (Đông Hưng), NSƯT Phan Ngọc Lan (bà Nội), NSƯT Nguyễn Minh Châu (bà Thiện), NSƯT Phạm Đỗ Kỷ (Duy) và NSƯT Lý Thanh Kha (ông Ngọc).

Ấn tượng với dàn NSƯT trong "Bánh đúc có xương" - 1

NSƯT Ngọc Lan vào vai bà Nội - một người thương cháu hết mực nhưng rất khắt khe với con dâu

NSƯT Ngọc Lan vào vai bà Nội – một người phụ nữ lớn tuổi sống với một người con trai cả góa vợ (Duy), một người con trai thứ ế vợ (Đông Hưng) và một cô cháu gái gần 30 mà vẫn chưa chịu lấy chồng (Bảo Khánh).

Có thể nói, nhân vật bà Nội của NSƯT Ngọc Lan là nhân vật đem lại cho khán giả nhiều cảm xúc trái ngược nhất bởi tính cách “khẩu xà tâm phật”. NSƯT Ngọc Lan là cái tên đã quá quen thuộc với khán giả truyền hình qua một loạt bộ phim như Lửa trung tuyến, Kiếp phù du, Quê nhà, Cuội, Giông tố, Nửa chừng xuân, Đời mưa gió, Mùa lá rụng trong vườn , Giọt nắng cuối hoàng hôn, Gió qua miền tối sáng, Phá vỡ im lặng,....

Tham gia Bánh đúc có xương, NSƯT Ngọc Lan chia sẻ: “Khi vào vai tôi thấy rất căng vì tôi muốn có một người phụ nữ quán xuyến gia đình, cũng ghê gớm, cũng hơi ác nhưng vẫn phải có một tình thương bao dung”. Và NSƯT Ngọc Lan đã rất thành công khi tạo dựng một nhân vật mà đôi khi khán giả thấy ức chế và tức giận với hình ảnh một bà mẹ chồng quá cay nghiệt đối với con dâu, nhưng đôi khi lại cảm động trước tình yêu thương vô bờ bến của bà với con cháu.

Cũng vào vai một người thương cháu nội hết mực như NSƯT Ngọc Lan nhưng hình tượng nhân vật ông Ngọc của NSƯT Thanh Kha lại có một tình thương quá mức, bất chấp đúng sai. Chính điều này cũng đã vô tình khiến cháu nội ông Ngọc trở thành một đứa trẻ ích kỷ, ương bướng và không hiểu đạo lý. Đối với con dâu, ông Ngọc là một người bố chồng vô cùng khắt khe, nhiều khi còn soi mói và chì chiết con dâu hơn cả một bà mẹ chồng.

Ấn tượng với dàn NSƯT trong "Bánh đúc có xương" - 2

NSƯT Minh Châu vào vai một người phụ nữ nhiều chuyện và yêu tiền

Cũng đã lớn tuổi nhưng nhân vật bà Thiện do NSƯT Minh Châu thủ vai lại là một khía cạnh hoàn toàn khác so với nhân vật của NSƯT Ngọc Lan và NSƯT Thanh Kha. Nổi tiếng với lối diễn hài hước, sắc sảo, NSƯT Minh Châu đã đem đến cho khán giả rất nhiều tiếng cười và những phút giây thư giãn.

Gần như là đối lập với sự đạo mạo, coi trọng đạo lý truyền thống của bà Nội và ông Ngọc, bà Thiện luôn tìm mọi cách để có thể kiếm tiền. Bà làm đủ mọi cách để lừa tiền thiên hạ như lập công ty môi giới osin, quảng cáo bán thuốc đông tây y,.... nhưng việc nào cũng thất bại vì làm ăn gian dối.

Nổi tiếng là người nhiều chuyện và hay lừa đảo trong khu phố, bà Thiện không được mọi người tin tưởng và tôn trọng. Thế nhưng, bà Thiện lại là người luôn phản đối những âm mưu phá hoại hạnh phúc của con rể cũ của con gái và cháu gái mình. Bà cũng là người biết áy náy và xin lỗi khi con cháu mình làm sai chứ không hoàn toàn cố chấp trước lỗi lầm. Bà cũng là người duy nhất trong gia đình vun vén cho con gái mình và Đông Hưng vì bà hiểu Chi – con gái bà không bao giờ có thể quay về với chồng cũ.

Cũng là một nhân vật gây cười nhưng hình tượng nhân vật Đông Hưng do NSƯT Đức Khuê thủ vai lại được khán giả rất yêu mến ở sự thật thà, dễ thương và chân tình. NSƯT Đức Khuê vào vai Đông Hưng - một thầy giáo thể dục tính cách hơi “hâm dở”, đã bốn mươi tuổi mà vẫn chưa chịu lấy vợ, được cô hàng xóm Ánh Tuyết trẻ đẹp theo đuổi nhiệt tình nhưng lại luôn tìm cách tránh né.

Thế rồi anh lại trúng tiếng sét ái tình với Chi - cô hàng xóm đã ly dị chồng và tìm mọi cách theo đuổi mặc cho cô từ chối phũ phàng. Trong một lần say rượu, cả hai đã đi quá giới hạn và có con với nhau. Đông Hưng lại phải tìm đủ mọi cách để thuyết phục bà Nội cho cưới vợ.

Ấn tượng với dàn NSƯT trong "Bánh đúc có xương" - 3

NSƯT Đỗ Kỷ và NSƯT Đức Khuê (kính đen) vào vai hai anh em ruột trong phim

Không quá ấn tượng như những nhân vật còn lại, nhưng vai Duy của NSƯT Đỗ Kỷ lại khiến khán giả yêu mến ở sự hiền lành, chất phác và mộc mạc. Là con trai cả trong gia đình, ông Duy luôn hết mực hiếu thuận với mẹ. Là một người cha, thương con gái thiếu tình thương của mẹ từ khi lọt lòng, ông Duy bỏ qua hạnh phúc riêng để hết mực yêu thương và nuôi dạy con gái. Tìm được hạnh phúc muộn màng với bà Hà, nhưng ông Duy lại luôn phải đối mặt với sự phản đối của mẹ và con gái.

Không có quá nhiều những cảnh diễn nội tâm phức tạp hay những tình tiết cao trào như những nhân vật khác, NSƯT Đỗ Kỷ thuyết phục khán giả ở hình ảnh một người đàn ông trầm tính, kiên định, hiền lành nhưng quyết đoán. Nếu nói rằng những nhân vật khác cuốn khán giả theo những tình tiết cao trào, hồi hộp hay hài hước thì vai diễn của NSƯT Đỗ Kỷ đem lại cho khán giả cảm giác an tâm, yên bình của một trụ cột vững chắc trong gia đình.

Có thể nói, nếu những diễn viên trẻ đem đến cho Bánh đúc có xương một làn gió mới tươi trẻ và mang màu sắc hiện đại thì dàn diễn viên ưu tú trong phim đã đem lại cho khán giả sự gần gũi, chân thực và giàu cảm xúc. Để từ đó, khán giả có thể cảm nhận được Bánh đúc có xương như một câu chuyện có thực đang xảy ra ngoài cuộc sống quanh ta chứ không đơn thuần là một câu chuyện trên phim ảnh. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Giang ([Tên nguồn])
Phim Việt giờ vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN