453 triệu một tập phim chiến tranh Việt
Với 453 triệu đồng cho một tập phim, đây là bộ phim về đề tài chiến tranh có kinh phí khủng nhất từ trước tới nay của TFS.
Tổng kinh phí hơn 11,3 tỷ đồng, trung bình mỗi tập phim được đầu tư 453 triệu đồng, chỉ riêng kinh phí cho việc đào hầm, hào để quay phim đã là 280 triệu đồng, thuốc nổ được sử dụng là 300kg, 2.000 kíp mìn, 4.000 viên đạn AK, 200 viên đạn vạch đường và rất nhiều đạn cao xạ, đạn súng cối, đạn pháo 105… đó là những con số cho thấy mức độ hoành tráng của bộ phim. Nhưng không chỉ dừng ở độ hoành tráng, phim còn khắc họa một cách chân thật và rung động số phận của người dân trong cuộc chiến qua những chi tiết vô cùng đắc giá.
Tái hiện lại cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta mùa xuân năm 1968 ở Huế, Huế mùa mai đỏ do NSƯT Trần Vịnh đạo diễn đã mượn chiến tranh để nói về lòng dân và số phận của con người trong cuộc chiến đẫm máu và nước mắt. .
Một cuộc chiến ác liệt Tết Mậu Thân được tái hiện chân thật và rung động
Với Huế Mùa Mai Đỏ ta có một chân dung nhân vật anh hùng thời đại được hiển lộ trên rất nhiều bình diện của cuộc sống trong chiến tranh, qua đó chiêm nghiệm được không chỉ những ác liệt của chiến trường mà cả những chấn động dữ dội âm thầm giằng xé số phận của dân tộc. Cũng với Huế Mùa Mai Đỏ, ta có một mảng lịch sử chiến đấu hào hùng của quân dân mặt trận Huế Mậu Thân 1968 và những suy ngẫm nhiều mặt của Đạo lý chiến trường.
Ngay từ đầu, trận chiến có tính chất quyết định nhằm giải phóng Huế không thuận lợi như dự kiến, dù những người lính vô cùng gan góc, dũng cảm, mưu trí. Khán giả không thể quên cái chết đầy chất bi hùng của Đại úy Song, chính trị viên Tiểu đoàn, người không tán thành chủ trương trụ lâu ở Huế trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.
Bởi lẽ, tương quan lực lượng giữa ta và địch là một cách quá lớn. Trụ lại không phải không có tác dụng, nhưng giữa cái được và cái mất, thực tế chứng tỏ mất nhiều hơn. Những ý kiến đầy tâm huyết của anh khi ấy chưa được chấp nhận. Một vài người cho Song là kẻ hèn nhát, tham sống sợ chết. Để tỏ rõ phẩm chất chiến sĩ trung kiên của mình, anh đã tình nguyện dẫn đầu tiểu đoàn xung trận và đã anh dũng hy sinh trong niềm tiếc thương khôn nguôi của đồng đội.
Đã có hơn 700 tập phim về chiến tranh nhưng Huế mùa mai đỏ là bộ phim mà Đạo diễn Trần Vinh thấy "đã" nhất
Dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng nhân dân Huế đã được tắm mình trong không khí hào sảng của những người dân giải phóng. Đó cũng là những ngày cầm cự trong thế giằng co quyết liệt giữa ta và địch, là những ngày người dân Huế náo nức chuẩn bị cho cuộc sống mới của đời tự do. Họ là lực lượng nổi dậy ở địa phương phối hợp với bộ đội góp công rất lớn giải phóng Huế, vì thế, không chỉ bộ đội ta hy sinh, mà máu của bao người dân cũng đã đổ.
Không chỉ có sự sum vầy sau bao năm xa cách mà còn là đau xót, giằng xé nội tâm khi phải đối mặt với bản thân và gia đình mình mà điển hình là gia đình Trung đoàn trưởng Tư Thiên (Xuân Trường). Có ai ngờ Tư Thiên, một trung đoàn trưởng gan dạ, dũng cảm, nổi tiếng, lại có Chiến – cậu con trai chuẩn bị tốt nghiệp trường sĩ quan Đà Lạt; Mai (Mai Hải Anh)– cô gái hết lòng ngưỡng mộ Ba Tư Thiên, là y tá của cơ quan tham mưu lại từng có chồng là lính Nguỵ. Đến cả bà Đào (Ngọc Thiện), vợ Tư Thiên, cũng đã từng phải đối phó với thời thế cay nghiệt, mà về ở với người khác để tránh sự đàn áp gia đình Việt cộng…
Những tâm lý giằng xé, đan xen trong tình yêu, tình vợ chồng là một điểm nhấn đem lại sức đọng cho phim
Những tâm lý giằng xé, đan xen trong tình yêu, tình vợ chồng, tình cha con cùng với cuộc đấu tranh giữa sống - chết của người lính tương xứng với tầm vóc lớn lao của cuộc chiến làm nên sức hút của bộ phim. Có thể nói, Huế mùa mai đỏ không chỉ là bài ca về sự hy sinh dũng cảm của người lính và khát vọng độc lập tự do của Tổ quốc, mà còn làm người xem cảm nhận sâu sắc sự hy sinh của từng người dân, từng gia đình Huế nói riêng và người dân Việt nói chung trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua.
Huế mùa mai đỏ được phát sóng từ ngày 31/12/2013, trên kênh HTV9, lúc 17h30 các ngày từ thứ Hai đến thứ Năm; từ ngày 12/1/2014 phát sóng liên tục các ngày trong tuần.