4 bộ phim Hoa Ngữ gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ

Những bộ phim truyền hình đến từ đất nước tỷ dân từ lâu đã trở thành một trong những món ăn tinh thần quen thuộc của người Việt. 

Những bộ phim truyền hình đến từ đất nước tỷ dân từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả Việt. Với chủ đề thân thuộc nhưng mang nhiều nét mới lạ, các tác phẩm này đã khuấy động đời sống của giới trẻ, khiến nhiều người trong chúng ta phải bồi hồi khi nhớ lại.

Tây Du Ký

Phiên bản “Tây Du Ký” sản xuất năm 1986 của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc được phát sóng tại Việt Nam những năm đầu thập niên 90 không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn cũng phải "mất ăn mất ngủ". Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân đã trở thành một di sản văn hóa của phương Đông.

4 bộ phim Hoa Ngữ gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ - 1

Hành trình thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng đã trở thành kinh điển trong ký ức khán giả Việt.

Câu chuyện về bốn thầy trò Đường Tăng đi Thiên Trúc thỉnh kinh đã ghi đậm dấu ấn và trở thành một phần trong tuổi thơ của biết bao thế hệ khán giả Việt Nam. Hình ảnh Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông quảng đại - nỗi sợ hãi của bao loài yêu quái - đã trở thành ký ức kinh điển với hàng triệu người.

Tính từ lần đầu tiên phát sóng đến nay đã gần 30 năm, nhưng hầu như mùa hè năm nào tại Việt Nam cũng có ít nhất 2 kênh truyền hình cho chiếu lại “Tây Du Ký” để đáp ứng sự mong mỏi của khán giả. 

Nhạc phim Tây Du Ký 1986.

“Món ăn tinh thần” đến từ xứ Trung dường như chưa bao giờ mất đi sự hấp dẫn mãnh liệt đối với trẻ em mặc dù giờ đây câu chuyện về thầy trò Đường Tăng đã được sản xuất lại với rất nhiều phiên bản mới có kỹ xảo hoành tráng hơn nhưng vẫn không thể thay thế những gì phiên bản 1986 đã làm được.

Bao Thanh Thiên

Nếu “Tây Du Ký” được mặc định dành cho trẻ em thì “Bao Thanh Thiên” lại hướng tới nhóm khán giả lớn hơn một chút, lứa tuổi bắt đầu tò mò với những vụ án ly kỳ hay đam mê với những màn thi triển võ công tài tình.   

4 bộ phim Hoa Ngữ gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ - 2

"Bao Thanh Thiên" cuốn hút người xem bởi những vụ án ly kỳ.

Bao Chửng vốn là một nhân vật lịch sử có thật trong đời Tống, được các nhà làm phim Đài Loan đưa lên màn ảnh nhỏ từ năm 1993 với diễn xuất của Kim Siêu Quần. 41 vụ án với nhiều câu chuyện từ bí ẩn, ly kỳ (Huyết vân phan, Ly miêu hoán chúa, Người cá) cho tới bi tráng, xúc động (Vương Tôn kẻ ăn mày, Mộng uyên ương hồ điệp, Anh em sinh đôi) một thời đã níu chân bao khán giả Việt Nam ngồi trước tivi ở nhà mỗi buổi tối.

Nhạc phim "Bao Thanh Thiên" 1993.

Tài trí cùng sự liêm khiết của vị quan “thiết diện vô tư” trong mỗi vụ án đã tạo nên sức hấp dẫn cho Bao Thanh Thiên. Ngoài Bao Chửng, những nhân vật thân thiết bên cạnh như Triển Chiêu, Công Tôn Sách, bộ tứ Vương Triều – Mã Hán – Trương Long – Triệu Hổ cũng rất được yêu thích. Hình ảnh một Triển Chiêu tài trí song toàn, võ công cái thế từng được ví làm “nam thần” của rất nhiều khán giả nữ thời đó.

Bài hát chủ đề của phim, Mộng uyên ương hồ điệp, cũng là một giai điệu âm nhạc kinh điển trên sóng truyền hình Việt Nam những năm 1990.

Hoàn Châu Cách Cách

Những năm cuối thập niên 1990, truyền hình Việt Nam tiếp tục đón nhận một cơn sốt mạnh mẽ đến từ Đài Loan có tên “Hoàn Châu Cách Cách”. Bộ phim truyền hình này được coi là đời đầu của những phim cổ trang thần tượng sau này. Phim do nữ văn sĩ Quỳnh Dao viết kịch bản dựa vào một truyền thuyết kể lại năm xưa khi vua Càn Long đi vi hành đã nhận một cô gái dân gian làm con nuôi. 

4 bộ phim Hoa Ngữ gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ - 3

"Hoàn Châu Cách Cách" được coi là đời đầu của những phim cổ trang thần tượng sau này.

Ngay khi phần một vừa lên sóng, hàng triệu khán giả Việt Nam đã bị chinh phục bởi một Tiểu Yến Tử hào hiệp, dễ thương, một Tử Vi dịu dàng, nhân hậu – hai nàng công chúa trong Hoàn Châu Cách Cách.

Hồi đó, đi đâu hay làm gì người ta cũng  bắt gặp đâu đó hình ảnh các nhân vật trong phim. Tình trạng nhà nhà xem phim, người người xem phim khiến “làn sóng” Hoàn Châu Cách Cách thực sự trở nên mãnh mẽ hơn bao giờ hết, càn quét đời sống tinh thần giới trẻ Việt Nam khi đó.

Nhạc phim "Hoàn Châu Cách Cách" do Triệu Vy thể hiện.

Nhờ Hoàn Châu, các diễn viên mới lúc bấy giờ là Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng hay Phạm Băng Băng nghiễm nhiên trở thành những thần tượng có lượng fan đông đảo trên khắp châu Á. Hoàn Châu Cách Cách nói chung và Tiểu Yến Tử của Triệu Vy nói riêng đã trở thành một biểu tượng truyền hình đáng nhớ tại Việt Nam giai đoạn cuối những năm 1990.

Vườn Sao Băng

“Vườn sao băng” sản xuất năm 2001 được coi là một trong những bộ phim đầu tiên chuyển thể từ tác phẩm truyện tranh đình đám “Con nhà giàu” cũng đã tạo nên một làn sóng không nhỏ trong giới trẻ Việt.

Câu chuyện tình yêu học đường của cô nàng cỏ San Thái (Từ Hy Viên) và những chàng công tử F4 một thời đã đánh trúng vào tâm lý của những cô gái trẻ luôn mơ mộng về một hoàng tử trong truyện tranh. Những cái tên như Đạo Minh Tự (Ngôn Thừa Húc), Hoa Trạch Loại (Châu Du Dân), Mỹ Tác (Ngô Kiến Hào), Tây Môn (Chu Hiếu Thiên) trở thành đề tài bàn tán ở mọi lúc, mọi nơi của giới trẻ Việt khi đó.

4 bộ phim Hoa Ngữ gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ - 4

Sau “Vườn sao băng”, Từ Hy Viên trở thành ngôi sao thần tượng thế hệ đầu tiên của Đài Loan.

Sau “Vườn sao băng”, Từ Hy Viên trở thành ngôi sao thần tượng thế hệ đầu tiên của Đài Loan. Sau khi bộ phim kết thúc, cô vướng vào nghi án tình ái với Châu Du Dân và một loạt các scandal tình yêu khác khiến tên tuổi của nữ minh tinh này có phần giảm sút.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN