10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin

Sự kiện: Phim lẻ bộ

Cùng điểm lại 10 "anh tài" từng đoạt giải tại LHP Quốc tế Berlin trong các năm qua, trước khi đón chào chủ nhân Gấu vàng của năm 2014.

LHP Quốc tế Berlin vốn được coi là lãnh địa "bất khả xâm phạm" cho các bộ phim có đề tài gai góc, gây chú ý và cực kỳ tai tiếng về chính trị, chủng tộc, giới tính... Chủ trương của LHP này luôn giữ thái độ "băng giá" mỗi khi có những cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng phản đối cho những phim gây tranh cãi đạt giải Gấu vàng, Gấu bạc hay các giải thưởng khác từ LHP trao tặng.

Điều này cũng chính là yếu tố khiến LHP Berlin trở thành nơi đáng tin cậy và thu hút những bộ phim quý giá nhưng cũng đầy gai góc của thế giới về tụ hội. Cùng điểm lại 20 bộ phim được trao giải qua 20 mùa LHP Berlin những năm qua, để thấy được độ "lạnh băng" độc đáo của LHP này.

1. A Separation/Cuộc chia ly (2011), chủ nhân nặng ký của cúp Gấu vàng tại LHP Berlin lần thứ 61. Phim không những đoạt giải Phim xuất sắc của LHP lần này, mà còn được vinh danh ở các hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc (Peyman Moaadi) và Nữ diễn viên chính xuất sắc (Leila Hatami), đồng thời giúp điện ảnh Iran nở mày nở mặt với thế giới. Phim từng được coi là “hiện tượng” của điện ảnh thế giới năm 2011.

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 1

Trailer chính thức phim A Separation.

Chủ đề phim nói về cuộc sống của một đôi vợ chồng khi họ phải đứng giữa hai lựa chọn khó khăn. Trong khi người vợ Simin (Leila Hatami) muốn ra nước ngoài để cải thiện đời sống cho con gái, người chồng Nader lại muốn bám trụ quê hương để tiện việc chăm sóc ông bố mắc bệnh alzheimer. Khi không thể đi đến một thỏa thuận chung, hai người rơi vào trạng thái căng thẳng cùng cực.

2. Khổng tước/Peacock (2005), một tác phẩm đầu tay trong nghiệp làm đạo diễn của Cố Trường Vệ. Với Khổng tước, bộ phim đã mang về giải Gấu bạc Jury Grand Prix tại LHP Berlin lần thứ 55. Bối cảnh phim đưa người xem trở lại Trung Quốc đại lục thập niên cuối những năm 70, đầu những năm 80.

Nội dung xoay quanh ba câu chuyện về ba người con của một cặp vợ chồng trung niên. Với người con trai đầu (Phùng Ngọc) bị bệnh béo phí và gặp sức ép về tinh thần, cậu như kẻ ngoài lề xã hội khi liên tục bị người khác trêu chọc. Người con thứ hai là cô con gái mạnh mẽ và tự lập (Trương Tịnh Sơ), cô không ngại bất cứ điều gì để theo đuổi giấc mơ của chính mình cũng như để tồn tại.

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 2

Trương Tịnh Sơ trong Khổng tước.

Cậu con út (Lã Ngọc Lai) lại là người hướng nội, một cậu bé ít nói và luôn cảm thấy xấu hổ về người anh trai của mình, cậu luôn cố gắng được thoát gia khỏi nỗi khổ đau của gia đình. Peacock cho phép khán giả có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của những người dân thường Trung Quốc sau cuộc Cách mạng Văn hóa.

3. Three colors: White/Trois couleurs: Blanc (1994), từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc cho đạo diễn người Ba Lan Krzysztof Kieślowski tại LHP Berlin lần thứ 44. Phim là một trong những kiệt tác điện ảnh tiêu biểu của vị đạo diễn lừng danh người Ba Lan, đồng thời là phần hai trong tam bộ khúc The Three Colors Trilogy gồm Blue, White Red.

Phần 2 - White nói về xã hội Pháp đương đại, với nhân vật Karol (Zbigniew Zamachowski) kết hôn với Domininque Vidal (Julie Delpy) và chuyển đến Paris sinh sống. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ không kéo dài được lâu.

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 3

Hình ảnh trong phim Three colors: White.

Sau khi li dị, Karol buộc phải rời khỏi nhà và sống vật vờ ở ga tàu điện. Anh đã trở về Ba Lan nhưng tỏng lòng không thể quên được Dominique. Bắt tay vào xây dựng một cuộc sống mới, Karol đồng thời bắt đầu ấp ủ một kế hoạch...

4. Samaritan Girl/Tuổi thơ lạc lối (2004), một tác phẩm kinh điển của đạo diễn lừng danh người Hàn Quốc Kim Ki-duk, giúp mang lại cho ông giải Gấu bạc hạng mục Đạo diễn xuất sắc tại LHP Berlin lần thứ 54. Phim thực sự là một bi kịch với câu chuyện đau lòng về hai cô bé tuổi teen là Jea-yeoung (Han Yeo-reum) và Yeo-jin (Kwak Ji-min), chỉ vì muốn kiếm tiền đi du lịch Châu Âu mà sẵn sàng làm gái điếm.

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 4

Hai nữ nhân vật chính trong Samaritan Girl.

,\

Trailer đầy ám ảnh trong Samaritan Girl

Sau cái chết thương tâm của Jea-yeoung, Yeo-jin quyết định ngủ lại với tất cả những người đàn ông là khách hàng của bạn mình trước đây và trả họ đúng số tiền họ đã trả cho Jea-yeoung . Biết được việc làm của con gái, bố Yeo-jin là ông Yeong-ki (Lee Eol) rất đau đớn. Ông đã tìm mọi cách để ngăn cản và trả thù những gã đàn ông ngủ với con gái mình, kể cả bằng những biện pháp tàn khốc và đẫm máu…

5. Dorm/Dek hor - Hồn ma ký túc xá (2006), một bộ phim kinh dị của đạo diễn người Thái Songyos Sugmakanan, đã xuất sắc giành giải Gấu pha lê cho Phim xuất sắc tại hạng  mục Generation Kplus trong khuôn khổ LHP Berlin lần thứ 57.

Phim có sự góp mặt của sao nam nhí Charlie Trairat vốn được ê-kíp đoàn phim nhận định sẽ không có hy vọng đoạt giải ngay cả ở trong nước, thậm chí còn bị đánh giá là na ná bộ phim Giác quan thứ sáu/The Sixth Sense (1999) và được coi là "Giác quan thứ sáu phiên bản Thái Lan".

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 5

Sao nhí Charlie Trairat trong Dorm.

Nội dung phim kể về câu chuyện một ký túc xá bị ma ám khi Charn, Fon, Kaew, Jo và Lin bị con ma 'Bue' dọa cho phát khiếp. Họ quyết định tìm cho ra toàn bộ sự thật về ký túc xá bị ma ám. Tại sao cái chết của Bue lại có liên quan tới Jo. Ai mà ác tâm đến như vậy? Và làm sao truyền thuyết bị ma ám này có thể kết thúc.

6. Isabella/Con gái người tình (2006), bộ phim của đạo diễn Hồng Kông Bàng Hạo Tường (Pang Ho-Cheung), lấy bối cảnh thời khắc Ma Cao trả lại cho Trung Quốc đại lục từ người Bồ Đào Nha (1999), miêu tả chân thật về những cảnh sát bẩn ở Ma Cao trong thời khắc trước khi được trả về đại lục.

Anh cảnh sát bẩn Mã Chấn Thành (Đỗ Văn Trạch), vốn là người sống phóng túng và tùy tiện, đã vướng vào một vụ án và bị khởi tố. Trong lúc hoạn nạn này, đột nhiên anh gặp một cô gái trẻ - Trương Bích Hân (Lương Lạc Thi), tự xưng là con đẻ của anh với mối tình đầu.

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 6

Nhân vật của Đỗ Văn Trạch và Lương Lạc Thi trong Isabella.

Trương Bích Hân cũng bắt đầu chen vào cuộc sống của Mã Chấn Thành từ đây. Đạo diễn Bàng đã đích thân mời nhà soạn nhạc nổi tiếng Kim Bồi Đạt soạn phần nhạc cho phim, đồng thời giúp mang lại giải Gấu bạc cho hạng phục Nhạc phim xuất sắc tại LHP Berlin lần thứ 56.

7. Au Revoir Taipei (2010), một bộ phim hài kịch tình cảm của đạo diễn Trần Tuấn Sâm (Arvin Chen). Trước khi góp mặt trong bộ phim thần tượng Tiểu thời đại của biên kịch trẻ Quách Kính Minh, nữ diễn viên trẻ Quách Thể Khiết (Amber Kuo) đã được coi là một gương mặt diễn viên đầy triển vọng của điện ảnh xứ Đài.

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 7

Hai nhân vật chính trong Au Revoir Taipei.

Cô góp mặt trong bộ phim Au Revoir Taipei và trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết khi cùng nam diễn viên chính trong phim Triệu Diệu Huy (Jack Yao) làm nên mối tình ảo diệu, mơ hồ. Phim đã xuất sắc mang về giải Jury Award hạng mục Phim châu Á xuất sắc/Network for the Promotion of Asian Cinema (NETPAC) tại LHP Berlin lần thứ 60.

8. Getting Home/Lá rụng về cội (2007), một bộ phim hài kịch của đạo diễn Trương Dương, quy tụ loạt tên tuổi diễn viên hài lừng lẫy của điện ảnh Trung Quốc đại lục như Triệu Bản Sơn, Quách Đức Cương, Ngưu Mã, Quách Đào... Nội dung phim kể về hai người công nhân già tuổi ngoài 50 là ông Triệu (Triệu Bản Sơn) và ông Lưu (Hồng Khải Văn).

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 8

 

Trailer chính thức của Getting Home.

Trong phần đầu phim, Lưu, Triệu cùng ngồi uống rượu thâu đêm với nhau, để rồi ông Lưu say rượu và qua đời. Ông Triệu quyết định thực hiện lời hứa là đưa ông Lưu trở lại quê nhà. Trên vai cõng xác của bạn, ông Triệu đã đi bộ vượt dặm đường xa từ Thâm Quyến tới Trùng Khánh. Trong hành trình này, ông Triệu đã gặp đủ những thân phận người khác nhau. Phim lần đầu ra mắt khán giả phương Tây tại LHP  Berlin lần thứ 57, đồng thời nhận giải Prize of the Ecumenical Jury tại sự kiện  này.

9. After Midnight/Dopo Mezzanotte (2004), một bộ phim tình cảm hài kịch lãng mạn của Ý, lấy bối cảnh tại thành phố Turin, nói về câu chuyện tình đẹp như cổ tích của cặp đôi nhân vật chính là anh chàng trông coi bảo tàng Martin (Giorgio Pasotti) và cô nàng nhân viên cửa hàng đồ ăn nhanh Amanda (Francesca Inaudi).

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 9

Chuyện tình đẹp của cặp đôi nhân vật chính trong After Midnight.

Cuộc sống của cặp đôi giao thoa và đan xen vào nhau, cùng tỏa sáng qua những khuôn hình hết sức lãng mạn của After Midnight. Phim giúp mang về cho đạo diễn Davide Ferrario hai giải thưởng quan trọng tại LHP Berlin lần thứ 53 là giải Galigari Prize và giải Don Quixote Award.

10. I'm a Cyborg, But That's OK/Người điên yêu (2006), một bộ phim tình cảm hài của Hàn Quốc do đạo diễn Park Chan-wook dàn dựng. Chuyện kể về hai bệnh nhân trong cùng một bệnh viện tâm thần.

Trước khi vào viện, Cha Young Goon (Im Soo-jung) là một công nhân lắp ráp bình thường nhưng cô luôn tin rằng mình là một người máy. Young Goon nghe theo một lời chỉ dẫn tưởng tượng, tự nối cổ tay mình với một đầu dây điện, đầu còn lại cắm vào ổ điện. Kết quả là cô nằm thẳng đơ trên băng ca và được đưa vào bệnh viện tâm thần.

10 phim 'gai góc' từng đoạt giải LHP Berlin - 10

Bi Rain và Im Soo-jung trong Khi người điên yêu.

Trong bệnh viện cô chẳng thiết ăn uống gì, bởi cô tin chỉ cần được nạp điện là đủ. Chứng kiến cảnh cô bạn đáng yêu ngày càng gầy yếu, Park Il Soon (Bi Rain), một bệnh nhân luôn tin rằng mình có thể ăn trộm bất cứ thứ gì của người khác. Anh quyết định đánh cắp thứ gì đó để mang đến cho Young Goon...

Với một góc nhìn mới, I’m A Cyborg, But That’s OK của đạo diễn nổi tiếng Park Chan-Wook được đánh giá là một bộ phim đầy tình người và có tính nhân văn sâu sắc, đồng thời đoạt giải Alfred Bauer Award tại LHP Quốc tế Berlin lần thứ 57.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Phim lẻ bộ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN