Video: Khóc cùng chị Dậu
Chị Dậu chấp nhận hy sinh bản thân mình và hứng chịu những đau đớn tột cùng chỉ vì nghèo.
Chị Dậu – nhân vật chính trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố đã trở thành một trong những nhân vật kinh điển của văn học Việt Nam. Từ cuốn tiểu thuyết ra đời trước cách mạng tháng 8/1945 sức ảnh hưởng của nhân vật chị Dậu vẫn còn vẹn nguyên cho đến ngày nay.
Chị Dậu đã trở thành thước phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20
Cho đến giờ, cụm từ chị Dậu không chỉ đơn thuần là tên của một nhân vật mà nó còn là một biểu tượng của văn học. Nhắc đến cái tên này ai ai cũng liên tưởng đến số phận của những con người bị đẩy vào thế cùng cực của nghèo đói, túng quẫn.
Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, bộ phim Chị Dậu được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam trong thế kỷ 20. Phim ra đời năm 1980 bởi đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa. Một chi tiết rất đáng chú ý đó là dù đã hoàn thành mọi công tác cho bộ phim nhưng phải mất 5-6 năm đạo diễn Phạm Văn Khoa mới tìm được diễn viên ưng ý cho mình.
Nhân vật chính trong phim được giao cho diễn viên Lê Vân. Và không làm khán giả thất vọng, chị Dậu đi vào lòng người chính bởi diễn xuất trên cả tuyệt vời của cô.
Nếu ai đã từng đọc chị Dậu có lẽ đã thuộc lòng kịch bản của bộ phim. Thế nhưng phân đoạn gây nhiều cảm xúc và lấy đi của khán giả nhiều nước mắt nhất đó là khi chị Dậu bán con gái lớn – cái Tý để có tiền nộp siêu cho chồng.
Hình tượng chị Dậu - một người phụ nữ hết lòng thương chồng yêu con
Ở phân cảnh đầu tiên chị Dậu bán chó, bán con để chuộc chồng về sự xúc động bắt đầu từ những câu nói đầu tiên khi chị nhắc với đứa con gái lớn: "Con chỉ còn được ăn ở nhà một bữa này thôi". Câu nói như cứa vào lòng người mẹ trẻ và đứa con gái mới chỉ 7 tuổi. Và ngay lập tức cả hai mẹ con òa khóc. Cái Tý, dù bé nhưng nó cũng thừa biết việc đi ở cho nhà cụ Nghị bên thôn Đoài chẳng khác nào một cực hình. Nó gào khóc với đứa em vì bị mẹ gả bán. “Con van bu, con lạy bu, bu đừng bán con” như lưỡi dao cắt vào lòng người mẹ.
Cái hay của phân đoạn này đó là khi tạo nút thắt – mở đầy gay cấn từ buồn chuyển sang vui và rồi đi đến thất vọng và đau khổ cùng cực. Khi thấy mẹ đến bắt đàn chó con, cái Tý đã tưởng mình sẽ được ở nhà với hai đứa em nhưng sau đó, nó mới biết rằng cả đàn chó và nó đều bị đem đi bán.
Chị Dậu đắng lòng nhìn con gái bị đem đi bán
Không đắng lòng sao được khi chị Dậu đầu đội chiếc mủng có đàn chó con, tay dắt đứa con gái đội chiếc nón le te băng cánh đồng để đến nhà cụ Nghị. Và trong quãng đường ngắn ngủi đó đạo diễn đã khắc họa được cảnh nghèo đói túng bấn của cả xã hội khi mà cả cụ đồ làng còn phải mang đồ thờ đi bán để nộp siêu thuế.
Xót xa nhất là khi chị Dậu và con gái đến nhà cụ Nghị. Không chỉ bị chửi té tát với những câu nói thậm tệ mà đắng lòng nhất là khi chị nhìn con gái của mình phải nhặt những hạt cơm thừa của chó. Phiên kì kèo diễn ra trong chốc lát vì một người nông dân không biết chữ, thấp cổ bé họng như chị Dậu làm gì có quyền để ra giá.
Phân cảnh chị Dậu mang con và đàn chó đi bán
Trong xã hội đó, tính mạng của những con chó còn giá trị hơn cả con người vì đơn giản nó bán được giá hơn. Tiếng gào khóc của cái Tý khi mẹ nó ra về cũng là sự báo hiệu cho những tháng ngày sống như địa ngục trong gia đình cụ Nghị giàu sang.