Trò đời: Không là cái bóng của Số đỏ

Hai bộ phim có thể khai thác cùng một câu chuyện nhưng trong Trò đời, truyện Số đỏ không phải là mạch chính mà gần như chỉ là mảnh ghép của một câu chuyện khác. Vì thế, chỉ có thể nói rằng Trò đời đã mở rộng hơn, khai thác nhiều tầng lớp nhân vật hơn và mới lạ hơn chứ khó lòng có thể đem ra so sánh để nói rằng Trò đời toàn vẹn hơn phim Số đỏ như nhận xét trước đó của đạo diễn Nhuệ Giang.

Không thể phủ nhận, Trò đời là một bộ phim khá thành công và tạo được dấu ấn tốt trong lòng khán giả. Với nội dung hay và câu chuyện hấp dẫn, Trò đời thực sự đã đủ sức kéo khán giả ngồi lại để đi theo câu chuyện của nhân vật qua từng bộ phim. Đây là điều không hề dễ dàng trong thời đại “chuyển kênh” như hiện nay.

Trải qua 32 tập, bộ phim đã đi đến hồi kết – một cái kết không như mong đợi nhưng lại có hậu. Nếu từ đầu khán giả háo hức và hồi hộp chờ đợi từng tập để theo dõi một câu chuyện hay thì phần kết của Trò đời lại khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng vì quá nhanh. Đặc biệt phân cảnh đám tang nhà cụ cố Hồng chi được diễn ra "nhanh như chớp" trên màn ảnh khiến khán giả có phần tiếc nuối so với những miêu tả từng lẫy lừng của Vũ Trọng Phụng trong trích đoạn Hạnh phúc một tang gia.

Sau khi câu chuyện của Đũi kết thúc và cô trở về quê sinh sống, điều khán giả chờ đợi chính là sự tiếp nối câu chuyện của Xuân Tóc Đỏ. Tuy nhiên, nếu so với phiên bản trước đó, Số đỏ mà các nhà làm phim đưa vào Trò đời lại chưa thực sự có nhiều "đất sống".

Trò đời: Không là cái bóng của Số đỏ - 1

Điều ấn tượng nhất trong những tập cuối là sự “hoành tráng và hào nhoáng” của bối cảnh

Có lẽ vì muốn đảm bảo sự “toàn vẹn” tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng nên các nhà làm phim đã đưa gần như đầy đủ các tình tiết từ truyện lên phim. Tuy nhiên, do sự phân bố không hợp lý nên trong những tập cuối, nội dung chính hoàn toàn xoay quanh Xuân Tóc Đỏ và khán giả có cảm giác các nhà làm phim muốn đưa hết những gì có trong truyện vào phim cho…đủ.

Trong suốt một quãng đường dài, câu chuyện của Xuân Tóc Đỏ không được khai thác nhiều mà chủ yếu tập trung vào nhân vật Đũi. Do đó, nếu chiếu theo nguyên tác thì nhân vật Xuân vẫn còn rất nhiều đất diễn.

Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên việc quá tham đưa các tình tiết trong truyện vào phim đã khiến cho việc xử lý các tình tiết trở nên vội vàng, quá nhiều sự việc xảy ra dồn dập khiến khán giả không kịp cảm nhận hết giá trị của nó. Mặc dù, Số đỏ ngay từ đầu được cho là câu chuyện chính của phim nhưng thực sự cái cách mà nhà làm phim kể truyện Số đỏ trong Trò đời không thể khiến khán giả hài lòng. Giá trị tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã bị giảm đi đáng kể.

Trong Trò đời, tính cách lẳng lơ dễ dãi của các nhân vật nữ cũng bị khai thác có phần quá đà. Xem phim, khán giả có cảm giác những nhân vật như Hoàng Hôn, Vĩ Cầm (vợ Văn Minh), bà Phó Đoan… là những người đàn bà luôn khao khát dục tình và sẵn sàng lên giường với bất kỳ người đàn ông nào.

Trò đời: Không là cái bóng của Số đỏ - 2

Mối quan hệ tình ái phức tạp khiến khán giả có cảm giác Xuân như một gã trai bao

Sự đổi đời của Xuân trong Trò đời đến từ mối quan hệ phức tạp của Xuân khi bắt nhân tình với cả bà Văn Minh, bà Phó Đoan lẫn tiểu thư Tuyết khiến khán giả đôi khi có cảm giác Xuân giống như một “gã trai bao”, lợi dụng sự ham muốn của những người phụ nữ này để leo lên nấc thang danh vọng.

Trò đời cũng đã lược đi một số cảnh hay trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, đặc biệt là cảnh tắm của cậu Phúc con bà Phó Đoan – một tình tiết được đánh giá là rất đắt, đầy tính trào phúng và lột tả rõ nét sự kệch cỡm trong xã hội thượng lưu đương thời.

Cũng có thể lý giải rằng, ngay từ đầu, khán giả đã bị cuốn theo câu chuyện cuộc đời của Đũi – một câu chuyện hoàn toàn mới và được các nhà làm phim khai thác khá tốt – nên khi nhân vật Đũi không còn xuất hiện, sức hấp dẫn của phim cũng giảm. Phải nói rằng, cảm hứng chính của phim là Đũi của “Cơm thầy cơm cô” chứ không phải Xuân Tóc Đỏ của “Số đỏ”.

Trò đời: Không là cái bóng của Số đỏ - 3

Trò đời đã tạo dựng cho mình một diện mạo mới so với phiên bản phim Số đỏ

Trước khi công chiếu, Trò đời được coi là phiên bản mới của phim Số đỏ. Nhưng, Trò đời đã thoát ra được cái bóng của Số đỏ và tạo dựng cho mình một diện mạo mới với cách tiếp cận mới. Hai bộ phim có thể khai thác cùng một câu chuyện nhưng trong Trò đời, truyện Số đỏ không phải là mạch chính mà gần như chỉ là mảnh ghép của một câu chuyện khác.

Vì thế, chỉ có thể nói rằng Trò đời đã mở rộng hơn, khai thác nhiều tầng lớp nhân vật hơn và mới lạ hơn chứ khó lòng có thể đem ra so sánh để nói rằng Trò đời toàn vẹn hơn phim Số đỏ như nhận xét trước đó của đạo diễn Nhuệ Giang. Hơn nữa, nếu chỉ so sánh về nội dung của truyện Số đỏ thì rõ ràng, Trò đời còn có rất nhiều điểm chưa thể khai thác một cách sâu sắc và đem lại cảm xúc mạnh cho người xem như phim Số đỏ.

Dù còn một số thiếu sót nhất định nhưng thực sự Trò đời đã đem đến một làn gió mới cho phim Việt. Việc khai thác và chuyển tải thành công các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh đã mở ra một hướng đi mới trong thời kỳ “đói kịch bản hay” như hiện nay cho các nhà làm phim. Và hy vọng, sau thành công của Trò đời, khán giả sẽ được tiếp tục thưởng thức những bộ phim hay như thế. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Giang ([Tên nguồn])
Trò đời: Phim hot trên VTV1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN