Trò đời: Cái kết có hậu cho một cô đầu!
Đũi trong “Cơm thầy cơm cô” của Vũ Trọng Phụng chỉ là câu chuyện còn dang dở và “Trò đời” đã tiếp nối một cách trọn vẹn và thuyết phục câu chuyện ấy.
Ngay từ khi những thông tin đầu tiên của Trò đời đến với khán giả, bộ phim đã nhận được sự quan tâm và chờ đợi đặc biệt từ công chúng. Người xem mong ngóng một bộ phim hay với những câu chuyện hấp dẫn của Vũ Trọng Phụng, với cuộc sống Hà thành một thời quá khứ đầy xa lạ và đặc biệt là chờ đợi để xem Xuân tóc đỏ của Trò đời có gì khác so với bộ phim “Số đỏ”. Vì thế, nhân vật Xuân tóc đỏ được xem là nhân vật quan trọng sẽ tạo nên thành công hay thất bại cho bộ phim.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của số đông công chúng, tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong phim không chỉ có Xuân tóc đỏ mà còn có một nhân vật khác - vai phụ khá mờ nhạt trong “Cơm thầy cơm cô” của Vũ Trọng Phụng nhưng lại đầy sinh động và cuốn hút khán giả trong Trò đời. Đó chính là Đũi (do Bảo Thanh thủ vai) – một người con gái có cuộc đời và số phận đầy khổ đau và bất hạnh.
Đũi sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, được ăn học đàng hoàng nhưng chỉ vì cha cô ham chức Phó lý mà bán cả gia sản để tranh cái hư danh, khiến gia đình rơi và nợ nần, túng quẫn. Cha Đũi đã gửi cô cho me Kiểm – một người họ hàng xa để đưa cô lên Hà thành làm việc. Bản thân ông cũng phải bỏ quê lên phố để mưu sinh. Hai cha con thất lạc và Đũi bắt đầu cái kiếp số long đong của một phận má hồng.
Bước chân vào làm con sen cho nhà me Kiểm, cuộc đời Đũi đã hoàn toàn thay đổi
Bị me Kiểm tiếp tay cho ông chồng Tây làm nhục, Đũi đau khổ bỏ đi và định quyên sinh, nhưng ý chí trả thù và mong muốn tìm cha đã lôi cô dậy. Đũi lang thang đi tìm cha với số tiền ít ỏi có được, may mắn cho cô đã gặp được Xuân tóc đỏ.
Với sự giúp đỡ của Xuân, cô đã vào làm con sen cho nhà vợ chồng ông Phán dây thép. Tưởng chừng yên ổn, nhưng sự hà khắc và cái thói “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” của bà chủ Hoàng Hôn đã khiến Đũi nuôi ý định trả thù. Cô quyến rũ ông chủ, lả lơi với cậu chủ để kiếm tiền và tiếp tay cho cô chủ dẫn trai về nhà. Phải nói rằng, đây là những hành động mở màn cho chuỗi ngày tháng sống lầm đường của Đũi.
Sau khi rời khỏi kiếp con sen, cô lại năn nỉ Xuân tóc đỏ bán cô vào nhà trò với mong muốn trở thành một đào hát “được đàn ông chiều chuộng” mặc cho Xuân hết lời can ngăn. Chỉ nhìn thấy cái hào nhoáng bên ngoài cuộc sống của một loại gái bao cao cấp, cô đã vấp phải những nỗi nhục nhã ê chề trong chốn ăn chơi.
Không được làm đào hát, cô trở thành một đào rượu – tầng lớp thấp nhất trong chốn nhà trò, chịu sự sàm sỡ của khách, chịu sự ức hiếp đủ đường của đào chính và người quản lý, Đũi tưởng chừng như không còn lối thoát.
Cuộc sống trong ca lâu không hào nhoáng và rực rỡ như Đũi tưởng tượng
May mắn cho Đũi, được kép Đàn dạy hát, cô đã lọt vào mắt xanh của quan án và trở nên nổi danh với cái tên Mộng Đài. Quan án nhận thấy ở cô một sự trong sáng, chân thành và thẳng thắn, khác biệt rất lớn so với các đào hát khác. Vì thế, ông đã quyết định nhân cô làm con nuôi – đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Đũi. Được sự giúp đỡ của quan án, cô đã tự mình mở một nhà trò, chính thức trở thành bà chủ.
Tuy nhiên, dù có trở thành bà chủ, cuộc sống chốn ca lâu vẫn không giống như cô mong đợi. Đũi sớm nhận ra, nhà trò chỉ là nơi mua vui của đàn ông, là nơi mà những ca nương bị coi là những gái làng chơi, bị xã hội coi thường và khinh rẻ. Dù sống trong giàu sang, nhưng đó không phải là cuộc sống mà cô hằng tìm kiếm.
Trong hai người đàn ông luôn yêu thương mình, Đũi đã chọn cuộc sống bình yên với Lực
Cả Xuân tóc đỏ và Lực đều luôn đem lòng yêu thương Đũi. Nhưng mang ơn Lực – người đã luôn ở bên chăm sóc cha cô tới tận khi ông mất và cảm tấm chân tình của anh, cô đã quyết định bán nhà trò, về quê chuộc lại gia sản, mua cho Lực chức Phó lý và cùng anh nên duyên chồng vợ.
Trong khi Xuân tóc đỏ đang dần dấn sâu vào con đường lầm lạc với những cuộc tình vụng trộm và cái danh “đốc tờ” giả mạo thì Đũi đã tìm thấy cho mình một hạnh phúc nơi cuối con đường với Lực – người đã luôn tận tụy và hết lòng với gia đình cô trong lúc khó khăn.
Hạnh phúc của Đũi và Lực là một cái kết có hậu cho cô, một hạnh phúc mà cô xứng đáng nhận được sau bao thăng trầm của cuộc sống. Cái kết của nhân vật Đũi dường như “có hậu” hơn Xuân tóc đỏ khi cô trở về làng quê của mình sinh sống, từ bỏ nghề cô đầu đầy tủi nhục mà ban đầu cô khao khát đi theo. Đũi trong “Cơm thầy cơm cô” của Vũ Trọng Phụng mới chỉ có một câu chuyện còn dang dở, và phải nói rằng “Trò đời” đã tiếp nối một cách trọn vẹn và thuyết phục câu chuyện ấy.
Mặc dù, đây chắc chắn khó có thể là một cái kết của Đũi trong “Cơm thầy cơm cô” bởi xã hội nhốn nháo lúc bấy giờ khó có chuyện có vị quan án nào nhận cô làm con nuôi và nếu trở thành cô đầu, Đũi cũng khó có thể “hoàn lương” dễ dàng đến thế.
Hồi kết hạnh phúc của Đũi là một sự tưởng tượng đầy tính nhân văn của “Trò đời”, là mong muốn của các nhà làm phim và của rất nhiều người đối với những con người có thân phận như Đũi. Và, câu chuyện của một “ả gái làng chơi” trong Trò đời không chỉ là chuyện trong xã hội xưa mà còn là câu chuyện của rất nhiều người trong xã hội ngày nay.