Thần tượng và Tèo em: Nghịch lý khó hiểu
Lại một lần nữa giới chuyên môn phải điên đầu khi phim ra rạp có doanh thu tỉ lệ nghịch với chất lượng bộ phim.
Ra rạp cùng thời điểm nhưng lượng khán giả đến với Tèo em (đạo diễn: Charlie Nguyễn) vượt xa Thần tượng (đạo diễn: Nguyễn Quang Huy ). Con số doanh thu của cả 2 phim chưa được các nhà sản xuất công bố chính thức sau 10 ngày công chiếu nhưng đã có thông tin Tèo em thu về 15 tỉ đồng sau 3 ngày ra rạp - một con số có thể sánh ngang hàng với phim “bom tấn” ngoại, vượt xa Thần tượng khiến người trong giới làm phim choáng váng.
“Sốt” nhờ cái bóng Thái Hòa?
Những ngày qua, khi Tèo em “oanh tạc” phòng vé thì trên các phương tiện truyền thông, diễn đàn mạng, trang cá nhân cũng tràn đầy bài viết, bình luận về bộ phim lần đầu tiên làm theo thể loại hài của đạo diễn Charlie Nguyễn. Có ý kiến cho rằng Tèo em khá hài hước, xem “cười từ đầu đến cuối” nhưng hầu hết là… chê, thậm chí lên án khá gay gắt cách khai thác tiếng cười dễ dãi của đạo diễn phim Dòng máu anh hùng.
Cảnh trong phim Thần tượng
Phía ê-kíp làm phim cũng bắt đầu có những phản biện mạnh mẽ, cực đoan mang tính chỉ trích cá nhân. Cuộc “bút chiến” vẫn chưa đến hồi kết khi Tèo em vẫn chiếu, khán giả còn ùn ùn đến rạp và tiếp tục những ý kiến bình luận đi ngược lại mong đợi của nhà làm phim.
Tèo em là phim dở nhất từ trước đến nay của Charlie Nguyễn và là vai diễn vô duyên nhất của Thái Hòa! Đây là điều mà cả đạo diễn lẫn các diễn viên tham gia sẽ khó chấp nhận khi cả ê-kíp đã cùng nỗ lực hàng tháng ròng, kỳ công dựng và mong đợi Tèo em sẽ là một phim “bom tấn hài” cuối năm.
Một cảnh trong phim Tèo em (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Chính khán giả, những người vốn rất tin vào tay nghề của đạo diễn Charlie Nguyễn và khả năng chọc cười của Thái Hòa, cũng kỳ vọng điều này nhưng Tèo em đã không làm được. Cái hài được khai thác triệt để nhưng tiếng cười khó chấp nhận. Rất nhiều người trong giới lắc đầu ngay sau buổi ra mắt phim. Đến cả khán giả, những người chưa từng bỏ qua bộ phim nào của Thái Hòa, cũng bày tỏ sự thất vọng: Không cười nổi với kiểu hài phô diễn và khập khiễng.
Nhà sản xuất và đoàn làm phim thường vin vào số lượng khán giả đến rạp để phản biện lại những lời chỉ trích. Tuy nhiên, những người này lại quên mất rằng công chúng đến xem Tèo em vì sự chờ đợi một bộ phim mà họ kỳ vọng đủ sức khiến mình cười nghiêng ngả và hài lòng; vì niềm tin về khả năng tạo tình huống, cách dẫn chuyện dí dỏm của đạo diễn Charlie Nguyễn như trong Để Mai tính, Long Ruồi hay Cưới ngay kẻo lỡ.
Những bộ phim hài kể trên nếu so với nấc thang vinh quang đầu tiên mà đạo diễn Charlie Nguyễn tạo ra - Dòng máu anh hùng - cũng còn bị xem là một “sự xuống tay, bước lùi”. Thế nhưng đến Tèo em, đạo diễn trở về từ kinh đô điện ảnh Hollywood này đã thật sự đạp đổ niềm tin mà số đông dành cho anh lâu nay.
Khán giả hỏi nhau: Vì sao ngay cả “đẳng cấp” như Johnny Trí Nguyễn cũng chấp nhận đóng một vai diễn mua vui nhợt nhạt với những cảnh quay hài quá phô, quá thô thiển? Thái Hòa không còn “chiêu” nào để khai thác ngoài bộ dạng cà tưng, tệ hơn là trở lại cái hài đã từng bị phê phán: phô diễn hình thể, hành động quá lố và dùng ngôn từ phản cảm, mang yếu tố đồng tính ra để mua vui? Rồi Charlie Nguyễn, anh đã làm gì với chính tên tuổi mình?
Truyền cảm xúc cho người xem
So với Tèo em, bộ phim Thần tượng không gây chú ý mấy ngoài cái tên Hoàng Thùy Linh và những vấn đề riêng của diễn viên. Chưa kể Thần tượng còn bị đánh đồng là bộ phim có “trai đẹp, gái đẹp lung linh dạo màn ảnh” với sự tham gia của “hot girl” Chi Pu, “hot boy” Harry Lu, Cường Seven, ca sĩ Ngô Kiến Huy, siêu mẫu Vĩnh Thụy…
Ra rạp cùng thời điểm, Thần tượng hoàn toàn bất lợi trước khán giả của Tèo em. Doanh thu không khả quan như mong đợi - theo tiết lộ của đại diện đoàn phim- nhưng Thần tượng lại là phim nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn lẫn khán giả yêu điện ảnh.
Mô-típ phim không mới, ước mơ làm người nổi tiếng và cuộc chiến giành ngôi vị thần tượng vốn rất quen thuộc. Kịch bản Thần tượng cũng chưa hẳn hoàn hảo nhưng điều đạo diễn và các diễn viên làm được chính là mang lại cảm xúc trọn vẹn cho người xem. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy cho biết: “Chúng tôi không hướng đến một sự cạnh tranh khán giả nào mà muốn giới thiệu một tác phẩm được làm một cách chỉn chu nhất để có thể truyền cảm xúc cho người xem”.
Nguyễn Quang Huy đã làm được điều này. Thông điệp phim được định vị rõ bằng một lý tưởng nghệ thuật cao đẹp và ý nghĩa từ người đã khuất, người trẻ vin vào đó để đi và tự tìm thấy sức mạnh nội tại của bản thân. Thần tượng cũng hài, theo cách trẻ trung, có thể chấp nhận nhưng đáng nhớ, đáng khen hơn cả chính là cảm xúc mà các nhân vật đã truyền đến người xem. Hoàng Thùy Linh đã có một sự trở lại đầy bản lĩnh với nhân vật gầy dựng ước mơ từ chính đôi chân và sự rung cảm mạnh mẽ của tâm hồn.
Nếu không ra rạp cùng thời điểm với Tèo em, Thần tượng vẫn là phim được đánh giá cao nhưng không là “đối trọng” để so sánh: giữa một tên tuổi mới và một người đã khẳng định được vị thế trong làng điện ảnh; giữa những gương mặt chưa hẳn đã đủ sức thu hút và một Thái Hòa ăn khách; giữa sự lựa chọn khác biệt làm nghề tâm huyết và mục đích doanh thu đặt lên hàng đầu; giữa sự im lặng “biết mình biết ta” của ê-kíp làm phim Thần tượng và sự quá tự tin, đắc thắng, không chấp nhận những phản hồi khắt khe từ công chúng của ê-kíp làm phim Tèo em…
Sau Đường đua phải chịu thất bại chua cay ở phòng vé so với những phim hài nhảm, Thần tượng là phim thứ 2 được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn bị hạ đo ván trên võ đài doanh thu bởi phim hài nhạt nhẽo .