Lý do phim Châu Tinh Trì hot khắp châu Á
Từng bị coi là “phim nhảm”, bị chỉ trích, ném “gạch đá” với lý do phim của Châu Tinh Trì đã xuyên tạc, hư cấu quá mức… Thế nhưng, phim của ông luôn thành công vang đội và trở thành một hiện tượng – Hiện tượng phim nhảm. Vậy thành công của Châu Tinh Trì bắt nguồn ở đâu?
Nói đến “Vua phim hài” là nói đến một diễn viên, đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim lừng danh của Trung Quốc - Châu Tinh Trì (Stephen Chow). Châu Tinh Trì được nhắc đến với phong cách làm phim độc đáo mà giới điện ảnh lẫn công chúng Trung Quốc thường gọi chung là thể loại “phim nhảm”.
Phim mang lại tiếng cười vì những câu thoại bị cho là nhảm nhí, vô thưởng vô phạt, nhưng vần luôn được khán giả khắp Trung Quốc lẫn trên thế giới vô cùng yêu thích, ái mộ. Đặc biệt với bộ phim Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện của ông đã lập được hàng loạt kỷ lục tại thị trường điện ảnh Hoa ngữ,đồng thời là bộ phim bom tấn Hoa ngữ ăn khách nhất trên thế giới.
"Vua hài" Châu Tinh Trì.
Trước đó, bộ phim Vua kungfu của Châu Tinh Trì khi đảm nhiệm vai trò tự biên tự diễn, đã ghi kỷ lục doanh thu phòng vé tại các thị trường thế giới từ Á sang Âu.
Thành tựu điện ảnh của Châu Tinh Trì được truyền thông thế giới đặt cho mệnh danh “vua phim hài” (King of Comedy), đồng thời là ông vua đi đầu trong phong trào “phim nhảm” với lực lượng fan đông đảo trên khắp thế giới.
Tạp chí Time danh giá của Mỹ khi bình chọn ông vào danh sách Những anh hùng châu Á đã viết như sau: “Nếu như nói người Trung Quốc có Charlie Chaplin thì đó nhất định là Châu Tinh Trì”.
Hành trình đến với “phim nhảm”
Từ nhỏ, Châu Tinh Trì luôn thần tượng ngôi sao võ thuật châu Á Lý Tiểu Long, thần tượng đến nỗi ông từng khẳng định “Lý Tiểu Long là thần tượng số một của tôi từ nhỏ cho đến khi lớn”. Châu Tinh Trì từng học Vịnh Xuân quyền và nuôi ước mơ được hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Để nuôi giấc mộng trở thành diễn viên, sau khi tốt nghiệp trung học, Châu Tinh Trì tham gia làm diễn viên tự do của đài aTV (Asia Television) vào năm 1980, sau đó đăng ký khóa đào tạo diễn viên 1982 của đài TVB cùng với Lương Triều Vỹ, Trịnh Y Kiện, Lưu Gia Linh…
Tuy nhiên, sau sau đó ông thi trượt, để rồi được Thích Mỹ Chân giới thiệu vào khóa đào tạo thứ 11 của đài TVB, trở thành MC dẫn chương trình thiếu nhi mang tên Phi thuyền 430 trong suốt 5 năm. Chương trình này ngoài Châu Tinh Trì còn có các diễn viên như Tăng Hoa Tình, Lam Khiết Anh, Trịnh Y Kiện…
Năm 1982, Châu Tinh Trì được nhận vai diễn không tên trong bộ phim Thiên long bát bộ, sau đó là vai binh sĩ nhà Tống trong Anh hùng xạ điêu… Mãi đến năm 1987 ông mới được xếp vào danh sách diễn viên đóng các nhân vật có tên tuổi như Chuyên đi định mệnh, A Đức cũng điên, Đại đô hội… nhưng đều là vai phụ. Tuy vậy, với kỹ năng diễn xuất nổi bật, Châu Tinh Trì được đặt biệt chú ý và thu hút sự quan tâm của khán giả.
Châu Tinh Trì (dưới cùng) trong nhóm MC chương trình thiếu nhi Phi thuyền 430.
Còn nhớ, nhân vật Hà Hâm Diểu trong phim Anh ấy là giang hồ của đạo diễn Lý Lực Trì, vai diễn của Châu Tinh Trì về sau trở thành nhân vật kinh điển nhất trong thể loại phim tuyền hình dài tập của Hồng Kông, đánh dấu phong cách hài nhảm của tài tử họ Châu.
Năm 1990, đạo diễn Lưu Chấn Vỹ mời Châu Nhuận Phát (Chow Yun Fat), Lưu Đức Hoa (Andy Lau) vào vai chính bộ phim Thần cờ bạc (Golden of Gamblers), khởi đầu cho trào lưu phim về đề tài cờ bạc. Với phim này, Châu Tinh Trì và Ngô Mạnh Đạt đóng vai trò chủ diễn và bất ngờ đạt doanh thu phòng vé "khủng" với hơn 41 triệu HKD (khoảng 111 tỷ đồng), lập kỷ lục doanh thu phòng vé ở Hồng Kông thời bấy giờ, đồng thời khẳng định địa vị ngôi sao sáng giá của Châu Tinh Trì trong làng điện ảnh.
Phim nhảm của Châu Tinh Trì trở thành một đặc sản văn hóa giải trí của Hồng Kông.
Trong năm sau, Châu Tinh Trì và Trương Mẫn thủ vai chính trong phim Uy Long trốn học, lần thứ hai ông có phim lập kỷ lục doanh thu phòng vé với 44 triệu HKD (khoảng 119 tỷ VNĐ). Đây chính là thời kỳ mà sự nghiệp diễn xuất của Châu Tinh Trì bắt đầu tỏa sắc. Tên tuổi và thương hiệu phim của ông đã sánh ngang với những ngôi sao “khủng” thời đó như Thành Long, Châu Nhuận Phát, thậm chí đối đầu với bộ đôi trên. Tuy nhiên, giữa những ngôi sao này không có sự cạnh tranh như giữa hai divo Hồng Kông lúc đó là Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân. Bộ ba từng nhiều lần hợp tác chung và trở thành bộ “Song Châu Nhất Thành”, một thương hiệu đảm bảo doanh thu phòng vé cho bất kỳ bộ phim nào ở Hồng Kông lúc bấy giờ.
Phong cách “nhảm” không chọc cười đơn thuần
Châu Tinh Trì được Time vinh danh Những anh hùng châu Á.
Nói về thể loại phim nhảm của Châu Tinh Trì, có thể coi đây là một đặc sản văn hóa hậu hiện đại của Hồng Kông, một thể loại phim có tính tiên phong nhưng vẫn hàm chứa và trung thành với thể loại phim hài truyền thống sản sinh ra nó.
Châu Tinh Trì đã làm đảo lộn những giá trị có sẵn trước đó, ông thỏa sức phát huy trí tưởng tượng vô biên, mở ra không gian sáng tạo cho thế hệ trẻ Trung Quốc. Chính sự chế giễu, châm biếm đả kích và cười cợt đã góp phần tiếp nối tính hài hước vốn tồn tại từ bao đời nay trong xã hội Trung Quốc.
Bao Tinh Long của Châu Tinh Trì (phải).
Ngôn ngữ và hành động của nhân vật trong phim nhảm của Châu Tinh Trì được thể hiện một cách hài hước, châm biếm, nhạo báng và cả thái độ hoài nghi, nhằm trực tiếp ám chỉ hay công kích một sự vật, sự việc hoặc hiện tượng nào đó được nói đến.
Hơn nữa, kết cấu nội dung trong thể loại phim nhảm của Châu Tinh Trì đã được loại hình hóa, ở đó hình tượng những nhân vật yếu thế, lép vế trong xã hội đóng vai trò trung tâm, đồng thời thể hiện tính căn bản trong giá trị quan văn hóa về cảm xúc của con người cũng như đạo đức truyền thống.
Giấc mơ trở thành anh hùng
Tình cảm cha con, anh em, chú cháu được đề cao trong Bách biến tinh quân.
Đối với thể loại phim nhảm của Châu Tinh Trì, ông thường dùng hình thức trần thuật để tạo thành tình tiết cho nội dung phim và chiếm được tình cảm, sự hâm mộ của công chúng.
Nội dung tình tiết cũng như kết cấu trong phim nhảm của Châu Tinh Trì thường tuân theo mô típ sau: Những nhân vật thấp cổ bé họng, yếu thế hoặc bị ăn hiếp thường có giấc mơ hoài bão đổi đời. Những người này luôn gặp thất bại, đen đủi hoặc có số phận vô cùng nghiệt ngã. Họ trải qua quá trình rèn luyện gian khổ, trải nghiệm những thử thách lớn lao, va vấp với đủ loại người trong xã hội, để rồi trở nên nổi bật và cuối cùng hành thiện diệt ác, hoàn thành được mộng tưởng lớn lao của họ trước đó. Về hình thức lẫn nội dung so với thể loại phim, kịch truyền thống không có gì khác nhau. Điều này chứng minh cho thấy, tình tiết nội dung trong phim nhảm của Châu Tinh Trì vẫn bám sát mô phạm cũng như hình thức truyền thống cổ điển.
"Bao Thanh Thiên mặt trắng" trong Cửu phẩm chi ma quan.
Có thể lấy ví dụ trong phim Cửu phẩm chi ma quan/Hail The Judge (1994) hay còn gọi là Bao Thanh Thiên mặt trắng của đạo diễn Vương Xương. Nhân vật chính Bao Long Tinh (Châu Tinh Trì) vốn tính thiện lương, tài trí thông minh hơn người, đồng thời là quan huyện cửu phẩm. Trong quá trình điều tra vụ án con trai đô đốc Thủy Sư là Thường Uy (Trâu Triệu Long) cưỡng dâm dân phụ Tiểu Liên/Tần Liên (Trương Mẫn đóng) dẫn đến vụ án giết cả nhà vô tội, oan ức. Tiểu Liên vì muốn đòi lại công lý nhưng không thành, thậm chí còn bị nhà họ Thường hãm hại, bị ép vào làm gái lầu xanh, tưởng như vĩnh viễn không bao giờ có ngày trở về. Thế nhưng Bao Long Tinh trong lần đến lầu xanh và vô tình gặp được nhà vua ở đây, ông nhân cơ hội mở Bát phủ tuần án, cuối cùng nhờ mưu kế đã giăng bẫy được kẻ xấu, cứu được Tiểu Liên, minh oan cho cô và trừng phạt kẻ thủ ác.
Những bộ phim nhảm của Châu Tinh Trì thường khinh bỉ, dè bỉu và chế giễu những kẻ có tiền có thế. Những người này hoặc là những kẻ ngốc, hoặc là những kẻ lòng lang dạ sói. Trong khi những thân phận yếu ớt, bị ăn hiếp lại thường là những người có nhân phẩm, đạo đức, thật thà tốt bụng mà gặt hái được cái kết có hậu.
Tính đến nay, rất hiếm có phim nào giống với thể loại phim nhảm của Châu Tinh Trì, với tình tiết nội dung thông tục, đơn giản, không lắt léo “hại não”. Trong khi nhiều bộ phim được coi là nghệ thuật hàn lâm theo đuổi suy nghĩ xa rời thực tế, đã làm rối tung mọi sự việc cũng như nội dung phim. Những phim này thường có xu hướng làm cho các đầu mối trở nên phức tạp, rối rắm, mang màu sắc bí ẩn và khó hiểu. Kết cấu trần thuật theo hình thức mở của những bộ phim này cũng khiến mang đến nhiều cách suy diễn, liên tưởng khác nhau cho người xem. Còn đối với kết cấu trần thuật trong phim của Châu Tinh Trì lại theo lối kết đấu đóng.
Quốc sản 007/From Beijing with Love nhái theo Điệp viên 007 khiến người xem cười lăn lộn.
Phim của Châu Tinh Trì thường tuân theo thủ pháp trần thuật truyền thống, tức là có khởi đầu, phát triển, cao trào và kết thúc. Trong quá trình kể chuyện, dẫn dắt câu chuyện cũng rất hiếm khi sử dụng thủ pháp xen kẽ những đoạn hồi tưởng hay thuật lại của nhân vật.
Thủ pháp kể chuyện trong phim của ông về cơ bản vẫn theo phương thức cố định, kết thúc có hậu. Điều này cho thấy phim nhảm của Châu Tinh Trì đã có sự bảo lưu và phát huy loại hình dẫn dắt câu chuyện và kết cấu nội dung theo lối kinh điển, truyền thống.
Tình thương đồng loại
Về tổng quan những tác phẩm hài của Châu Tinh Trì thời kỳ từ năm 1992 – 2004 cho thấy, cho dù đề tài trong các bộ phim của ông không ngừng thay đổi, biến hóa. Nhân vật trong phim cũng phong phú, đa dạng. Thế nhưng ,phim của Châu Tinh Trì luôn kiên định và duy trì với đề tài chính “kẻ yếu trở thành anh hùng”.
Trong xã hội hiện đại, áp lực cuộc sống ngày một gia tăng, sức mạnh cá nhân trở nên vô cùng yếu đuối, nhỏ bé. Phim nhảm của Châu Tinh Trì đã đề cập đến những con người nhỏ bé này.
Những thân phận thấp bé, yếu thế trong xã hội như anh ăn mày tàn tật, chán nản.
Trong bộ phim From Beijing With Love (1994), Châu Tinh Trì trong vai một anh chàng bán thịt lợn đáng thương, vốn là một nhân viên đặc vụ dự bị nhưng từ lâu bị “đất nước lãng quên”. Còn trong Đội bóng thiếu lâm/Shaolin Soccer (2001), ông vào vai một anh nhân viên nhặt rác trung thành với lý tưởng của bản thân; Trong Ngôi sao vô địch may mắn/When Fortune Smiles (1990) lại là một kẻ ăn mày nhàn rỗi; Một tên sơn tặc “rất có tiền đồ” trong Đại thoại tây du/A Chinese Odyssey Part One: Pandora's box (1994)...
Cách nhìn nhận cuộc sống đời thường của những nhân vật trong phim Châu Tinh Thì thường bất lực trước thời cuộc nhưng trong những lúc khó khăn nhất, họ lại xác định được lối sống khôn ngoan, lạc quan nhất. Điều này gần như đã phá bỏ hoàn toàn hình tượng nhân vật trong các thể loại phim kinh điển thường gặp với lối sống trọng cá nhân hơn tập thể.
Nhân vật của Châu Tinh Trì không hoàn toàn hèn nhát, thấp bé, mà còn thể hiện đức tính tốt, ngay thẳng, chân thành, dũng cảm, tài trí. Châu Tinh Trì thường lấy tinh thần đặt những kẻ yếu thế, thấp cổ bé họng làm trung tâm cho thể loại phim nhảm, thậm chí những thân phận thấp bé, yếu thế cũng là đề tài lý tưởng. Phim nhảm của Châu Tinh Trì thường thông qua một nhân vật bình dân nhất, nhỏ bé nhất nhưng nhờ quá trình nỗ lực phấn đấu vươn lên để làm biến chuyển cả thời đại.
Với Trương Bá Chi trong Vua phim hài.
Trọng tâm trong phim nhảm của Châu Tinh Trì ở chỗ, phóng đại và hài hước quá trình chuyển biến của nhân vật yếu thế, lồng ghép vào đó những cảm nhận hết sức đời về sự bất lực, khó khăn, cả sự hy vọng lẫn phẫn nộ theo lối tiếp cận một cách hài hước. Tức là dùng cách gây cười để thể hiện bi kịch, nỗi kinh hoàng. Dùng cách tấu hài pha trò để thổ lộ ước muốn, dục vọng, điều này vừa có tác dụng mang lại cảm giác nhẹ nhõm, vui tươi và phấn khích cho người xem, vừa thể hiện một cách nhìn thực tế mà không viển vông.
Phim nhảm của Châu Tinh Trì được coi như một đặc sản của văn hóa đại chúng, là cách giúp điện ảnh tiếp cận trực tiếp đến lĩnh vực đời sống của công chúng, lột tả được diện mạo tinh thần và thực trạng đời sống của tầng lớp người bình dân, nhằm chiếm được tình cảm và làm lay động đông đảo công chúng.
Nâng niu và giữ gìn cảm xúc
Phim nhảm của Châu Tinh Trì rất biết trân trọng thực trạng đời sống cũng như quan niệm về cuộc sống của xã hội ngày nay. Đó là hình ảnh về những nhân vật biết vươn lên, chiếm thế thượng phong trong xã hội. Điều này cho thấy, phim của ông biết nâng niu, trân trọng và giữ gìn cảm xúc cũng như đạo nghĩa truyền thống của con người.
Bằng cách thể hiện nội dung phim và diễn xuất theo lối trào phúng, chế giễu, Châu Tinh Trì đã nắm bắt được tâm lý quần chúng. Đặc biệt, ông biết tập trung vào các quan niệm về truyền thống đạo đức, yếu tố làm lay động và chiếm được cảm tình của công chúng nhất. Rõ ràng, việc này đã kế thừa được từ tư tưởng văn hóa Nho gia của người Trung Quốc, theo định hướng Chân – Thiện – Mỹ, trên tinh thần truyền thống diệt gian trừ ác.
Tình cảm dạt dào và nhân văn trong Đại thoại Tây Du.
Trong bộ phim Thẩm Sử Quan/Justice My Foot (1992), nhân vật nam nữ chính cho người xem thấy tình cảm sâu sắc của tình nghĩa vợ chồng. Bên ngoài, Tống phu nhân (Mai Diễm Phương) thường nhạo báng, thậm chí đánh đập chồng là Tống Thế Kiệt (Châu Tinh Trì). Trong gia đình, Thế Kiệt tỏ ra là người không hề có địa vị gì, thế nhưng điều có không hẳn nói lên quan hệ vợ chồng giữa hai người họ không có chút tình ý. Khi Tống phu nhân bị đánh oan, cô nàng đã đứng núp sau lưng chồng khóc thút thít, Tống Thế Kiệt lúc này dùng lời an ủi, vỗ về vợ.
Còn trong Đại thoại Tây Du, chính nghĩa, thiện ác, tình cảm bạn bè, thầy trò đã được đem ra mổ xẻ và phân tích. Thế nhưng cách làm của Châu Tinh Trì đối với chuyện tình cảm, ái tình không hề có ý gây cười, giễu cợt. Trái lại, nó là sự hy sinh và bồi đắp cho tình cảm, tình yêu: Bạch Tinh Tinh (Mạc Văn Úy) suốt 500 năm vẫn luôn dành tình yêu cho Trí Tôn Bảo/Tôn Ngộ Không (Châu Tinh Trì), còn tình yêu Tử Hà (Châu Ân) dành cho Tôn Bảo cũng chẳng khác nào cá yêu nước, gió yêu mây. Thế nhưng Trí Tôn Bảo sau khi đấu tranh tư tưởng khá quyết liệt đã chọn cách từ bỏ cõi hồng trần.
Lúc này, Tôn Bảo mới nói một câu trong thánh kinh ái tình: “Khi người ta từng có một tình yêu chân thành, nhưng ta không biết trân quý, chỉ đến khi để vuột mất mới thấy hối hận, tiếc nuối, đó là chuyện đau khổ nhất trên cõi đời trần thế này. Nếu việc lên trời có thể giúp ta lấy lại được cơ hội đó, ta sẽ nhất định nói với người con gái đó là “Ta yêu nàng”. Nếu có thể cho tình yêu đó thêm thời gian, ta mong có thể là một vạn năm”. Đây không phải là thơ, cũng không phải tiểu thuyết mà là tình yêu sâu đậm, thứ tình yêu mà những người trần thế luôn khát khao có được. Điều này đều cho thấy phim của Châu Tinh Trì luôn đề cao và biểu dương những giá trị truyền thống.
Có lần đạo diễn Châu từng phát biểu: “Trong mỗi bộ phim của tôi đều chứa đựng chuyện tình, hơn nữa những chuyện tình đó khá thuần khiết và giản đơn. Bởi tôi thường cảm thấy, tình yêu đối với người đều hết sức quan trọng, thậm chí có thể nói là chuyện quan trọng nhất trong đời người”. Phim nhảm của Châu Tinh Trì đồng thời đã đi tiên phong trong việc giữ gìn và trân trọng truyền thống, nâng niu và trân quý tình cảm chân thành, tốt đẹp giữa con người với nhau.
Phim của Châu Tinh Trì đề cao tình cảm, tình yêu giữa người với người.
Trong phim Nhà có chuyện hỷ/All’s Well (1992) hay Bách biến tinh quân/Sixty Million Dollar Man (1995) cho thấy tình cha con, anh em, chú cháu hết sức ấm áp, khiến người xem cười chảy nước mắt nhưng những giọt nước mắt đó là vì xúc động, vì phim của Châu Tinh Trì đã chạm đến tầng sâu tình cảm con người, làm lay động mỗi khán giả.
Trong Đại thoại Tây Du chẳng hạn, Tử Hà tiên tử (Châu Ân) đã vì tất cả những người cô yêu mến mà không màng đến việc có làm thần tiên hay không, chính thái độ này của nhân vật đã khiến đông đảo khán giả nhớ mãi chi tiết này như mới xem ngày hôm qua.
Về tình cảm bạn bè, thân hữu, Châu Tinh Trì cũng thể hiện hết sức gần gũi, xúc động. Có thể thấy qua nhân vật Vi Tiểu Bảo trong Lộc đỉnh ký, một kẻ tham tài háo sắc nhưng cuối cùng vẫn chung thành và hiếu kính sư phó. Phim nhảm của Châu Tinh Trì đã dùng một cách thể hiện hoàn toàn khác biệt theo cách của mình để thể hiện về tình cảm một cách ấm áp và thấm đượm tình người.
Một kẻ tham tài, háo sắc như Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký vẫn còn nghĩ đến nghĩa bạn bè.
Như đã đề cập ở trên, phong cách làm phim của Châu Tinh Trì thườn hướng đến những thân phận nhân vật yếu thế, điều này cho chúng ta nhận ra một điều, con người ông cũng từ trong tầng lớp những con người yếu thế mà ra, mang đầy đủ đặc điểm văn hóa tinh thần căn bản của những thân phận đó. Ông luôn biết trân trọng, giữ gìn những giá trị cảm xúc và đạo nghĩa truyền thống của con người, luôn quan tâm và dõi theo đến số phận của những nhân vật yếu thế, nhỏ bé trong xã hội. Tất cả những điều này đã tạo nên xu hướng thẩm mỹ và quan niệm giá trị căn bản nhất trong cách làm phim của ông.
Trên thực tế, dùng từ “phim nhảm” là không đủ bao hàm được nét đẹp độc đáo và những nhân vật đặc biệt trong thể loại phim của Châu Tinh Trì. Phim nhảm của Châu Tinh Trì luôn lấy sự nổi loạn, kháng cự, nhạo báng, hoài nghi vào trong nội dung phim và nhân vật của ông để giải thích, mổ xẻ trật tự của xã hội chính thống truyền thống. Đồng thời, phim của ông còn thể hiện một lối giải thích khá độc đáo về ý nghĩa trong văn hóa Trung Quốc.
Như vậy, với cách nói của đại quần chúng, phim nhảm của Châu Tinh Trì nghiễm nhiên đã trở thành một hiện tượng văn hóa, bao gồm cả hiệu quả về thương mại văn hóa, xác định được vị thế điện ảnh mang màu sắc cá nhân trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc ngày nay. Thành công của ông ở chỗ đã bắt nguồn từ việc kết nối giữa khán giả với gout thẩm mỹ độc đáo trong phim của ông.
Kỳ tiếp: Ảnh hưởng từ phim nhảm của Châu Tinh Trì tới đời sống văn hóa Trung Quốc.