Phim hay nhất Oscar "gây chiến"
Vượt qua đối thủ nặng ký Lincoln, Argo của nam tài tử Ben Afflect đã dành giải phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 85.
Thế nhưng, có lẽ đây cũng là bộ phim gây ra phản ứng trái chiều mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của lịch sử Oscar.
Mỹ và Iran “khẩu chiến”
Argo được chuyển thể từ một sự kiện lịch sử có thật về cuộc khủng hoảng con tin ở Iran.
Vào ngày 4/11/1979, khi cuộc Cách mạng Iran đang lên đến đỉnh điểm, dân quân đã tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt 52 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Nhưng giữa cuộc chiến hỗn loạn ấy, 6 người Mỹ đã chạy trốn được và tá túc ở hầm trù ẩn của Đại sứ Canada.
Trong khi dân quân Iran đang rà soát tìm manh mối của 6 người trốn thoát thì một chuyên gia tẩu thoát của CIA đã lập ra một kế hoạch mạo hiểm để đưa họ rời khỏi Iran an toàn.
Viên tình báo và 6 con tin mắc kẹt tại Đại sứ quan Canada trong phim
Ngay sau khi trình chiếu, bộ phim giành được giải Quả Cầu Vàng cho Phim chính kịch và Đạo diễn xuất sắc nhất này đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Những người cảm thấy hài lòng nhất chính là Bộ Ngoại giao Mỹ, Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ.
Chẳng vậy mà, trước lễ trao giải Tân Ngoại trưởng John Kerry đã viết trên trang Twitter cá nhân của mình rằng "Chúc may mắn Ben Affleck và Argo. Thật vui được thấy Bộ Ngoại giao Mỹ và Cục Ngoại quốc của chúng ta trên màn ảnh rộng".
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Patrick Ventrell cũng bày tỏ niềm hạnh phúc: "Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều thấy phấn khích khi bộ phim này giành giải".
Tuy nhiên, trái với thành công vang dội tại Mỹ, bộ phim của Ben Affleck lại bị cộng đồng Iran phản đối và chỉ trích.
Argo bị cấm chiếu tại Iran đồng thời truyền thông Iran không công nhận thành công của phim. Họ chỉ trích hội đồng trao giải của Quả Cầu Vàng là có ý đồ biến một sân chơi điện ảnh trở thành “diễn đàn chính trị.
Thậm chí, Iran còn cho rằng họ sẽ làm một bộ phim để “đáp trả” lại Argo cũng như nước Mỹ. Ý tưởng và kịch bản đã được duyệt và họ sẽ sớm thực hiện chúng trong nay mai để đòi lại công lý và sự thật cho Iran.
Và ngay sau khi lễ trao giải Oscar 85 kết thúc, Đài truyền hình quốc gia Iran lên án lễ trao giải Oscar lần thứ 85, với lời cáo buộc đây là buổi lễ mang tính chính trị nhất từ trước đến nay, đồng thời cáo buộc đạo diễn Affleck về việc "thổi phồng thái quá, đẩy các sự việc đi quá giới hạn và tạo nên những cảnh phim sai sự thật".
Chiến thắng của Argo và Ben Affeck càng khiến người Iran tức giận hơn
Trước cáo buộc này của Iran, Phó phát ngôn viên Ventrell cho rằng các giải thưởng hoàn toàn là quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Và cuộc tranh luận, chỉ trích giữa đại diện của hai nước dường như vẫn chưa dừng lại ở đây.
Trong khi đó, đứng ở một góc độ trung lập hơn, một số nhà sử học cũng cho rằng Argo đã quá đà khi sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng để đưa vào một bộ phim mang tính lịch sử, đáng kể nhất là việc Argo đã phóng đại vai trò của CIA trong việc giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ.
Hay nhưng chưa hoàn toàn xứng
Argo không chỉ gây ra sự xung đột giữa hai nước Iran và Mỹ mà nó cũng tạo ra những tranh luận trái chiều về giải thưởng Phim hay nhất.
Dùng một sự kiện lịch sử có thật để chuyển thể thành một bộ phim, đặc biệt là có yếu tố chiến tranh giữa Iran và Mỹ là một sự thông minh, nhạy bén của Ben Affeck.
Ben Affeck đã phải đối đầu với người dân Iran khi làm một bộ phim bị cho là "nịnh" Bộ ngoại giao Mỹ và CIA
Bởi chắc chắn, người Mỹ sẽ xem nó và những khán giả khác cũng muốn được dõi theo một câu chuyện có thật được chuyển thể như thế nào.
Thành công thứ hai của Ben Affleck là đan cài những tình tiết đủ gây tò mò để khiến khán giả phải dõi theo đến giây phút cuối cùng, bởi khi dừng lại, họ không biết kết quả của cuộc giải cứu sẽ ra sao.
Việc viên tình báo nghĩ ra kế đoàn làm phim giả mạo để đưa 6 con tin trốn thoát về nước an toàn quả khiến người xem háo hức.
Tuy nhiên, điểu rất tiếc là bộ phim không duy trì được độ hấp dẫn như trong các tình tiết ban đầu ấy. Môt số cư dân mạng bày tỏ rằng họ xem đến nửa phim là không muốn xem nữa vì diễn tiến câu chuyện khá chậm chạp, đơn giản và thiếu kịch tính.
Một số khác cho rằng, Argo ngoài một kịch bản khá thú vị và mới lạ thì chưa tạo được điểm nhấn gì nhiều từ trong diễn xuất, góc máy… cũng như bộ phim thiếu cao trào để có thể đọng lại nhiều xúc cảm cho người xem.
Phim cũng nhận được ý kiến đánh giá trái chiều từ người xem
Không ít trong số đó tỏ ra thất vọng vì họ kỳ vọng nhiều hơn ở tính chân thật của bộ phim ở thời điểm 1979. Phim lột tả cuộc khủng hoảng con tin ở đất nước Trung Đông nhưng sự khốc liệt ấy vẫn chưa được tô đậm nét và chưa để lại ấn tượng đặc biệt.
Trong khi một bộ phận cho rằng Argo là một bộ phim hay thì đa số cho rằng Argo có thể là một bộ phim hay nhưng không đủ xuất sắc để dành giải thưởng Phim xuất sắc nhất Oscar 2013.