“Ám ảnh” với Những người khốn khổ
Là một trong những vở nhạc kịch vĩ đại nhất thế kỷ 20, từng được dịch ra 21 thứ tiếng, công diễn tại 44 quốc gia cho 60 triệu khán giả, Les Misérables (Những người khốn khổ) là một kiệt tác của nền văn hóa đương đại nhưng vẫn khá xa lạ ở Việt Nam.
Phiên bản điện ảnh chính là cơ hội tuyệt vời nhất để thưởng thức kiệt tác này dưới một dáng vẻ khác, lôi cuốn, sinh động và dễ cảm thụ hơn nhiều lần.
Nhiều cảnh phim ám ảnh người xem
Tác phẩm đồ sộ của Victor Hugo gồm rất nhiều những câu chuyện về các nhân vật với những mảnh đời khác nhau và sợi dây nối những mảnh đời đó chính là nhân vật trung tâm Jean Valjean.
Sau 19 năm ngồi tù vì ăn cắp thức ăn cho gia đình đang lâm vào cảnh chết đói, Jean Valjean được thả. Tuy nhiên, vì mang theo giấy thông hành vàng (loại giấy dành cho những người đã từng là tội phạm trong quá khứ) nên không một nhà trọ nào muốn cho anh ngủ lại. May thay, giám mục Myriel, một người nổi tiếng hay làm từ thiện đã cho Jean Valjean một chỗ nương náu.
Sự túng thiếu bần hàn đã không ngăn được Jean ăn cắp vài món đồ bạc của vị giám mục để rồi sau đó chạy trốn và bị bắt lại. Với bản tính phúc hậu, giám mục Myriel đã cứu thoát anh khỏi ngục khi nói với cảnh sát đó là quà ông tặng cho Jean. Khi chia tay, vị giám mục dặn Jean nhất quyết phải trở thành một người lương thiện và làm việc tốt cho nhiều người.
Bằng số bạc của giám mục Myriel, Jean đã thay tên đổi họ và “cải đời” với tên gọi mới. 6 năm sau Valjean, nay mang tên ông Madeleine, đã trở thành một chủ xưởng giàu có và là thị trưởng thành phố nhỏ nơi ông sinh sống, Valjean phải mang tên giả để tránh sự phát hiện của thanh tra Javert vẫn đang truy tìm ông ráo riết.
Tuy nhiên, số phận buộc Valjean phải để lộ danh tính của mình khi một người đàn ông khác bị nhầm là Jean Valjean và bị bắt đưa ra tòa. Cùng lúc này, Valjean gặp Fantine, một cô gái đang hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng của ông và buộc phải làm nghề mại dâm để có tiền nuôi con gái Cosette đang phải sống với gia đình nhà Thénardier độc ác.
Trước khi Fantine chết, Valjean hứa với cô sẽ chăm sóc Cosette cẩn thận, ông trả tiền cho lão chủ quán trọ Thénardier để giải phóng cho Cosette và cùng cô bé chạy trốn lên Paris khỏi sự truy đuổi của Javert. Ở Paris, hai người trú trong một nhà tu kín mà Javert không được quyền khám xét, vì vậy họ tạm thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của viên thanh tra.
10 năm sau, tức giận với chế độ, một nhóm sinh viên đã đứng lên chuẩn bị cho cuộc cách mạng, trong đó có sự tham gia của Marius Pontmercy, một sinh viên bị gia đình xa lánh vì quan điểm tự do của mình, người đem lòng yêu Cosette, bây giờ đã trở thành một thiếu nữ hết sức xinh đẹp.
Khi biết người yêu của Cosette cũng tham gia nổi dậy, Valjean đã gia nhập với họ vì muốn bảo vệ Marius. Trong trận chiến tiếp theo, Valjean cứu sống Javert khỏi tay những người sinh viên và để viên thanh tra đi. Ông cũng cứu được Marius khi đó đã bị thương. Valjean vác theo Marius chạy trốn theo những đường cống ngầm ở Paris, khi ra đến miệng cống ông chạm trán Javert, ông cố gắng thuyết phục Javert cho mình thời gian để trả Marius về gia đình của anh.
Javert đồng ý đề nghị của Jean và nhận ra rằng ông ta đang bị kẹt giữa niềm tin vào luật pháp và niềm tin vào lòng tốt của con người mà Valjean đã cho viên thanh tra thấy, Javert cũng hiểu rằng ông không bao giờ có thể nộp Valjean cho chính quyền được nữa. Không thể chịu đựng nổi tình trạng khó xử này, Javert nhảy xuống sông Seine tự vẫn.
Marius và Cosette cưới nhau. Valjean đã mất niềm vui duy nhất của cuộc sống cuối đời vì Cosette đã không còn cần đến ông nữa. Cosette bị Marius thuyết phục tránh xa Valjean vì anh cho rằng ông là người có đạo đức tồi.
Mãi sau đó khi Valjean đã hấp hối, Marius mới nhận ra được lòng tốt của ông và chạy đến nhà Valjean cùng Cosette. Valjean chỉ còn kịp tiết lộ cho hai người về quá khứ của mình và rằng ông chỉ là người bố nuôi của Cosette trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Ông cũng đã có niềm hạnh phúc khi ở bên là đứa con gái nuôi yêu quý và con rể. Ông nói với họ rằng ông rất yêu quý họ, sau đó Valjean qua đời.
Diễn xuất đỉnh cao của dàn diễn viên "khủng" là bảo chứng cho thành công của phim
Vở nhạc kịch kinh điển
Những người khốn khổ̉ ra mắt khán giả lần đầu tại nhà hát kịch Barbican ở London vào tháng 10 năm 1985, sau đó 19 năm được chuyển sang nhà hát Queen và trở thành nơi biểu diễn của tác phẩm cho đến nay. Khi tác phẩm tổ chức lễ kỷ niệm 21 năm ra mắt khán giả tại London năm 2006, Những người khốn khổ̉ trở thành vở nhạc kịch tồn tại lâu nhất trên thế giới, bỏ qua cả Cats đã từng thống lĩnh trước đó. Được dịch ra 21 thứ tiếng, công diễn tại 44 quốc gia trên thế giới cho 60 triệu khán giả, chưa kể hàng ngàn phiên bản khác nhau dàn dựng trong các trường trung học, Những người khốn khổ̉ trở thành một trong những vở nhạc kịch kinh điển nhất mọi thời đại.
Cuối cùng, sau 27 năm kể từ ngày vở nhạc kịch ra mắt khán giả, Cameron Mackintosh - nhà sản xuất đại tài của sân khấu West End - một lần nữa làm sống lại sức hấp dẫn của vở nhạc kịch này khi đưa nó lên màn ảnh rộng. Với Mackintosh, việc chuyển thể vở nhạc kịch thành tác phẩm điện ảnh không đơn thuần là việc biến đổi thể loại, mà lại tạo một đời sống riêng, độc lập cho bộ phim.
Khi Tom Hooper, đạo diễn của bộ phim giành tượng vàng Oscar The King’s Speech biết đến dự án này, ngay lập tức anh biết đây sẽ là bộ phim của mình. “Ngay lúc đó có một tia sáng lóe lên trong đầu tôi, tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn và kỳ diệu nhất khi chuyển thể vở nhạc kịch thành tác phẩm điện ảnh. Ngay lập tức tôi quyết định đi xem vở kịch. Đó là những ngày tháng 8 oi ả nhưng tâm hồn tôi thì ngập tràn sung sướng và tươi mới, những giai điệu thần kỳ đầy chứa chan đó cứ lảng vảng trong tôi suốt nhiều tuần liền.”
Một điểm đặc biệt của bộ phim mà tạp chí Time đã phải thốt lên rằng "đây là một bộ phim nhạc kịch kiểu mới", đó là toàn bộ dàn diễn viên được yêu cầu hát trực tiếp trong quá trình quay, micro được giấu trong trang phục, các diễn viên hát với piano, và phần đệm của dàn nhạc lên tới 70 người chỉ được thêm vào sau khi đóng máy quay. Đó chính là điều đạo diễn của bộ phim mong đợi.
"Tôi luôn muốn thử thách bản thân mình với những thể loại khác nhau. Ngay từ đầu khi bắt tay làm bộ phim này, tôi đã nghĩ đến việc các diễn viên sẽ hát trực tiếp trong quá trình làm phim mà không có bất kỳ tác động nào sau đó trong quá trình hậu kỳ ngoài dàn nhạc với phần đệm được trau chuốt kỹ hơn về âm nhạc. Khán giả được quyền sống thật nhất với những cảm xúc của nhân vật, và như vậy, chỉ khi hát “sống”, các diễn viên mới có thể lột tả được điều đó”, Tom Hooper nói thêm.
Yêu cầu cao với dàn diễn viên
Các diễn viên đình đám hội tụ trong Những người khốn khổ
Hugh Jackman:
Ngay từ đầu, Hooper đã đặt ra những yêu cầu rất cao cho dàn diễn viên mà ông phải có cho bộ phim này: "Những diễn viên có năng lực thực sự, có tố chất của một ngôi sao, khả năng diễn xuất thiên bẩm. Và khi chúng tôi tìm được dàn diễn viên của mình, cảm xúc đó thật khó diễn tả thành lời, giống như bạn được ban phước vậy. Hầu hết trong số dàn diễn viên này đều là những người ban đầu chúng tôi đã ngắm đến và tiếp cận.”
Vai nam chính Jean Valjean được giao cho Hugh Jackman, người đã từng giành giải Tony Award (giải thưởng cao quý nhất trong bộ môn nhạc kịch, tương đương với Oscar của điện ảnh) với vở The Boy From Oz. Nam diễn viên người Australia chia sẻ cảm xúc của mình trong buổi thử vai: “Nó kéo dài ba tiếng, và tôi là diễn viên đầu tiên Tom cho thử vai. Mọi việc sau đó như một buổi hội thảo thì đúng nghĩa hơn, chúng tôi trò chuyện về nhạc phim và diễn xuất, dù rất phấn khích nhưng tôi đành phải cáo lỗi nói với Tom hãy để tôi về nhà cho các con ngủ (cười).”
Với tông giọng baritone khá khỏe khoắn và đầy nam tính, Jackman là sự lựa chọn gần như duy nhất của đạo diễn Hooper cho nhân vật Jean Valjean. Vốn đã là một fan hâm mộ của vở nhạc kịch, Jackman không giấu nổi vẻ xúc động khi được chọn đóng vai Jean Valjean, người mà anh cho là “một con người đầy lòng vị tha, dũng cảm, sự kiên nhẫn và kiên cường, cuộc sống của anh quả là một bản hùng ca đầy bi tráng.”
Jackman đã rất khổ luyện cho vai diễn Jean Valjean này. Phân đoạn đầu của bộ phim khi khắc họa nhân vật Jean Valjean vừa trở về sau 19 năm bị tù đày, Jack đã gần như nhịn ăn trong một thời gian dài và đều đặn dành ba tiếng mỗi ngày để tập luyện. 36 giờ trước khi bộ phim bấm cảnh đầu tiên (cũng là cảnh Jean tiều tụy và thống khổ sau khi trở về từ nhà tù), Jack quyết định không uống lấy một ngụm nước. Điều này đã thực sự làm anh trở nên hốc hác và tiều tụy trông thấy cho phân cảnh này. Chỉ một chi tiết như vậy cũng đủ cho ta thấy niềm tin yêu của Jack với bộ phim và nhân vật của anh như thế nào.
Nói về việc cộng tác với đạo diễn Tom Hooper, Jackman cho rằng anh không thể mong đợi một lựa chọn nào tốt hơn: “Tom là sự kết hợp tuyệt vời cho bộ phim thuộc thể loại như vậy. Anh là kiểu người của chi tiết và lịch sử, giống như Victor Hugo vậy. Một tài năng thực sự để kết nối chất liệu điện ảnh và âm nhạc trong bộ phim này. Một nhà làm phim luôn muốn chinh phục đỉnh Everest trong bất kỳ dự án nào anh tham gia, một thủ lĩnh không biết đến sợ hãi!.”
Jackman cho rằng anh không thể mong đợi một lựa chọn nào tốt hơn
Russell Crowe:
Thanh tra Javert, nhân vật phản diện nổi tiếng thuộc về ngôi sao từng giành Oscar Russell Crowe. Ban đầu, giọng hát của diễn viên người Australia vẫn còn là một ẩn số với nhà sản xuất và đạo diễn của bộ phim, tuy nhiên vóc dáng và phong cách của anh khá giống Philip Quast – người từng nhập vai Javert cực kỳ thành công trên sân khấu. Chỉ hai tháng sau khi thử vai, anh nhận được cuộc gọi từ ê-kíp đoàn làm phim về việc mời anh tham gia đóng vai Javert.
Không giống như người bạn đồng hương của mình, Crowe chưa hề xem vở nhạc kịch cho đến khi các nhà làm phim tiếp cận anh về dự án này. Sau khi thưởng thức vở kịch, rất nhanh chóng Crowe bị cuốn hút bởi thử thách trước mắt. “Tôi không nghĩ tôi lại có được sự phấn chấn khi tham dự một bộ phim đến như vậy kể từ khi nhận vai John Nash trong A Beautiful Mind.”
Nhận xét về nhân vật của mình, Russel cho rằng: “Javert là người đàn ông thiên về lý tính và có một cách nhìn nhận thế giới quan này rất khắt khe, rõ ràng và đầy cực đoan.” Chia sẻ về người đạo diễn làm việc với mình, Russel thổ lộ: “Tom là một trong những đạo diễn khó tính nhất mà tôi từng được biết. Anh ấy làm việc đều đặn 7 ngày trong tuần. Khi anh ấy đã muốn cái gì, anh sẽ phải làm bằng được, thực chất đó là kiểu đạo diễn bạn nên làm việc cùng, và bạn muốn làm việc cùng.”
Anne Hathaway:
Trong tấm poster của Anne Hathaway nổi bật dòng chữ I dreamed a dream. Đây cũng chính là tên ca khúc mà Anne Hathaway thể hiện trong bộ phim này.
Một lựa chọn khác, tuy mạo hiểm nhưng cũng đã được khen ngợi rất nhiều, chính là Anne Hathaway vào vai Fantine. Ngay khi trailer đầu tiên của bộ phim được tung ra, đông đảo người hâm mộ và không ít nhà phê bình đã nói rằng, họ hoàn toàn bất ngờ khi được nghe một I Dreamed A Dream ấn tượng đến vậy. Giọng hát của Anne Hathaway được mô tả là “gai góc và sống động”, để lại nhiều cảm xúc không kém gì Ruthie Henshall hay Susan Boyle. Tạo hình của Anne Hathaway trong phim cũng rất mới lạ, khác hẳn những gì mọi người vẫn hình dung về nhân vật Fantine.
Anne Hathaway đã có một mối liên hệ đặc biệt với bộ phim từ rất lâu trước khi đoàn làm phim tiếp cận cô cho vai diễn Fantine. Khi cô chỉ mới bảy tuổi, chính nhà sản xuất Mackintosh đã tuyển mẹ cô vào vai một cô gái trong nhà máy trong tour diễn Những người khốn khổ phiên bản dành cho khán giả Mỹ. Anne vì thế mà lớn lên với lòng say mê âm nhạc và ca kịch.
Để chuẩn bị cho vai diễn này, Hathaway đã giảm hơn 10kg chỉ trong 5 tuần. “Fantine là một cô gái có thể lực yếu đuối nhưng tấm lòng thì luôn can trường và gan dạ. Tôi gần như đã trải qua những cuộc “hành xác” kinh khủng nhất trong nghiệp diễn của mình để có thể có được ngoại hình như của Fantine. Tôi cũng không ngại cắt bỏ mái tóc của mình trong vai diễn này. Thật kỳ lạ là những lúc mệt mỏi và gần như kiệt sức trong quá trình diễn xuất, tôi lại khá tỉnh táo vì tôi biết tôi đang cảm nhận được những gì Fantine phải trải qua. Điều đó mang đến cho tôi cảm xúc mãnh liệt để hóa thân trọn vẹn vào vai diễn này.”
Anne có quan hệ rất tốt với bạn diễn Jackman. Hooper cho rằng sự nữ tính của Anne rất phù hợp để cân bằng sự gai góc xù xì nam tính của Jackman, và cả hai người đều bộc lộ khả năng diễn xuất thiên phú qua những bài hát. Thực chất đó không đơn giản là diễn qua lời bài hát, mà là bộc lộ khả năng diễn xuất qua ca từ, điều rất khó khăn để có thể truyền tải trên sân khấu kịch.
Trong buổi thử vai, Anne mất gần ba tiếng trò chuyện với đạo diễn Hooper và sau đó là một tháng trời đằng đẵng mong ngóng để được là một phần trong câu chuyện lịch sử của Hugo trên màn ảnh rộng. Cuối cùng, tài năng của cô đã trả lời tất cả, Anne nhận vai Fantine và diễn một cách ngọt ngào đến nghẹt thở và đầy cảm xúc trong suốt gần 160 phút phim.
Amanda Seyfried:
Amanda Seyfried vào vai Cosette - con gái của Fantine
Vai nữ chính Cosette được giao cho Amanda Seyfried, diễn viên đảm nhận vai thứ chính trong bộ phim nhạc kịch nổi tiếng Mamma Mia!. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm người phù hợp cho vai Cosette, và Amanda là lựa chọn tuyệt vời”, đạo diễn Hooper chia sẻ.
Bên cạnh vai diễn Sophie trong Mamma Mia!, Amanda còn rất nổi tiếng với vai diễn của mình trong Dear John và Letters to Juliet, những vai diễn đã cho Seyfried đất diễn để thể hiện giọng hát trời phú của mình và khiến cô trở nên nổi bật so với các bạn diễn đồng trang lứa.
Chia sẻ về nhân vật của mình, Amanda cho biết: “Cosetter là nguồn sáng, tình yêu, sự hy vọng trong bộ phim. Vì vậy nhiệm vụ của tôi là phải khắc họa được một cô bé với cuộc đời đầy bất hạnh nhưng luôn có nghị lực và niềm tin phi thường vào cuộc sống. Đó quả là một vai diễn tuyệt vời dành cho tôi.”
Để tăng tính hấp dẫn cho bộ phim, đạo diễn Tom Hooper đã quay rất nhiều ngoại cảnh ở Pháp và Anh, ngoài ra còn tận dụng tối đa kỹ xảo cho các màn chiến đấu hoành tráng, mang lại cảm giác sống động và chân thực nhất cho khán giả.
Đòi hỏi của ông về phần diễn xuất cũng cực kỳ khắt khe, dàn diễn viên dù đều là các tên tuổi hàng đầu cũng không tránh khỏi phải diễn đi diễn lại vài ba lần mới đạt yêu cầu. Và Tom Hooper còn mở rộng kịch bản, ông đã yêu cầu nhà soạn nhạc Claude-Michel Schoberg viết thêm ca khúc cũng như phần nhạc nền.
Và Những người khốn khổ̉ đang được kỳ vọng sẽ vượt qua thành công vang dội của Chicago hồi năm 2002 với rất nhiều tượng vàng Oscar 2013 cùng mức doanh thu đột phá.
Một bộ phim ca nhạc không thể bỏ qua với tất cả những người yêu điện ảnh sẽ ra rạp vào ngày 11/1/2013.
Trailer đầy ám ảnh của Những người khốn khổ: