Poster phim Hàn né cảnh nóng, bạo lực
Nếu so sánh poster phim Hàn tại nước sở tại và khi đem phim ra nước ngoài, không khó để nhận thấy sự dè dặt của các nhà làm phim trong nước và sự tự do hơn khi phim được mang ra nước ngoài.
Poster phim Hàn trong và ngoài nước luôn tồn tại sự khác biệt về định hướng, một muốn nhấn mạnh sự nổi tiếng của diễn viên, một lại muốn khắc họa tâm lý của nhân vật. Ngoài ra, còn có một sự khác biệt dễ nhận thấy khác.
Trên thị trường phim thế giới có nhiều nới rộng về quy định kiểm duyệt, nhất là với những poster phim 18+. Chính vì vậy, nếu so sánh poster phim Hàn tại nước sở tại và khi đem phim ra nước ngoài, không khó để nhận thấy sự dè dặt của các nhà làm phim trong nước và sự tự do hơn khi phim được mang ra nước ngoài.
Với những bộ phim giới hạn độ tuổi người xem trên 18, các nhà làm phim Hàn Quốc luôn dè dặt khi lựa chọn poster, tránh những cảnh nóng, bạo lực, máu me. Điều đó xuất phát từ đặc điểm văn hóa xã hội của một quốc gia như Hàn Quốc nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung, trong đó có Việt Nam.
Dưới đây là những minh chứng cho sự khác biệt giữa poster phim Hàn trong và ngoài nước:
The taste of money (Mùi vị của đồng tiền) khi mang ra nước ngoài (ảnh phải) được tự do trưng bày một hình ảnh nhạy cảm – nữ diễn viên luống tuổi đang e ấp đầu má bên ngực trần một nam diễn viên trẻ hơn vài chục tuổi. Nhưng không thể có một poster nhạy cảm như thế tại Hàn Quốc. Thay vào cảnh 18+, nhà sản xuất để các nhân vật chính xuất hiện với một vị trí lớn trong toàn bộ khuôn hình.
Bộ phim Mother tạo một cơn sốt vì sự gặp gỡ của những nhân vật hàng đầu làng điện ảnh Hàn: đạo diễn Bong Joon Ho, nam diễn viên Won Bin và nữ diễn viên gạo cội Kim Hye Ja. Chính vì vậy, trên poster trong nước, Mother khắc họa hình ảnh cả hai nhân vật chính trong cảnh tượng Won Bin khép nép phía sau lưng người mẹ. Trong khi đó, poster tiếng Anh đặc tả khuôn mặt người mẹ với góc ảnh khuất sáng nhằm nêu bật cảm xúc hơn là sự nổi tiếng của diễn viên.
Tương tự như Mother, poster bộ phim điện ảnh Secret Sunshine cũng được nhấn mạnh về cảm xúc nhân vật hơn khi đưa ra nước ngoài. Đây là bộ phim đưa đến giải thưởng Ảnh hậu Cannes cho nữ diễn viên chính Jeon Do Yeon.
Ký ức của kẻ sát nhân nhấn mạnh đến thể loại phim kinh dị với những chi tiết đẫm máu. Trên poster nước ngoài, người xem không nhận ra gương mặt diễn viên chính nổi tiếng đến đâu. Họ chỉ cảm thấy một sự tò mò về nội dung phim.
Cũng giống như vậy, thể loại kinh dị được đề cao trong poster nước ngoài (ảnh phải) của bộ phim I saw the devil (Tôi nhìn thấy sát nhân). Ngay cả chân dung của nam diễn viên chính là hai ngôi sao nổi tiếng như Lee Byung Hun và Choi Min Sik cũng không quan trọng bằng việc khắc họa không khí rùng rợn với cảnh một gã mặc đồ đen bí ẩn, tay cầm chiếc rìu trên tay, phía dưới nền tuyết trắng là những đốm máu.
Old boy (Báo thù) mang đến cho người xem một sự hình dung về mối quan hệ của hai người đàn ông Choi Min Sik và Yoo Ji Tae với dòng đề tựa “Tôi đã đợi quá lâu rồi”, nhằm ám chỉ về một hành động trả thù (ảnh trái). Khi chuyển sang tiếng Anh, Old boy chọn hình ảnh nhân vật chính do Choi Min Sik đảm nhiệm sau khi được ra tù sau 18 năm, tay dắt theo một cô gái.
Jeon Woo Chi thêm một lần nữa thể hiện đặc trưng của các poster trong nước xứ Hàn. Đó là việc dồn tụ rất đông các ngôi sao trên một không gian nhỏ hẹp của poster. Hoàn toàn khác biệt với cảm giác chật chội đó, poster tại nước ngoài chỉ khắc họa lấy cái hồn của nhân vật với tài năng siêu phàm, hứa hẹn những pha hành động ngoạn mục, cho dù đó là một bộ phim cổ trang.