Video: Giải cứu hổ mang chúa "khủng" dài hơn 4,5 mét
Video ghi lại khoảnh khắc con rắn hổ mang chúa dài 4,5 mét được giải cứu ở Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của nhiều người sau khi video được chia sẻ trên mạng xã hội.
Video: Giải cứu hổ mang chúa "khủng" dài hơn 4,5 mét. Nguồn: ANI
Theo NDTV, con rắn hổ mang chúa được giải cứu hôm 11/7 bởi lực lượng kiểm lâm ở làng Narasipuram, thuộc Thondamuthur - ngoại ô thành phố Coimbatore, bang Tamil Nadu, Ấn Độ.
Làng Narasipuram nằm dưới chân ngọn núi Velliangiri, thuộc dãy Western Ghats - được biết đến là nơi trú ngụ của loài rắn độc dài nhất thế giới, hổ mang chúa.
Trong video, nhân viên kiểm lâm dùng một tay cầm vào phần thân, tay còn lại cầm que nâng phần đầu con rắn "khủng" đưa nó ra khỏi nơi ẩn náu gần thùng nước xanh.
Sau đó, người này và một nhân viên khác cố cho con rắn hổ mang chúa vào trong túi, trước khi đưa nó tới khu vực rừng Siruvani và thả nó về môi trường tự nhiên.
Video được chia sẻ lên mạng xã hội Twitter sáng 12/7. Sau vài giờ, nó nhận được sự chú ý lớn với 2.000 lượt thích và hơn 300 bình luận. Nhiều cư dân mạng ấn tượng bởi chiều dài của con rắn hổ mang chúa.
Theo National Geographic, rắn hổ mang chúa là loài rắn độc dài nhất thế giới. Chiều dài trung bình của rắn hổ mang chúa trưởng thành là khoảng 3-4 mét. Con rắn hổ mang chúa dài nhất ghi nhận được là 5,8 mét.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa không phải độc nhất trong số những loài rắn độc nhưng lượng độc tố trong một vết cắn của loài này đủ để giết chết 20 người hoặc một con voi trưởng thành. Nọc độc của rắn tác động tới trung tâm điều khiển hô hấp trong não, gây ngừng thở hoặc suy tim.
Rắn hổ mang chúa là loài nhút nhát và thường tránh mặt con người. Chúng sống chủ yếu ở các khu rừng nhiệt đới và đồng bằng Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Đông Nam Á và màu sắc thay đổi theo khu vực sinh sống.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi phá căn nhà bùn đất đã tồn tại hơn 40 năm, chủ căn nhà thất kinh vì những sinh vật nguy hiểm bên dưới.