TQ sẽ ghép đầu người lần đầu tiên trong lịch sử
Các bác sĩ Trung Quốc đang tham vọng ghép thân người này với đầu người khác lần đầu tiên trong lịch sử, bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế về tiêu chuẩn đạo đức.
Cấy ghép đầu đang là tham vọng lớn nhất hiện nay của các bác sĩ Trung Quốc.
6 năm trước, Wang Huanming bị liệt từ cổ trở xuống sau khi chơi vật nhau với một người bạn. giờ đây, ông đang hy vọng có thể đi lại bình thường nếu một ca ghép đầu được thực hiện.
Ông Vương 62 tuổi, một nhân viên nhà máy gas đã nghỉ hưu, là một trong rất nhiều người Trung Quốc tình nguyện tham gia thử nghiệm ghép đầu tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc.
Ý tưởng ghép đầu đã bị nhiều nhà khoa học thế giới cảnh báo khi Trung Quốc tỏ ý quyết tâm thực hiện. Việc cấy ghép được cho là không thể ở thời điểm hiện tại, cả về mặt đạo đức lẫn y khoa. Theo đó, quá trình cấy ghép dây thần kinh trong tủy sống là cực kì khó khăn và xác suất bệnh nhân qua đời là rất lớn.
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Ren XiaoPing từ đại học y Cáp Nhĩ Tân, người từng tham gia ghép tay cho ca bệnh đầu tiên ở Mỹ năm 1999, khẳng định ông không chùn bước. Trong một phỏng vấn mới đây, ông Ren nói rằng đang xây dựng một đội ngũ nhân viên, bác sĩ và sẽ thực hiện ghép đầu khi đã sẵn sàng.
Kế hoạch của bác sĩ Ren là tách 2 đầu của hai cơ thể sống, sau đó nối thân của người cho với đầu người nhận. Một đĩa kim loại sẽ được dùng để cố định phần cổ. Xương sống sẽ được ngâm trong dung dịch đặc biệt giúp chúng có thể “sống được” rồi sau đó sẽ khâu lại toàn bộ.
Dù vậy, nhiều chuyên gia hàng đầu lên án kế hoạch quá tham vọng này của bác sĩ Ren. “Với hầu hết mọi người trong ngành, việc ghép đầu là quá sớm và mạo hiểm”, bác sĩ James Bernat, chuyên gia thần kinh học tại bệnh viện y Geisel đại học Dartmouth Mỹ tuyên bố. Bác sĩ Huang Jiefu, cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc nói rằng khi xương sống bị cắt lìa, việc nối dây thần kinh là không thể về mặt y học.
Một số nhà nghiên cứu lo ngại thí nghiệm này đang “đi quá xa và quá nhanh”. Bác sĩ Cong Yali từ đại học Bắc Kinh cho rằng kế hoạch của bác sĩ Ren chỉ khiến cái nhìn của cộng đồng quốc tế về người Trung Quốc thêm sai lệch.
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư 216 tỉ USD vào nghiên cứu khoa học và phát triển, tăng gấp 7 lần so với thời điểm năm 2005, theo số liệu của Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc.
Trung Quốc thường có nhiều thí nghiệm bất chấp phản đối của cộng đồng y khoa quốc tế.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở đại học Trung Sơn, miền nam Quảng Châu đã biến đổi gene trong phôi người khiến thai nhi mắc chứng thiếu máu hiếm gặp. Thí nghiệm này đã vượt xa tiêu chuẩn đạo đức thông thường. Cộng đồng quốc tế cho rằng nếu biến đổi gene được thực hiện trên một thai nhi trong cơ thể mẹ, những biến đổi này sẽ mang tính di truyền. Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ thực hiện biến đổi gene để cải thiện ngoại hình hay trí tuệ.
Bất chấp quan ngại, tháng 4 vừa qua, một nhóm các nhà khoa học khác ở Quảng Châu lại biến đổi gene để bào thai chống được virus HIV. Nhiều nhà khoa học nước ngoài đã khẳng định hành động này là “phi nhân tính” và “vô đạo đức”.
Bác sĩ Ren không phải là trường hợp ngoại lệ muốn cấy ghép cơ thể người. Trước đây, bác sĩ Sergio Canavero từ Italia đã thực nghiệm nghiên cứu quá trình đầy tham vọng này. Tuy nhiên, bác sĩ Sergio vẫn chưa có ý định thực hiện tham vọng của mình.
Bác sĩ Ren là một người sinh ra ở Cáp Nhĩ Tân đã sinh sống tại Mỹ 16 năm trước khi hồi hương năm 2012. Ông từng tham gia vào ca ghép tay thực hiện năm 1999. Bác sĩ Ren từng ghép đầu cho chuột nhưng chúng chỉ sống được một ngày sau đó. Ông cho biết đã thí nghiệm trên xác người nhưng không cung cấp kết quả chi tiết.
Những bác sĩ và người ủng hộ ông Ren cho rằng thí nghiệm ghép đầu sẽ mang lại triển vọng sống cho những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng tới chức năng toàn cơ thể như trường hợp của ông Vương.
Gia đình ông Vương rất hy vọng ca phẫu thuật sẽ thành công để giúp họ không phải chi trả quá nhiều tiền viện phí như hiện nay. Con gái ông Vương, chị Wang Zhi, 34 tuổi, trước đây thường xuyên phải dùng tay bóp bóng thở để cung cấp oxy vào phổi cho bố mình. Sau này khi được hỗ trợ, gia đình được cấp một máy thở tự động tuy nhiên tiền viện phí nhiều năm trời đã bào mòn kinh tế nhà ông Vương.
Chị Vương nói: “Một ca phẫu thuật không tưởng có thể sẽ cứu chúng tôi”.