Tóc người trở thành "chiến binh" giải cứu môi trường
Trong năm 2021, Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) ghi nhận 175 sự cố tràn dầu trên biển và đất liền ở Mỹ.
Một cách tiêu chuẩn để làm sạch dầu khỏi đất là sử dụng thảm làm từ polypropylene, một loại nhựa không thể phân hủy sinh học. Cách làm này buộc chúng ta phải khoan dầu nhiều hơn để sản xuất polypropylene.
Ngược lại, tóc là một nguồn sản phẩm dồi dào, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu của chuyên gia Megan Murray tại Trường ĐH Công nghệ Sydney (Úc) cho thấy tóc hấp thụ dầu hiệu quả chẳng kém polypropylene.
"Việc sử dụng một nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo để làm sạch dầu tràn hợp lý hơn rất nhiều so với việc phải khoan thêm dầu để tạo ra sản phẩm làm sạch dầu tràn" – bà Lisa Gautier, nhà đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Matter of Trust (trụ sở tại TP San Francisco - Mỹ), nhấn mạnh với đài CNN.
Thảm làm từ tóc được sử dụng để lau dầu tràn. Ảnh: Matter of Trust
Theo Matter of Trust, cần 500 g tóc để sản xuất một tấm thảm có thể làm sạch 5,6 lít dầu tràn. Tổ chức này cho biết thêm chỉ cần khoảng 1 lít dầu "thâm nhập" vào nguồn nước là 3,7 triệu lít nước uống có thể bị ô nhiễm. Ngoài làm bẩn nước uống, dầu tràn còn đe dọa sức khỏe con người, cây cối và động vật hoang dã.
Trong năm 2021, Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) ghi nhận 175 sự cố tràn dầu trên biển và đất liền ở Mỹ. Cùng năm, toàn thế giới chứng kiến khoảng 10.000 tấn dầu bị tràn ra môi trường.
Bà Gautier đồng sáng lập Matter of Trust cùng bạn đời Patrice Gautier vào năm 1998 với mục tiêu giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường.
Ba năm sau, họ hợp tác với nhà tạo mẫu tóc người Mỹ Phillip McCrory để xử lý sự cố tràn dầu ở quần đảo Galapagos - Ecuador. Cùng nhau, Matter of Trust và ông McCrory tạo ra phao quây dầu tràn tự nổi và thảm được sản xuất từ tóc người và lông thú.
Nghiên cứu của chuyên gia Megan Murray, Trường ĐH Công nghệ Sydney (Úc), cho thấy tóc hấp thụ dầu hiệu quả chẳng kém polypropylene. Ảnh: Matter of Trust
Tổ chức này cho biết khoảng 50% sản phẩm của họ được mua bởi các tổ chức như không quân Mỹ và các cơ quan chính phủ và phần còn lại được quyên tặng, chủ yếu cho người tình nguyện của tổ chức. Theo bà Gautier, Matter of Trust đã sản xuất hơn 300.000 phao quây dầu tràn tự nổi và hơn 40.000 tấm thảm làm từ tóc để xử lý các sự cố tràn dầu nghiêm trọng và cấp bách, trong đó có vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico năm 2010.
Lượng sản phẩm được sản xuất để giải quyết các sự cố tràn dầu không cấp bách, chẳng hạn như khử nhiễm cống thoát nước, lau chùi dầu rò rỉ từ máy móc và xe cộ…thậm chí còn ấn tượng hơn rất nhiều.
Matter of Trust đang mở rộng mạng lưới đối tác địa phương nhằm sản xuất thảm làm từ tóc tại 17 quốc gia, trong đó có Phần Lan, Nhật Bản, Chile và Rwanda.
Các sản phẩm làm từ tóc có thể được sử dụng để hấp thụ dầu tràn từ xe cộ. Ảnh: Matter of Trust
Với việc Matter of Trust không đăng ký bản quyền, những nhóm khác đã bắt đầu sản xuất thảm và phao quây dầu tràn tự nổi của riêng họ, trong đó có Green Salon Collective (Anh) vốn hoạt động vì sự bền vững của ngành tóc.
Chứng kiến phong trào ngày một lớn mạnh, bà Gautier không giấu được niềm vui khi khẳng định: "Bất cứ ai cũng có thể làm thảm tóc. Phong trào này tạo ra việc làm thân thiện với môi trường, làm sạch nguồn nước, giảm rác thải và thúc đẩy nguồn tài nguyên tái tạo".
Tuy nhiên, chuyên gia Murray cảnh báo thảm tóc không phải là một giải pháp hoàn hảo, bởi chúng chỉ sử dụng được một lần. Hơn nữa, chúng chỉ có thể được xử lý bằng cách đốt hoặc ủ vào đất, khiến vùng đất này không còn phù hợp để trồng thực phẩm. Bà Murray đang nghiên cứu phương pháp chiết xuất dầu từ thảm tóc đã qua sử dụng để tái sử dụng cả thảm lẫn dầu.
Phao quây dầu tự nổi làm từ tóc được sử dụng để xử lý sự cố tràn dầu. Ảnh: Green Salon
Nguồn: [Link nguồn]
(NLĐO) - Trên thế giới không thiếu những câu chuyện độc, lạ và nhiều câu chuyện trong số đó tạo nên những kỷ lục có một không hai.