Tiệc đón năm mới cách trái đất... 6,4 tỉ km
Bữa tiệc đón năm mới “lạ lùng nhất” trong hệ mặt trời đã diễn ra vào ngày 1-1-2019 ở Vành đai Kuiper (Vành đai Kha Y) - khu vực tăm tối và xa xôi nằm ở rìa ngoài cùng của hệ mặt trời.
Không có sâm-panh, không có pháo hoa cũng chẳng có những giai điệu quen thuộc, bữa tiệc chỉ có 2 nhân vật chính: Tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Ultima Thule – một thiên thạch cách xa trái đất 6,4 tỉ km, được phát hiện vào năm 2004.
Dù vậy, bữa tiệc này lại có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với nhân loại nói chung và NASA nói riêng bởi Ultima Thule là vật thể xa nhất từng được con người khảo sát.
Các nhà khoa học NASA họp báo trước lúc tàu vũ trụ New Horizons tiếp cận thiên thạch Thule Ultima
Tại nơi phát triển New Horizons - Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng (APL) của trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), các nhà khoa học vũ trụ vỡ òa trong hạnh phúc và ăn mừng cuồng nhiệt vào lúc 12 giờ 33 phút ngày 1-1 (giờ EST) – thời điểm New Horizons tiếp cận Ultima Thule ở khoảng cách gần nhất cho phép là 3.500 km, chụp ảnh, thu thập dữ liệu và gửi về trái đất.
Vì khoảng cách quá xa nên phải mất 10 tiếng sau đó, các nhà khoa học NASA mới nhận được dữ liệu và ảnh chụp Ultima Thule.
Ông John Spencer, phó ban quản lý sứ mệnh New Horizons, cho biết thiên thạch xuất hiện từ thuở sơ khai của hệ mặt trời nêu trên có hình dạng giống người tuyết. "Chúng tôi sẽ sớm tìm hiểu thêm được rất nhiều điều. Chúng tôi đang rất nóng lòng" – ông Spencer hào hứng chia sẻ.
Thiên thạch Thule Ultima có hình dạng giống người tuyết, dài 33 km
Theo Washington Post, đây là khoảnh khắc quan trọng và bận rộn nhất đối với nhóm tham gia dự án New Horizons kể từ khi con tàu vũ trụ cùng tên tiếp cận và chụp ảnh Sao Diêm Vương. Theo Giám đốc dự án New Horizons, bà Helene Winters, nhóm vận hành tàu vũ trụ phải ăn uống và ngủ nghỉ ngay trên sàn APL để họ có thể "dõi theo từng phút" cho đến khi New Horizons tiếp cận mục tiêu.
Tương tự, nhóm hoa tiêu cũng phải làm việc rất vất vả để "soi" các mối đe dọa tiềm tàng vì chúng rất khó bị phát hiện trong khoảng không gian xa xăm và tăm tối ngoài vũ trụ. Di chuyển với vận tốc 51.500 km/giờ, New Horizons có thể nổ tung "ngay lập tức" nếu va chạm với mảnh vỡ, dù là nhỏ như hạt gạo, trong không gian.
Các nhà khoa học NASA đếm ngược, chờ tàu vũ trụ New Horizons tiếp cận thiên thạch Thule Ultima ở khoảng cách gần nhất cho phép
Được triển khai vào năm 2006, New Horizons là sứ mệnh đầu tiên của NASA nhằm khám phá rìa hệ mặt trời – một khu vực mà nhà khoa học tham gia dự án Alan Stern mô tả là "xứ sở khoa học thần tiên". Ông Stern mô tả giây phút tàu vũ trụ New Horizons tiếp cận thiên thạch Ultima Thule là "một khoảnh khắc lịch sử".
Không những là vật thể xa nhất từng được con người khảo sát, Ultima Thule nhiều khả năng còn là vật thể "nguyên thủy nhất". Không giống các hành tinh được hình thành do các lực địa chất bên trong và các tiểu hành tinh được sưởi ấm bằng mặt trời, thiên thạch Ultima Thule được cho là tồn tại trong trạng thái "đóng băng sâu".
Vì thế, theo ông Stern, Ultima Thule tính đến thời điểm hiện tại là "nguồn dữ liệu" tuyệt vời nhất giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về hệ mặt trời cũng như những hành tinh trong nó.
Thiên thạch Thule Ultima là vật thể xa nhất từng được con người khảo sát
Theo ông Stern, phải mất 20 tháng để toàn bộ hình ảnh và dữ liệu được tải về trái đất do khoảng cách quá xa. "New Horizons sẽ gửi dữ liệu trong suốt năm 2019 và gần hết năm 2020, đến khoảng tháng 8 hoặc 9" – ông Stern tiết lộ, đồng thời nói rằng những bức ảnh đầu tiên chỉ mới giúp họ xác định được chính xác hình dạng của Ultima Thule.
Do thời gian còn dài trong khi có quá nhiều rủi ro nên NASA chưa thể cam kết nhiệm vụ đã thành công hay chưa – ông Stern chia sẻ. Dù vậy, nhà khoa học này vẫn mô tả sứ mệnh New Horizons là một khởi đầu tốt lành của năm 2019 – năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm sứ mệnh Apollo 11 thành công, đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào tháng 7-1969.
"'Ultima Thule xa hơn mặt trăng gấp 17.000 lần…Ai biết được liệu chúng ta sẽ tìm thấy gì ở đó?...Mọi thứ đều có thể xảy ra ở khu vực chưa từng được khảo sát này" – ông Stern hào hứng nói.
Tàu vũ trụ New Horizons
Ngoài New Horizons, NASA còn đón nhận tin vui từ sứ mệnh OSIRIS-REx khi tàu vũ trụ cùng tên bay vào quỹ đạo của tiểu hành tinh Bennu – vật thể nhỏ nhất từng được tàu vũ trụ bay quanh. OSIRIS-REx là sứ mệnh đầu tiên của Mỹ nhằm khảo sát, lấy mẫu vật từ một tiểu hành tinh và quay trở về trái đất.
Được phóng đi vào năm 2017, tàu vũ trụ OSIRIS-REx tiếp cận Bennu vào ngày 3-12-2018 và sau nhiều tuần nghiên cứu, nó đã bay vào quỹ đạo của tiểu hành tinh này vào lúc 19 giờ 43 phút (giờ GMT) ngày 31-12. NASA khẳng định đây là "một bước tiến của nhân loại"
Tiểu hành tinh Bennu, xuất hiện từ thuở sơ khai của hệ mặt trời, có đường kính khoảng 500 m và cách trái đất khoảng 110 triệu km. Được biết, tàu vũ trụ OSIRIS-REx đang bay quanh Bennu ở khoảng cách 1,6 km so với tâm của tiểu hành tinh này và mỗi vòng quay mất khoảng 62 tiếng.
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx
Theo kế hoạch, OSIRIS-REx sẽ bay quanh Bennu đến giữa tháng 2-2019 và trong suốt thời gian này, OSIRIS-REx sẽ sử dụng 5 thiết bị công nghệ cao để lập bản đồ chi tiết về Bennu, giúp các nhà khoa học biết chính xác vùng nên lấy mẫu vật.
Sau đó, vào năm 2020, OSIRIS-REx sẽ sử dụng cánh tay robot của nó để lấy mẫu vật từ Bennu – tiểu hành tinh bị xem là một mối đe dọa tiềm tàng, với rủi ro va chạm trái đất vào năm 2135 là 1/2700.
NASA hy vọng những dữ liệu thu được từ sứ mệnh OSIRIS-REx sẽ giúp họ hiểu thêm về quá trình hình thành của hệ mặt trời và cách thức tìm kiếm những nguồn tài nguyên quý giá, như kim loại và nước, trên các tiểu hành tinh.
Ảnh chụp tiểu hành tinh Bennu do tàu vũ trụ OSIRIS-REx gửi về
Hàng loạt phi công ở Ireland thông báo với đài kiểm soát không lưu về việc nhìn thấy vật thể không xác định (UFO), giống...