Tia sét dài tới 709 km, xẻ đôi bầu trời Brazil

Vào dịp Halloween năm 2018, một tia sét khổng lồ bất ngờ xé toạc bầu trời phía nam Brazil, với độ dài lên tới hơn 709 km, từ bờ Đại Tây Dương đến tận biên giới nước này với Argentina.

Tia sét dài nhất thế giới được xác định ở phía Nam Brazil, với độ dài lên tới 709 km (Ảnh: Live Science)

Tia sét dài nhất thế giới được xác định ở phía Nam Brazil, với độ dài lên tới 709 km (Ảnh: Live Science)

Theo phân tích mới được công bố từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đây chính tia sét dài nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Sử dụng công nghệ vệ tinh đời mới, các nhà khoa học xác nhận tia sét này có chiều dài lớn gấp đôi so với kỷ lục trước đó, một tia sét dài 320 km rạch ngang bầu trời tại bang Oklahoma, Mỹ vào năm 2007.

“Điều này không đồng nghĩa với việc độ dài các tia sét ngày càng lớn hơn,” Các nhà nghiên cứu cho biết trong tuyên bố, “Chính xác hơn, công nghệ theo dõi các tia sét đang được cải thiện nhờ những bước tiến đáng kể.”

"Nhiều khả năng vẫn còn tồn tại nhiều tia sét dài hơn, và chúng ta sẽ có thể quan sát được chúng khi công nghệ theo dõi sét được cải thiện", Randall Cerveny, trưởng bộ phận báo cáo các hiện tượng khí hậu và thời tiết của WMO, cho biết trong tuyên bố.

Theo Live Science, hiện tượng sét đánh xảy ra khi các luồng khí lạnh và ấm va chạm với nhau trong một cơn dông. Các tinh thể băng trong khí lạnh va vào những giọt nước trong luồng khí ấm, tạo ra ma sát và điện tích phát sáng dọc theo chiều dài của các đám mây trong cơn bão.

Sét có xu hướng xảy ra thường xuyên nhất ở những vùng có độ ẩm cao (nơi có vùng đối lưu gây ra nhiều cơn dông hơn) và những vùng núi cao. Vì những lý do này, Nam Mỹ là một trong những điểm nóng về sét đánh hàng đầu trên thế giới. Hồ Maracaibo ở Venezuela được coi là “thủ đô sét” của thế giới, là nơi những tia sét thường lóe sáng trên bầu trời tới gần 300 đêm trong một năm, theo một nghiên cứu năm 2016 của NASA.

Với phân tích mới về tia sét dài nhất thế giới, các nhà khoa học WMO đã dựa trên nghiên cứu về một số tia sét lớn ghi nhận từ 4 vệ tinh theo dõi thời tiết được vận hành bởi Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Những góc nhìn ngoài không gian này đã cho các nhà nghiên cứu một lợi thế lớn hơn các nghiên cứu trước đây, vốn chỉ có thể xác định độ dài những tia sét dựa trên các mạng lưới giám sát trên mặt đất.

Ngoài ghi nhận về tia sét dài nhất thế giới ở phía nam Brazil, phân tích mới này cũng xác định được tia sét có thời gian lóe sáng lâu nhất thế giới trên bầu trời phía bắc Argentina, với thời gian lên tới 17 giây vào tháng 3.2019. Trước đó, kỷ lục này đã thuộc về một tia sét trên bầu trời nước Pháp vào tháng 8.2012, với thời gian lóe sáng là 7,74 giây.

Đe dọa người dân, hàng trăm con khỉ bị thắt ống dẫn tinh, cắt buồng trứng

Hàng trăm con khỉ tại một tỉnh du lịch nổi tiếng ở Thái Lan đã bị triệt sản sau khi chúng có những biểu hiện hung dữ,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh - Live Science ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN