Thanh niên Nhật trốn vào phòng kín... 10 năm
Cả triệu thanh niên Nhật Bản đang sống khép kín trong phòng, nhiều người trốn trong đó tới cả... 10 năm
Một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện cho biết đang có khoảng 700.000 người lánh đời. Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý Tamaki Saito khẳng định con số thực tế ít nhất là 1 triệu người, vì họ sống khép mình nên khó phát hiện.
Sợ xã hội
Theo ông Saito, độ tuổi bắt đầu náu mình trong phòng tăng dần trong 2 thập kỷ qua, từ 21 lên mốc 32 tuổi hiện nay. Từ những năm 1990, bác sĩ Saito đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ huynh đến để được tư vấn vì con cái bỏ học, sống biệt lập với gia đình hàng tháng, thậm chí hàng năm trời.
Căn phòng “tất cả trong 1” của thanh niên e sợ xã hội Ảnh: DYNDNS
Phần lớn kẻ lánh đời sinh trưởng trong gia đình trung lưu, là nam giới, có nhiều người trốn trong phòng từ khi mới 15 tuổi. Bác sĩ Saito phân tích số thanh niên này bị “tê liệt” vì những nỗi sợ xã hội quá lớn. “Họ bị dày vò trong tâm trí. Họ muốn ra ngoài với thế giới và kết bạn nhưng lại không làm được” - ông nói.
Triệu chứng của mỗi bệnh nhân rất khác nhau. Một số người ngoài việc sống ẩn dật còn rất hay tức giận vô cớ, bộc lộ các hành vi của trẻ con như cào cấu vào người mẹ. Tệ hơn, nhiều bệnh nhân bị ám ảnh, hoang tưởng và trầm cảm. Các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố tác động ban đầu có thể rất đơn giản như học kém, thất tình... Theo thời gian, các áp lực khác trong xã hội đã khiến những thanh niên đó không đủ can đảm rời khỏi vỏ ốc của riêng mình.
Với cái nhìn của một người từ bên ngoài Nhật, ông Andy Furlong - nhà nghiên cứu của Trường ĐH Glasgow (Anh) - nhận định bong bóng kinh tế Nhật Bản góp phần không nhỏ vào sự lây lan của chứng sợ xã hội này.
Chống cô đơn bằng thú nhồi bông
Theo ông Furlong, trước đây, các học sinh có điểm cao thường vào đại học ưu tú và được làm một công việc tốt trọn đời. Kinh tế bấp bênh khiến hệ thống đó đổ vỡ và thanh niên phải làm các công việc ngắn hạn, bán thời gian để mưu sinh. Họ mong muốn được cảm thông nhưng lại phải chịu đựng sự kỳ thị.
Không đến mức trốn biệt trong phòng nhưng nhiều người Nhật cũng vất vả chống chọi với nỗi cô đơn giữa xã hội. Đánh vào tâm lý muốn vơi bớt trống vắng, chuỗi quán cà phê Moomin House ra đời vài năm trước ở thủ đô Tokyo đã nổi như cồn gần đây. Khách hàng đến quán dùng bữa, uống cà phê với... một con hà mã bằng bông màu trắng có tên gọi Moomin ngồi đối diện. Moomin là một trong những nhân vật trong bộ truyện Mumi nổi tiếng của nhà văn - họa sĩ người Phần Lan Tove Jansson.
Ở Tokyo có 3 quán cà phê Moomin House nhưng nổi tiếng nhất là quán ở khu phức hợp giải trí Tokyo Dome bởi nơi đây thường có các buổi hòa nhạc. Nhiều bàn được để sẵn Moomin và bạn gái của nó là Snork Maiden với hy vọng khách hàng cũng sẽ có cặp có đôi trong tương lai.
Thậm chí, dù cặp kè với bạn bè, khách hàng vẫn được ngồi ăn cùng thú nhồi bông để nếm thử cảm giác của kẻ đơn côi. Lời khuyên tốt nhất dành cho thực khách là nên đến các quán này vào buổi sáng vì đó là thời gian yên tĩnh và tương đối vắng khách.
Du lịch độc chiêu
Công ty Du lịch Unagi Travel của cô Sonoe Azuma, 38 tuổi, sẽ đưa thú nhồi bông của khách hàng đi du lịch và trở về an toàn trong khi chủ nhân vẫn ngồi nhà! Ba năm trước, cô đã làm nhiều tour như thế khắp Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và nhận thấy loại hình du lịch này giúp ích cho chủ nhân của các con thú.
Cô Azuma cho biết một phụ nữ đi lại khó khăn vì bệnh tật đã lấy lại niềm tin sau khi nhìn những tấm hình thú nhồi bông đi đó đây. Người phụ nữ này cố trị liệu cho đôi chân và đến thăm tỉnh lân cận thay vì than thân trách phận như nhiều năm trước.